Bước vào độ tuổi trung niên (từ 45 đến 55), hầu hết phụ nữ đều cảm thấy sức khỏe giảm sút đáng kể. Vì đây cũng là giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh, thường được gọi là giai đoạn “khó ăn, khó ở” của phụ nữ. Sự suy giảm nội tiết tố estrogen làm chúng ta dễ mắc nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có thể kể đến loãng xương, tim mạch và cả bệnh ung thư. Làm thế nào để phụ nữ trung niên luôn khỏe mạnh và vui tươi? Những thông tin trong buổi trò chuyện với TS-BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản M, Bệnh viện Từ Dũ hy vọng sẽ đáp ứng thắc mắc này của độc giả.
Thưa bác sĩ, phụ nữ tuổi trung niên thường có những biểu hiện mệt mỏi, cáu gắt, nguyên nhân vì sao?
Khi bước vào giai đoạn tuổi trung niên, lượng nội tiết tố estrogen trong cơ thể người phụ nữ giảm sút khá nhiều, dẫn đến sự thay đổi về tâm sinh lý. Thể hiện rõ nhất là trong giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh, thường xảy ra trong độ tuổi từ 48 đến 52. Phụ nữ độ tuổi này hay cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, dễ cáu gắt, kém tập trung, hay mất ngủ và ít quan tâm chăm sóc ngoại hình hơn trước. Ngoài ra, những căng thẳng trong công việc, lo lắng cho gia đình cũng làm phụ nữ hay cảm thấy bực dọc, mệt mỏi hơn.
Nguyên nhân “khó ăn, khó ở” là do sự thay đổi về nội tiết tố nên việc cải thiện có lẽ là “bất khả thi”?
Không hẳn như vậy. Chúng ta vẫn có thể cải thiện được tâm lý bằng cách dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, để làm mới mình mỗi ngày và tham gia những hoạt động giải trí lành mạnh. Tập yoga cũng là một cách hạn chế cơn nóng giận và giúp dễ ngủ hơn. Quan trọng hơn cả là những người thân trong gia đình, chồng và các con cần có sự cảm thông và giúp người mẹ vượt qua giai đoạn này.
Ngoài những rối loạn về tâm lý, phụ nữ trung niên còn có những thay đổi gì về sức khỏe?
Dễ thấy nhất là tình trạng rối loạn vận mạch, dân gian hay gọi là cơn bốc hỏa. Đó là cảm giác nóng bừng lan từ ngực lên vai, cổ, mặt và đầu, cũng do nguyên nhân giảm lượng estrogen. Tình trạng bốc hỏa đã có từ giai đoạn tiền mãn kinh (giai đoạn từ hai đến năm năm trước mãn kinh) và kéo dài nhiều năm về sau. Cơn bốc hỏa có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, cả ngày lẫn đêm, gây cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi, vả mồ hôi từng cơn và làm tim đập nhanh hơn.
Có cách nào để hạn chế cơn bốc hỏa khó chịu này không, thưa bác sĩ?
Cách “hạ hỏa” dễ nhất là uống một ly nước lạnh khi bắt đầu cơn bốc hỏa, tránh dùng đồ uống có cồn hoặc caffein để không làm tăng mức độ khó chịu. Có thể sử dụng nội tiết tố nhưng phải có chỉ định của bác sĩ.
Một tình trạng mà phụ nữ trung niên cũng hay gặp phải là loãng xương. Chứng loãng xương là căn bệnh thầm lặng cho đến lúc xảy ra gãy xương, cũng do thiếu hụt estrogen. Phụ nữ tuổi từ 20 đến 40 tuổi thường chỉ mất đi 1% khối lượng xương mỗi năm, trong đó chủ yếu là chất calcium làm cho xương rắn. Sau mãn kinh, tốc độ mất xương tăng nhanh từ 2 – 3% khối lượng xương/năm. Sau 10 năm đầu mãn kinh có thể làm xẹp đốt sống, lưng còng hoặc gãy các xương dài ở cổ tay, cổ xương đùi một cách dễ dàng.
Nhiều phụ nữ đã nhận thức được tình trạng loãng xương ở tuổi trung niên nên họ rất quan tâm đến việc uống sữa để phòng loãng xương…
Trên tivi, báo đài quảng cáo nhiều loại sữa với tác dụng phòng ngừa loãng xương một cách “thần kỳ” nhưng thực tế, tác dụng của các loại sữa này không nhiều. Việc cung cấp canxi phải từ lứa tuổi vị thành niên, từ sữa và nhiều loại thức ăn khác. Đến độ tuổi trung niên, việc hấp thu canxi rất hạn chế.
Thói quen tốt nhất là nên tập thể dục thường xuyên. Đi bộ, chạy bộ và bơi lội là những môn thể thao phù hợp, để vừa tăng trao đổi chất, vừa tăng tiếp xúc ánh nắng, giúp tăng hấp thu canxi. Tập thể dục cũng là cách phòng bệnh tim mạch, một bệnh hay gặp ở giai đoạn tuổi trung niên.
Hẳn bệnh tim mạch cũng có liên quan đến sự sụt giảm nội tiết tố?
