Giải thưởng Dogma chân dung tự họa theo dự tính sẽ diễn ra định kỳ mỗi hai năm, nhưng do sự hưởng ứng nhiệt thành của giới họa sĩ ở lần tổ chức đầu tiên (năm 2011) nên Mekong Art quyết định giải thưởng sẽ được tổ chức hằng năm.
Năm 2012, cuộc thi được phát động từ tháng 5 đến tháng 7 đã có hơn 300 tác phẩm dự thi. Kết quả: 46 tác phẩm được chọn vào chung khảo đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, từ 14 đến 30-9).
Tự họa chân dung đòi hỏi người nghệ sĩ phải đi sâu vào nội tâm mình, tìm phương thức diễn đạt và chất liệu để thể hiện một cách trung thực nhất tính cách của mình thay vì chỉ sao chép vẻ ngoài. Giải thưởng Dogma 2012 một lần nữa khẳng định tiềm năng sáng tạo hết sức phong phú của các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam ở thể loại chân dung tự họa.
Đến với triển lãm, người xem thật thú vị khi ngắm nhìn 46 tác phẩm tự họa với những cách biểu đạt khác nhau, có khi được thể hiện không phải chỉ bằng một chân dung duy nhất, chẳng hạn như tác phẩm của Chu Ngọc Vân, Ngô Văn Sắc, Trần Ngọc Tùng… Tự họa của Đặng Xuân Hùng thoạt nhìn gần tưởng chừng là những nhát cọ ngẫu nhiên, phóng khoáng của một bức tranh trừu tượng, chỉ khi ở xa một khoảng cách nhất định, người xem mới nhận ra một chân dung góc cạnh, có gì đó trí tuệ, trầm tư, u buồn và đậm dấu ấn thời gian.
Một số tác giả như Đào Hồng Hạnh, Phạm Tuấn Tú, Phạm Quang Hiệu… không ngần ngại thể hiện chân dung của mình trong trạng thái khỏa thân hay bán khỏa thân. Ông Richard di San Marzano, giám tuyển sưu tập Dogma và là một trong ba thành viên ban giám khảo bày tỏ: “Xem toàn bộ những tác phẩm lọt vào vòng chung kết của giải thưởng Dogma 2012 là một trải nghiệm đa dạng, từ tác phẩm đẹp đến tác phẩm gây ám ảnh; từ tác phẩm thú vị đến tác phẩm chứa đựng những chấn thương; từ tác phẩm đầy sự hoài niệm đến tác phẩm dựa vào truyền thống… Quả thật hết sức khó khăn để chọn tác phẩm trao giải thưởng”.
Nữ nghệ sĩ Phạm Thị Như Quỳnh – họa sĩ, nhà phê bình nghệ thuật kiêm giám đốc gallery Quỳnh ở TP. Hồ Chí Minh – nhận xét về phòng triển lãm: “Mặc dù phần lớn các tác phẩm tham dự giải đều được thể hiện bằng sơn dầu trên vải bố, thế nhưng những nghệ sĩ thú vị nhất là những người đến với đề tài một cách sáng tạo – có thể là qua chất liệu (sơn mài, khắc gỗ, composite, đất nung…) hoặc qua cách họ lý giải đề tài”. Cũng theo cô thì “Nói một cách khái quát, tác phẩm tự họa thường được gắn kết với danh tính – cả của cá nhân lẫn xã hội, nó có khả năng tiết lộ về một thời kỳ văn hóa, lịch sử và cả cách nhìn của xã hội”. Có thể nói giải thưởng Dogma hằng năm không những là một sân chơi hữu ích cho giới tạo hình mà sự tồn tại của nó sẽ còn góp phần tạo nên những nét diện mạo của cả nền mỹ thuật Việt Nam trong tương lai.
• Cuộc thi Dogma do họa sĩ người Ý Richard San Marzano kết hợp với nhà sưu tập tranh người Anh Dominic Scriven và Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức.
• Cuộc thi Dogma 2012 nhận được 320 tác phẩm, nhiều hơn 40% so với năm 2011.
• Ban giám khảo gồm: ông Richard di San Marzano, bà Mã Thanh Cao – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Quỳnh Phạm.
• Giải thưởng năm 2012: Giải nhất (120 triệu đồng) thuộc về tác giả Ngô Văn Sắc. Bốn giải ấn tượng (mỗi giải 20 triệu đồng) được trao cho các tác giả: Đặng Xuân Hùng, Đỗ Thế Thịnh, Phạm Quang Hiếu và Phạm Tuấn Tú.
- Diễm Vân