Phòng tranh có tên “Hình thức” là một thể nghiệm mới của họa sĩ Trần Minh Tâm tại gallery Cactus (17/12 Nguyễn Huy Tưởng, P.6, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh – từ 15-9 đến 15-10-2012).
Những bọc nylon chứa đầy hay còn vơi nước được thắt, buộc, chằng cột… đủ kiểu, đứng hay nằm hay nghiêng… Hầu như chỉ có màu trắng xám của nylon và vài nét màu xanh, đỏ, tím, vàng thật mảnh của dây buộc chúng. Triển lãm “Hình thức” bày hơn chục bức tranh như thế, phần lớn có khổ lớn và rất lớn (lớn nhất là 145cm x 370cm).
Để có được hơn chục bức tranh và thể hiện chúng bằng ngôn ngữ hội họa tối giản, theo tác giả đó là “thành quả lao động trong vài năm gần đây mà tôi nghĩ chúng đã đáp ứng được phần nào sự tìm kiếm của cá nhân tôi trong thời gian hiện tại. Chúng là sự trải nghiệm về mặt hình tượng và chủ đề. Là sự tương tác giữa vật chất và tư duy, giữa tính hình thức và ngụ ý, chúng nhằm khơi gợi hơn là sự khẳng định”. Không có hình ảnh và màu sắc “bắt mắt” nào, thay vào đó là “những hình thể cô đọng, đơn giản và đẹp theo đúng nghĩa của nó. Cái gọi là ngôn ngữ thị giác thuần túy, những hình tượng mà khi ngắm nhìn, chúng ta cảm thấy được sức mạnh hay cái đẹp tự thân một cách trực tiếp” như Trần Minh Tâm tự bạch.
Anh kể rằng mình thích hình ảnh những bao gạo cũng bằng sợi nylon màu trắng được chất chồng và chằng buộc trên những chiếc ghe hay xà lan chạy trên sông. Hay một hình ảnh gợi ý tưởng sáng tạo cho anh: một cái bao đựng xi măng, khi khô lại, lớp vỏ ngoài không còn, để lại một khối cứng chắc với những vết hằn của dây buộc bên ngoài trước đây. Phải chăng khi cái vỏ hình thức bên ngoài không tồn tại thì vẫn tồn tại những dấu vết của nó bên trong sự vật? Cái đẹp thật sự có cần đến hình thức như một sự trói buộc? Hay còn cách nghĩ nào khác từ phòng tranh này? Dù Trần Minh Tâm không muốn “áp đặt” điều gì vào tư duy và cảm xúc của người xem thì việc anh chọn cái bọc nylon làm “nhân vật” chính trong tranh cũng đầy hàm ý, trước hết là về môi trường.
Nhà phê bình họa sĩ Nguyễn Quân cũng nhấn mạnh điểm này khi viết đề từ cho phòng tranh: “Với phát minh ra nylon/PVC – vật liệu lý tưởng đa năng, có thể sản xuất nhanh nhiều bền rẻ, những tưởng xã hội hiện đại sẽ được giải thoát khỏi nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và gánh nặng công nghệ. Và quả thực là chưa từng có thứ gì xâm lấn rộng, bắt rễ sâu, bao bọc chặt toàn bộ môi trường vật chất (từ trên đỉnh núi cao nhất tới đáy đại dương sâu nhất, trên đường phố và trong gầm giường ngủ…) mà con người tạo dựng cho mình để mưu cầu thịnh vượng như nó. Nhưng cũng chỉ nửa thế kỷ sau, nó – thứ vật liệu không thể tự phân hủy – trở thành một bi kịch của sự bất tử! Một biểu tự/icon của ô nhiễm và đói nghèo”. Nhưng cũng theo ông, khi “phì đại cái bịch lên, hoành tráng hóa cái thứ rẻ mạt tầm thường này, trữ tình hóa bề mặt trong suốt, những phồng lõm nhục cảm, bóng bẩy, nhún nhảy của nó, tình cảm hóa hành vi đàn áp bằng nhịp buông thả, vẻ lóng lánh, yểu điệu, ve vuốt của những sợi dây và cây cọ, tác giả đã đa dạng hóa các yếu tố tạo hình của một đối tượng/chủ đề đơn điệu/nhàm chán một cách đầy ẩn dụ, rất hài hước, nhạo báng mà thương xót… Một cảnh báo về cuộc sống trước khi là một cảnh báo về nghệ thuật”.
Điều đáng nói nữa là sự dũng cảm của tác giả khi rời bỏ những gì đã làm nên thành công của anh trước đây để có được thể nghiệm mới quyết liệt này.
- Y Chiêu