Trên nền phù sa cổ và yếm phù sa Đồng bằng sông Cửu Long đã có ít nhất hai nền văn hóa cổ xuất hiện, một tạm gọi là Văn hóa Núi Sập tồn tại trên những ngọn đồi cô lập của vùng Thất Sơn trong khoảng hậu kỳ đại hồng thủy Flandrien, trên dưới 3.000 năm trước, khi châu thổ chìm ngập dưới 3-4 mét nước, và sau đó là Văn hóa Óc Eo rực rỡ đã tồn tại nơi đây khoảng 1.500 năm, từ thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 8 hay thứ 10 sau Công nguyên.
Cả hai nền văn hóa này đều ít được chú ý, mặc dầu đã được Louis Malleret và trước đó Pierre Paris phát hiện từ những năm 1930-1940. Rất khó để tìm được các bài viết về Văn hóa Óc Eo trên các tạp chí quốc tế, trong khi hầu hết các khảo luận in trong kỷ yếu hội thảo khoa học và tạp chí trong nước chủ yếu là sự lặp đi lặp lại một số công trình khảo cổ. Văn hóa Óc Eo cho đến nay vẫn còn là một nội dung khám phá, và sự khám phá đang cho thấy nhiều điều kỳ thú.
Kỳ thú thứ nhất:
Óc Eo mang đặc trưng văn hóa biển
Óc Eo là một câu chuyện sống động, đầy cảm xúc về một nền văn hóa đáng kính trọng, được hình thành song song với quá trình hình thành Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long và sông Đồng Nai. Văn hóa Óc Eo mang đặc trưng văn hóa biển, rất ít hay không có những đền đài, thành quách, ngược lại giàu kỹ năng sống, tạo thành văn minh sông nước, và ở một giai đoạn nhất định, cũng đã tạo được văn minh hàng hải cho riêng mình.
Cư dân “văn hóa cổ nhà thuyền” được coi là chung nhất cho vùng ven bờ Biển Đông lúc bấy giờ, nay vẫn còn tồn tại ở Philippines, Indonesia, Malaysia và Tây Nguyên Việt Nam. Có thể họ đã đi ngược dòng sông, đến định cư ở đầu nguồn, do bởi đại hồng thủy Flandrien kéo dài hàng ngàn năm. Cư dân “thành mọi” xuất hiện đầu tiên ở vùng Nam Tây Nguyên có thể là một nhóm của nền văn hóa nhà thuyền này.
Các “thành mọi” lần đầu tiên được phát hiện, nghiên cứu trong những năm 1950 khi thành lập những đồn điền cao su tại Phước Long (tỉnh Bình Phước). Những cuộc nghiên cứu và khai quật sau đó chứng minh những “thành mọi” xưa nhất nằm về phía Việt Nam trên đầu các các ngọn sông Đồng Nai, dần dà phát triển lên Tây Nguyên, theo rặng Dangrek đi về phía Tây đến tận ranh giới Thái Lan và Campuchia. Nhưng một nhóm cư dân “thành mọi” xuôi dòng Đồng Nai và dòng Mê Kông, xuống định cư trên các thềm biển mới hình thành vào cuối kỳ biển tiến Flandrien, tạo nên nền Văn hóa Óc Eo.
Kỳ thú thứ hai:
Trung tâm tín ngưỡng đặt trên những gò nổi
Nhận diện mối liên hệ giữa cư dân “thành mọi” với những cư dân sớm của nền Văn hóa Óc Eo nhờ vào những “gò nổi” đắp lên để thờ Mẹ Đất, gọi là Bà, sau này chuyển thành tục thờ Vía Bà. Bà là tên gọi chung nhất cho lục địa Đông Nam Á để chỉ đấng sinh ra con người, đấng mang tới cho con người những thức ăn, và cũng là đấng làm chủ núi rừng sông suối. Các “gò nổi” đã được đắp lên ở những nơi có đông con người sinh sống và là bằng chứng nhân văn sớm nhất còn tồn tại cho đến ngày nay. Các “gò nổi” ở Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long xếp theo 3 trục ngang, tương đương với 3 thềm biển hình thành vào mỗi khi quá trình biển tiến dừng lại, bắt đầu thời kỳ biển lùi.
