Việc Ả Rập Saudi hành quyết giáo sĩ Nimr Al-Nimr thân Iran dẫn tới việc hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao là đỉnh điểm của cuộc xung đột âm ỉ lâu nay giữa hai cường quốc Trung Đông nhiều tham vọng.
Nguồn gốc sâu xa là do sự chia rẽ tôn giáo kéo dài hàng thế kỷ qua giữa người Hồi giáo dòng Sunni, chiếm đa số tại Ả Rập Saudi và người Hồi giáo dòng Shi’ite chiếm đa sốở Iran. Ả Rập Saudi tự nhận là quốc gia lãnh đạo dòng Hồi giáo Sunni, trong khi Iran coi mình là người bảo vệ cho những người Hồi giáo dòng Shi’ite ở mọi nơi.
Sự thù hằn, cạnh tranh giáo phái này là nguyên nhân cơ bản dẫn đến bất đồng ở khu vực Trung Đông và càng khoét sâu các mâu thuẫn ở khu vực, mà xung đột bùng phát giữa hai nước là một ví dụ điển hình.
Ngoài ra, theo bài phân tích trên trang mạng điện tử báo Nước Mỹ ngày nay, có năm nguyên nhân dẫn đến những xung đột mới giữa Iran và Ả Rập Saudi hiện nay. Thứ nhất là “nhân tố Washington”. Là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông, Ả Rập Saudi nhận được sự hỗ trợ lớn về quân sự từ Mỹ và chính sách đối ngoại của Mỹ bị chi phối không nhỏ bởi mối quan hệ đồng minh này. Mới đây Mỹ và các cường quốc khác gỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế với Iran để đổi lấy việc nước này tuân thủ những điều khoản của thỏa thuận hạt nhân Iran. Đương nhiên, Ả Rập Saudi không hài lòng với bản thỏa thuận vì nước này luôn lo sợ Tehran sẽ tận dụng cơ hội để hỗ trợ những nhóm nổi dậy. Riyadh cũng lo ngại Iran sẽ sử dụng các nguồn thu mới để mua vũ khí phục vụ mục tiêu tham vọng của mình ở khu vực.
Nhân tố tiếp theo là Yemen. Ả Rập Saudi đang dẫn đầu một liên minh quân sự trong khu vực để tiêu diệt các phiến quân nổi dậy Houthi thuộc dòng Shi’ite, lực lượng đang đe dọa lật đổ chính quyền ở Yemen. Trong khi đó, các phiến quân nổi dậy này lại được cho là đang nhận sự hậu thuẫn trực tiếp từ Tehran.
Syria cũng là một nguyên nhân khác khiến hai nước không thể có tiếng nói chung. Iran được cho là hậu thuẫn chính quyền của Tổng thống Syria Al-Assad trong cuộc nội chiến kéo dài gần năm năm qua. Trong khi đó, Ả Rập Saudi cùng với Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lại đang hỗ trợ các nhóm nổi dậy người Sunni chống lại Tổng thống Al-Assad.
Nhân tố Iraq cũng chi phối đáng kể quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng đối thủ Iran và Ả Rập Saudi. Mặc dù Iraq có đa số dân là người Hồi giáo dòng Shi’ite, song trong hàng thập niên Iraq được điều hành bởi nhà lãnh đạo Hồi giáo dòng Sunni Saddam Hussein cho đến khi xảy ra cuộc can thiệp quân sự do Mỹ khởi xướng năm 2003 lật đổ chế độ của ông Hussein. Hiện nay, chính quyền Iraq do người Shi’ite cầm trịch đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Iran. Vì vậy, Ả Rập Saudi tỏ ra thận trọng với chính quyền Iraq và đồng cảm với những người Hồi giáo dòng Sunni đang cảm thấy bị chính phủ xa lánh.
Nhân tố thứ năm là dầu mỏ. Ả Rập Saudi kiên trì không cắt giảm sản lượng khai thác, bất chấp việc giá dầu thế giới sụt giảm nhằm bảo vệ thị phần của mình, được cho là sẽ gây bất lợi với Iran.
Đ.N (DNSGCT)