Ngày nay, du lịch không chỉ là thăm một điểm đến mà là thật sự đắm mình vào nền văn hóa địa phương, ẩm thực và các lễ hội. Xuất phát từ ý tưởng này, Vikram Ahuja, người Ấn Độ, đã khởi lập Byond Travel – một nền tảng dịch vụ du lịch được định hướng bởi trải nghiệm, thiết kế và điều hành các hành trình du lịch trên hơn 50 nước.
Với Vikram, vẻ đẹp của du lịch dựa vào cộng đồng là giúp cho các cộng đồng nhỏ có cùng lối sống và sở thích tìm đến với nhau và cùng có một trải nghiệm du lịch đầy đam mê. Công ty startup Byond Travel ra đời vào năm 2014. Byond Travel tuyển chọn những trải nghiệm cho nhiều cộng đồng, bao gồm phụ nữ, người già, các gia đình, người yêu yoga, yêu mạo hiểm, thích đạp xe, đam mê âm nhạc và khiêu vũ.
Tháng 11-2016, Airbnb giới thiệu một dịch vụ tương tự Byond gọi là Trips với mục đích mở rộng Airbnb từ cổng cho thuê chỗ lưu trú thành một nền tảng cộng đồng. Với 500 trải nghiệm tại 12 thành phố khắp thế giới, người dùng của trang này hiện có thể đặt hành trình tập trung vào những trải nghiệm như âm nhạc và hòa nhạc, nhà máy bia, múa lửa…
Nhưng Byond tìm kiếm sự khác biệt bằng cách mang những người có chung đối tượng đam mê chia sẻ đến với nhau, sau đó tuyển chọn một trải nghiệm địa phương để “đo ni đóng giày” cho họ. Hầu hết người du lịch đặt hành trình qua Byond là người đi mạo hiểm một mình và đến với Byond thông qua người lãnh đạo cộng đồng – các giáo viên yoga, huấn luyện viên salsa, v.v… Chẳng hạn, một nhóm du khách đam mê chụp ảnh đã có chuyến đi đến Bhutan, thăm nhiều cảnh đẹp và có nhiều thời gian chụp ảnh, nếu là một chuyến đi tự tổ chức thì họ phải mất nhiều thời gian di chuyển trên đường đi hơn.
Mỗi nhóm cho một chuyến đi gồm 10-12 người. Việc lập nhóm là lý tưởng cho các nhà du hành, nhất là với những nơi được xem là không an toàn lắm. Với những trường hợp “quá đặc biệt”, khách không thể hòa hợp với nhóm, khách “quá thô lỗ”, Byond từng phải trả lại tiền trước thời điểm giữa chuyến đi.
Vikram và đội ngũ của anh từng làm việc trong ngành du lịch nhiều năm và đều tìm kiếm điều gì đó khác biệt và đột phá. Và du lịch theo nhóm cộng đồng đã thu hút sự chú ý của họ. Theo khảo sát của riêng startup này thì du lịch một mình – du lịch không có bạn thân hay gia đình – ngày càng phổ biến và chiếm tỷ trọng từ 6 – 8% của ngành du lịch Ấn Độ cho đến trước năm 2018, con số này tương đượng từ 4-8 triệu người. Đặc biệt là du lịch một mình cũng phổ biến hơn với phụ nữ Ấn Độ.
Byond hiện có hành trình đến 50 quốc gia. Giá trọn gói khoảng từ 740 USD (chuyến sáu ngày đến Việt Nam) đến 1.500 USD (chuyến sáu ngày đến Myanmar). Chuyến đi bao gồm các hoạt động cho nhóm, thức ăn địa phương và chỗ ở – nhưng khách hàng tự trả chi phí di chuyển tới điểm đến. Chẳng hạn, chuyến đi năm ngày đến ba thành phố của Việt Nam, phí di chuyển giữa ba thành phố này bao gồm trong phí trọn gói; nhưng khách hàng từ Ấn Độ và Canada tự trả phí để đến Việt Nam. Byond sẽ giám sát chuyến đến Việt Nam của họ để không ai bị lạc. Byond cũng nhận sắp xếp chuyến bay nếu khách hàng yêu cầu.
Mô hình kinh doanh của Byond có ba phần: giám tuyển các gói du lịch và họ nhận được khoản hoa hồng từ mỗi lần bán hàng, sáng tạo nội dung cho các đối tác ngành du lịch qua Byond Studio và mảng sự kiện. Với mảng sự kiện, Byond xây dựng một loạt những chuyện kể dọc hành trình gọi là Lime Diaries.
Byond cũng mở rộng trải nghiệm du lịch bằng cách sử dụng VR (thực tế ảo) và sẽ sử dụng công cụ này để kiếm tiền, giống như những tên tuổi lớn như Priceline đang làm. Trong hơn năm phút, bạn sẽ được đến một safari với trải nghiệm 360 độ cùng hươu cao cổ và voi. Sau đó, bạn sẽ đến một trung tâm nghỉ dưỡng yoga cạnh hồ, rồi trở thành nhà độc hành trên đỉnh núi…