Việc nghiên cứu Văn hóa Óc Eo hiện nay tập trung vào thời kỳ giữa, thời kỳ Óc Eo trong khoảng thế kỷ thứ I-VI, và cũng thường được gọi phổ quát là Văn hóa Óc Eo. Thời kỳ Văn hóa Óc eo sớm được tìm thấy ở Gò Tháp (tỉnh Đồng Tháp) nơi thềm biển cao nhất, có niên đại chủ yếu trong khoảng 500 đến 800 năm trước Công nguyên. Văn hóa Óc Eo muộn có thể được kể từ thế kỷ thứ VII và thường ít được nhắc tới. Nhưng di sản của giai đoạn muộn này còn tồn tại cho đến nay, trong tục thờ Vía Bà, trong những chợ nổi và trên các đồng bạc “mặt trời lặn” vốn ghi dấu vùng ảnh hưởng của Văn hóa Óc Eo.
- Xem thêm: Tình Óc Eo
Văn hóa Óc Eo được phát hiện lần đầu vào năm 1931 khi người Pháp lập bản đồ không ảnh cho Đồng bằng sông Cửu Long. Trong hoàn cảnh hoang vu lúc bấy giờ, họ đã nhận ra một hệ thống chằng chịt những kinh đào, sông đào nối vào các trung tâm cư trú cổ. Óc Eo trong quần thể di tích quanh núi Ba Thê (tỉnh An Giang) được coi là trung tâm của nền văn hóa, do bởi những khai quật quy mô đầu tiên trong khoảng 1938-1944, dẫn đầu bởi Louis Malleret, và chính ông đã đặt tên cho nền văn hóa này. Malleret xác nhận Óc Eo là một thương cảng, khảo sát địa lịch sử của chúng tôi sau đó cũng xác nhận Óc Eo là một cảng biển, kết nối các trung tâm dân cư nằm sâu trong nội địa bằng những con sông đào.
Kỳ thú thứ ba:
Nơi khai sinh nền văn minh sông nước
Nền văn minh sông nước mà còn ghi dấu đến ngày nay nơi những chợ nổi được hình thành từ Óc Eo, lan rộng lên thượng nguồn Cửu Long, đến tận những nơi xa xôi như Thái Lan, Malaysia do tầm ảnh hưởng của một quốc gia được hình thành sau đó trong khoảng thế kỷ thứ III. Phù Nam là tên gọi cấu trúc hành chính lúc bấy giờ tại Óc Eo, nhưng đến nay, người ta vẫn chưa biết những thư tịch Trung Hoa ghi lại đã căn cứ vào đâu. Các nhà nghiên cứu sau này cho biết Phù Nam là một quốc gia đô thị (city state), khác với thói quen thường gọi là vương quốc (kingdom) của các sử gia Trung Hoa.
Các quốc gia đô thị được hình thành từ các thương điếm, tức nơi tàu buôn tập trung vào đó để mua hàng của cư dân và trao đổi hàng hóa với các tuyến tàu buôn khác, tạo thành một hệ thống giao thương. Thương điếm nào mạnh nhất thì chi phối các thương điếm khác, trở thành trung tâm của một quốc gia đô thị. Hai thương điếm mạnh nhất tại Đồng bằng châu thổ Nam bộ (Cửu Long và Đồng Nai) lúc bấy giờ là Rinnan hay Rinnai nằm ở phía Đông cuối sông Đồng Nai, trong khoảng vịnh Cần Giờ tại TP Hồ Chí Minh ngày nay, và Óc Eo nằm ở đuôi Nam rặng Thất Sơn, nơi núi Ba Thê.
