Đời sống không còn tiếng khóc sơ sinh

Hôm qua, ghé nhà người anh họ ở Thủ Đức. Hai vợ chồng ngồi ăn cơm với đứa con gái đang học lớp 5. Chị cười hiền, nói: “Đẻ thêm thì vui, mà ông bà nội ngoại đều lớn tuổi rồi, thuê người giữ thì mắc. Thôi ráng nuôi cho đàng hoàng một đứa.”

Căn nhà không rộng cũng chẳng chật, chỉ hơi… yên quá. Không có tiếng trẻ con chạy giỡn, cũng không có tiếng khóc dỗ ăn. Thứ âm thanh tưởng như phiền phức ấy – giờ lại thấy thiếu.

Ở thành phố bây giờ, nhà ít con là chuyện thường. Thường đến mức, thi thoảng nghe tiếng em bé khóc giữa khu chung cư, người ta quay lại nhìn, như bắt gặp một điều… lạ lẫm.

Một công viên không trẻ em – ảnh chụp hiện tại, nhưng cũng có thể là dự báo tương laiTỷ suất sinh ở Việt Nam đã giảm tới 62% so với thời sau 1975 – từ hơn 6 con/phụ nữ xuống chỉ còn 2,01 vào năm 2023. Không chỉ ít, mà còn lệch. Nhiều địa phương ghi nhận tỷ lệ bé trai cao hơn bé gái tới 20%. Nếu xu hướng này không đảo chiều, đến năm 2050, Việt Nam có thể có 4 triệu nam giới không thể kết hôn, đơn giản vì không còn ai để cưới.

Trong khi đó, dân số già hóa nhanh nhất khu vực. Người trên 60 tuổi hiện chiếm hơn 12%, và đến 2050, con số ấy sẽ gấp đôi. Nền kinh tế sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, hệ thống an sinh xã hội oằn vai vì gánh nặng y tế – nhưng thế hệ kế tiếp thì chưa chịu… ra đời.

Câu chuyện này không chỉ của riêng Việt Nam. Thế giới cũng đang trượt dốc trong một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học âm thầm nhưng sâu sắc. Từ Mỹ, Hàn, Trung Quốc cho tới Nga – tỷ lệ sinh đều xuống thấp chưa từng có trong lịch sử hiện đại.

Hơn 70 quốc gia đã giảm hơn 50% tỷ suất sinh kể từ năm 1950. Hàn Quốc dẫn đầu xu hướng với mức 0,75 con/phụ nữ – thấp nhất hành tinh. Tại Seoul, cứ 6 em bé thì có 1 ra đời từ IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) – minh chứng cho sự tuyệt vọng của xã hội hiện đại. Trung Quốc mất hơn 2 triệu người chỉ trong năm 2023, với tỷ lệ sinh giảm tới 83% từ mức cao nhất. Dự báo nước này sẽ mất một nửa dân số vào cuối thế kỷ. Nga đã ngưng công bố số liệu sinh từ tháng 3/2025 – vì quá thấp để công bố. Dân số có thể giảm từ 146 triệu còn 83 triệu vào năm 2100. Mỹ cũng không khá hơn, khi tỷ suất sinh đã duy trì dưới mức thay thế (2,1) suốt gần hai thập kỷ, hiện chỉ còn 1,6.

Elon Musk – người vốn quan tâm tới việc sống trên sao Hỏa – lại lo lắng nhiều hơn cho Trái đất: “Nếu không sinh thêm trẻ em, nền văn minh sẽ sụp đổ. Lịch sử chứng minh: Các đế chế không sụp đổ vì chiến tranh, mà vì không còn người để tiếp nối.”

Sinh con bây giờ không còn là bản năng. Mà là một phép tính. Cái giá để nuôi một đứa trẻ lớn lên tử tế ở đô thị không hề nhỏ. Nhiều cặp vợ chồng chọn nuôi mèo, nuôi chó – vì đỡ phải lo… học thêm, học phí, trường quốc tế. Phụ nữ chọn sự nghiệp. Đàn ông chọn tự do. Cả hai chọn… không có con.

Ở một thế giới nơi tự do cá nhân lên ngôi, niềm tin vào hôn nhân, vào gia đình đang xói mòn, thì chuyện sinh con trở thành một đề bài quá khó – dù có được thưởng tiền, tặng đất hay miễn thuế.

Và đó mới là điều đáng ngại: Không phải con người không thể sinh, mà là họ không còn muốn.

Tương lai có thể không sụp đổ vì bom đạn, mà vì những chiếc nôi trống. Không còn tiếng khóc giữa đêm, không còn tiếng gọi “mẹ ơi”, không ai cần bỉm, sữa, đồ chơi nữa. Chỉ còn những buổi tối tĩnh mịch đến mức nghe rõ tiếng kim đồng hồ.

Giá như mỗi tiếng khóc trẻ thơ được xem là món quà, chứ không phải gánh nặng. Biết đâu, chiếc nôi lại có người nằm…

Exit mobile version