Đúng vậy. Nội tiết tố nữ estrogen có tác dụng hữu hiệu trong việc loại bỏ các chất mỡ có hại trong máu, giữ tính đàn hồi, mềm mại của thành mạch. Trước tuổi mãn kinh phụ nữ ít bị các bệnh lý tim mạch hơn vì đã được estrogen bảo vệ. Sau tuổi mãn kinh, họ bị thiếu estrogen, mất yếu tố bảo vệ quý giá nên nguy cơ tim mạch rất cao.
Ngoài tập thể dục, phụ nữ cần có chế độ ăn giảm chất béo, ăn nhiều rau quả, uống nhiều nước để tránh béo phì. Không hút thuốc, uống rượu, tạo cuộc sống tinh thần thoải mái rất quan trọng trong phòng ngừa bệnh tim mạch. Lưu ý đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ, điều trị bệnh tăng huyết áp nếu có. Có thể dùng thuốc hạ lipid và cholesterol trong máu nhưng cần có sự tư vấn của bác sĩ.
Phụ nữ ngoài 50 cũng hay có biểu hiện nhớ nhớ quên quên. Phải chăng đó là một biểu hiện sớm của bệnh Alzheimer?
Thực tế, ít phụ nữ tuổi trên dưới 50 bị mắc bệnh Alzeheimer. Có lẽ do áp lực, stress, trầm cảm đã ảnh hưởng ít nhiều đến trí nhớ của chúng ta. Còn bệnh Alzheimer thường gặp nhất ở người từ 70 tuổi trở lên và có khoảng 40% người trên 80 tuổi mắc bệnh này.
Các loại ung thư sinh dục nữ như: ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư vú thường xuất hiện vào giai đoạn mãn kinh. Vì vậy, các chị em phụ nữ trong độ tuổi này đừng quên khám phụ khoa và khám vú định kỳ để sàng lọc và chẩn đoán các loại ung thư phụ khoa ở giai đoạn sớm.
Như trên bác sĩ có đề cập đến giai đoạn tiền mãn kinh, giai đoạn này có những điểm nào về sức khỏe cần lưu ý không?
Giai đoạn tiền mãn kinh thường xảy ra từ tuổi 43 đến 46, đặc trưng là tình trạng bốc hỏa thường xuyên và bị rối loạn kinh nguyệt do nồng độ estrogen trong cơ thể giảm nhẹ. Những biểu hiện rối loạn kinh nguyệt gồm: chu kỳ kinh có thể dừng đột ngột, có thể ngắn lại, thưa ra, rong kinh, rong huyết. Nếu rong huyết ở giai đoạn này các chị em cần đi khám bác sĩ để loại trừ nguyên nhân là ung thư nội mạc tử cung. Giai đoạn này, phụ nữ cũng khó có thai hơn và thai nhi dễ bị bất thường, đặc biệt là trẻ dễ bị hội chứng Down.
Chúng ta còn lưu ý về thời kỳ hậu mãn kinh, diễn ra từ một năm sau mãn kinh. Tình trạng estrogen thiếu hụt nặng nề làm cho vóc dáng phụ nữ nhỏ dần, lưng còng, da nhăn, mất đàn hồi. Ngực và cơ quan sinh dục teo nhỏ, âm đạo khô, dễ bị rối loạn đường tiểu (gây tiểu gắt, tiểu nhiều lần hay tiểu không tự chủ). Mỡ dễ ứ đọng nhiều nơi nên người dễ mập hơn.
Từ tiền mãn kinh đến mãn kinh rồi hậu mãn kinh, phụ nữ rất hay có những rối loạn về tâm lý, dễ bị trầm cảm, tăng kích thích, tăng nhạy cảm tinh thần và dễ bị tổn thương kèm theo tính khí thất thường. Việc dùng nội tiết thay thếở giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh giúp ích nhiều trong việc khắc phục những vấn đề về sức khỏe và tâm lý nhưng phải có chỉ định của bác sĩ.
Xin bác sĩ hướng dẫn thêm về vấn đề dinh dưỡng tuổi trung niên. Làm thế nào để ăn phòng bệnh và phù hợp với sự thay đổi estrogen trong độ tuổi này?
Phụ nữ tuổi mãn kinh cần một chế độ ăn giảm chất béo, đặc biệt là chất béo có nguồn gốc từ động vật vì nguy cơ xơ vữa thành mạch, bệnh lý mạch vành. Ngoài ra, những người béo phì dễ bị bệnh ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung nên các chị em có thể trọng mập cần giảm cân bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục đều đặn.
Một chế độ ăn nhiều rau và trái cây tươi để tận dụng nguồn vitamin có trong rau và trái cây, giúp da dẻ tươi sáng mịn màng và giúp chuyển hóa tốt hơn. Quan trọng không kém là chế độ ăn giảm muối nhằm tránh những bệnh lý như cao huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh loãng xương.
Cảm ơn bác sĩ về những lời khuyên hữu ích trên.
TS-BS Lê Thị Thu Hà
Thanh Nhã thực hiện