Trong khoảng năm 230, phái bộ Trung Hoa đã tiếp cận Văn hóa Óc Eo mà họ gọi là Vương quốc Phù Nam từ phía Nam mũi Vũng Tàu, vào vịnh Cần Giờ, rồi đi về phía Tây 200 lý để đến “kinh đô”, tức thương cảng Óc Eo. Thủy lộ nối từ vịnh Cần Giờ đến vịnh Rạch Giá là thềm biển cuối cùng, trước khi các sông Cửu Long hoạt động mạnh hơn, mang phù sa bồi đắp ra phía ngoài đến tận mũi Cà Mau và vùng bờ biển hiện nay. Nằm trên một thủy lộ được chắn sóng, chắn bão và nằm giữa một vùng cung ứng sản vật rộng lớn phía Nam Đông Dương, Óc Eo nhanh chóng phát triển thành thương cảng lớn trên con đường hương liệu (spice route) nối Đông Á với Ấn Độ, La Mã, và cũng là nơi cung cấp hậu cần cho các tàu biển.
Kỳ thú thứ tư:
Là thương cảng chính trên con đường hương liệu
Trong thế kỷ thứ III, các con tàu Ba Tư (Iran) cũng đã theo con đường này đi vào Biển Đông và làm chủ hải lộ nối với Trung Hoa, Nhật Bản. Người Iran để lại trên hải lộ những cộng đoàn, khoảng 500 người, một ở Malaysia, một ở Óc Eo, và một ở Ninh Thuận. Tài nguyên Óc Eo là sự hội tụ các sản vật phong phú của vùng Nam Đông Dương, bao gồm cả ngà voi, ngọc trai, vàng, đá quý, thủy tinh và nhiều loại gia vị từ hạt tiêu, đinh hương đến trầm hương. Vùng Đông Nam Á giữ vị trí trung tâm gia vị của thế giới cho đến cuối thế kỷ 17. Khi con đường tơ lụa phía Bắc ở Trung Á gặp khó khăn thì người Trung Hoa cũng đem tơ lụa theo con đường gia vị này đến La Mã.
Trong bối cảnh này, Văn hóa Óc Eo phát triển thêm nền văn minh mới: văn minh hàng hải. Các con tàu 4 cột buồm đặt nghiêng của Phù Nam rất nổi tiếng lúc bấy giờ xuất hiện tại nhiều hải cảng trên tuyến đường giao thương và các thư tịch Trung Hoa ghi lại rất rõ, đặc biệt từ thế kỷ thứ V. Về sau, người ta không còn tìm thấy dấu tích của các con tàu này nữa, nhưng việc phát hành đồng bạc Phù Nam làm phương tiện thanh toán trên một vùng rộng lớn cho thấy ảnh hưởng quan trọng của Văn hóa Óc Eo lúc bấy giờ.
Cuộc nghiên cứu về Óc Eo bỏ dở ở đó. Có thể nguyên nhân là các nhà nghiên cứu chỉ chú tâm đến cổ vật, cũng có thể là họ chưa có ý niệm về một nền văn hóa biển và tại sao thương cảng Óc Eo nay nằm sâu trong đất liền, và cũng có thể là họ đồng hóa Văn hóa Óc Eo với các di tích đền đài ở sâu trong nội địa trên đất Campuchia mà vốn đã chuyển thể thành những vương quốc (nông nghiệp) chịu ảnh hưởng của nền văn hóa biển này. Sự biến mất của thương cảng Óc Eo, trên thực tế không xóa bỏ dấu vết của nền văn hóa này vốn tiếp tục tồn tại trong các nền văn hóa hiện nay.
* Tài liệu tham khảo: Cục Di sản Văn hóa và UBND tỉnh An Giang, Kỷ yếu hội thảo Văn Hóa Óc Eo – Nhận thức và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích, Cục Di sản Văn hóa xuất bản, 2010, 546 trang.