Nghiên cứu cho thấy, một số bệnh lý phổ biến như tim mạch, tiểu đường, đột quỵ, cao huyết áp, loãng xương, mụn trứng cá… thường có biểu hiện khác nhau rõ rệt giữa đàn ông và phụ nữ.
Bệnh tim
Bệnh tim thường xảy ra ở đàn ông và phụ nữ, nhưng đàn ông có nguy cơ mắc bệnh lúc còn trẻ, và ở phụ nữ bệnh chỉ phát triển trong một thập niên gần đây. Yếu tố gây bệnh ở hai giới đều giống nhau, như tiền sử gia đình, hút thuốc lá, bệnh tiểu đường, béo phì, cao huyết áp và hội chứng rối loạn chuyển hóa.
Theo bác sĩ chuyên khoa tim mạch Poulina Uddin: “Phụ nữ có nguy cơ tử vong do bệnh tim cao hơn do không được chẩn đoán và điều trị, dễ phát triển bệnh lý mạch máu nhỏ gây tắc nghẽn trong các mạch nhỏ xíu của cơ tim hơn là các mạch máu lớn và bề mặt các động mạch. Đặc biệt, sau tuổi mãn kinh hình dạng của cơ tim thay đổi đột ngột và bất thường, còn gọi là bệnh cơ tim Takotsubo hay hội chứng vỡ tim, gây đau ngực và thay đổi hoạt động của tim giống như một cơn đau tim”.
Cao huyết áp
Tuy cao huyết áp thường xảy ra ở đàn ông và phụ nữ, nhưng một nghiên cứu mới của tạp chí Biodemography and Social Biology phát hiện, có sự chênh lệch về giới tính trong chẩn đoán cao huyết áp giữa đàn ông và phụ nữ. Vì thế, cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để cải thiện nhận thức về cao huyết áp.
Đột quỵ
Trong khi các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ ở đàn ông và phụ nữ giống nhau, như tiền sử gia đình, cao huyết áp và cao cholesterol, thì có một số yếu tố chỉ xảy ra ở phụ nữ, như dùng thuốc tránh thai, mang thai, sử dụng liệu pháp thay thế hormon, thường xuyên đau nửa đầu và vòng eo lớn, thường xuất hiện sau tuổi mãn kinh. Những lý do này cho thấy, vì sao mỗi năm có khoảng 55.000 phụ nữ bị đột quỵ nhiều hơn đàn ông.
Tiến sĩ y khoa người Mỹ, Thomas C. Royer, cho biết: “Các triệu chứng đột quỵ có khác nhau: đàn ông bị liệt và suy yếu, khó đi lại, mắt nhìn thấy hai hình, có cảm giác không bình thường. Còn phụ nữ thường suy yếu tổng quát, tinh thần thay đổi và sốt, dẫn đến khó chẩn đoán cho đến khi mắc bệnh”.
Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường ở phụ nữ thường nghiêm trọng hơn đàn ông. Nguyên nhân có thể do lượng cholesterol HDL ở phụ nữ cao hơn đàn ông và do chênh lệch giới tính. Khi mắc bệnh, triglyceride tăng làm giảm lượng cholesterol HDL ở phụ nữ, và sự kết hợp giữa hàm lượng cao triglyceride và HDL thấp tăng nguy cơ đau tim.
Một số nghiên cứu khác đang xác định liệu hormon giới tính estrogen và testosteron có phải là nguyên nhân khiến phụ nữ bị bệnh tiểu đường thường dễ mắc bệnh thận so với đàn ông cũng bị bệnh tiểu đường hay không. Nhiều nghiên cứu còn phát hiện, giảm estrogen có liên quan đến bệnh thận, nhưng chưa thể xác định thiếu hụt estrogen có là nguyên nhân gây ra bệnh thận. Do vậy, nếu có vấn đề về hormon giới tính, phụ nữ bị bệnh tiểu đường có thể cải thiện sức khỏe của thận nhờ phục hồi sự cân bằng giữa estrogen và testosteron bằng liệu pháp hormon.
Mụn trứng cá
Tuy mụn trứng cá là phổ biến ở cả hai giới, nhưng ở đàn ông, mụn trứng cá thường trầm trọng và khó chữa trị hơn. Tiến sĩ Jerome Garden, Học viện Chicago, Hoa Kỳ, giải thích: “Ở đàn ông, mụn trứng cá là do sự gia tăng testosterone và kích thước của các tuyến bã nhờn, khiến da có nhiều chất dầu hơn. Tuy nhiên, phụ nữ thường đến gặp bác sĩ da liễu để chữa mụn trứng cá nhiều hơn đàn ông, và mụn thường khó mất vào độ tuổi trưởng thành. Ở tuổi 30, có hơn 25% phụ nữ vẫn còn bị mụn trứng cá, còn đàn ông chỉ là 12%”.
Loãng xương
Bệnh yếu xương này thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn đàn ông. Trong hai phụ nữ lại có một người bị loãng xương và trong bốn đàn ông chỉ có một người mắc bệnh. Tiến sĩ chuyên khoa thấp khớp, Michael Guma, Northern New Jersey, Hoa Kỳ, chia sẻ: “Ở phụ nữ, hormon estrogen giúp bảo vệ mật độ xương, nhưng đến giai đoạn mãn kinh, lượng estrogen giảm, làm giảm tỷ lệ xương đáng kể, và tăng nguy cơ gãy xương. Do xương của phụ nữ nhỏ và mảnh hơn đàn ông, nên nguy cơ loãng xương càng cao”.
- Hoàng Uyên theo Reader’s Digest