Quả tên lửa mạnh nhất thế giới Falcon Heavy của SpaceX đã thực hiện thành công chuyến bay thương mại đầu tiên, chở theo hàng hóa lên quỹ đạo và trong đó, bao gồm cả chiếc Tesla Roadster mui trần màu đỏ mà Elon Musk muốn cho lên trôi nổi trong vũ trụ.
Sau khi tách ra, 2 mô đun động cơ đẩy của Falcon đã quay trở lại Trái Đất và hạ cánh xuống 2 bệ đáp ở căn cứ không quân Canaveral, Floria. Khung cảnh 2 mô đun đầy hạ cánh xuống như bên dưới, không khỏi khiến ta gợi nhớ lại tới những cảnh tượng trong phim viễn tưởng. Trong quá trình phóng, phần lõi trung tâm đã tách khỏi Falcon để quay về Trái Đất nhưng đáng tiếc, nó không thể đáp xuống xà lan tự hành ngoài Đại Tây Dương.
Được trang bị 27 động cơ đẩy với khả năng tạo ra sức nâng lên tới 2267 tấn, Falcon Heavy hiện đang là tên lửa mạnh nhất thế giới kể từ hệ thống con thoi ra đời. Tên lửa được thiết kế để chở được gần 64 tấn hàng háo lên quỹ đạo, gấp đôi so với bất kỳ chiếc tên lửa nào ra đời trước giờ. Tốn nhiều năm và tiền bạc để nghiên cứu phát triển, Falcon Heavy cho thấy tham vọng của SpaceX không chỉ là tạo nên những chiếc tên lửa thương mại mạnh mẽ nhất thế giới, đưa nhiều hàng hóa, vệ tinh, linh kiện và con người lên vũ trụ mà xa hơn, nó còn mở đường cho những sứ mạng không gian xa hơn trong hệ Mặt Trời.
SpaceX lần đầu tiên tiết lộ về kế hoạch phát triển Falcon Heavy từ năm 2011, lúc đó đặt mục tiêu là sẽ phóng vào khoảng năm 2013 hoặc 2014. Tuy nhiên, mục tiêu đó đã bị hoãn lại bởi nhiều yếu tố, bao gồm cả sự thất bại của Falcon 9 sau đó. Elon Musk không ngại chia sẻ rằng việc thiết kế tên lửa là khó khăn tới mức bất ngờ: “Ban đầu nghe có vẻ đơn giản kiểu như lấy động cơ đẩy gắn vào các mô đun chở hàng là xong? Có gì khó? Nhưng vấn đề là khi toàn bộ tải trọng thay đổi thì thiết kế khí động học cũng sẽ thay đổi.” Cuối cùng, Falcon Heavy đã được phóng đi thành công, mang theo một “món hàng điên rồ nhất mà Elon có thể nghĩ ra” – một chiếc xe của Tesla.
Động cơ Falcon Heavy của SpaceX đã cất cánh từ Cape Canaveral, Florida mang trọng tải đầu tiên – một chiếc Tesla roadster màu đỏ – vào quỹ đạo. (Nguồn: The Verge)
Trong quá trình phóng, tầng trên của tên lửa (phần trên cùng chứa chiếc xe) đã khởi động động cơ thêm 2 lần sau khi tách ra khỏi động cơ đẩy của Falcon Heavy. Sau lần khởi động đầu tiên, SpaceX đã cho tầng này tiến hành thử nghiệm “thả trôi” trong 6 tiếng mà không cần dùng động cơ tên lửa nhằm chứng minh khả năng thực hiện những cú lượn trên quỹ đạo cho các nhiệm vụ của không quân.
Trong quãng thời gian này, tầng trên cùng bao gồm chiếc xe bên trong đó đã đi qua vành đai Van Allen – vùng bức xạ cường độ cực cao quanh Trái Đất. Musk cho biết việc này có thể ảnh hưởng tới sự thành công của toàn bộ sứ mạng bởi những hạt vật chất cao năng lượng trong vành đai liên tục đánh phá vào tên lửa, có thể khiến nhiên liệu bị đóng băng và bay hơi oxy, từ đó tự ý đốt động cơ một cách không kiểm soát. May mắn là cuối cùng mọi thứ vẫn được diễn ra đúng kế hoạch, tên lửa khởi động thêm một lần nữa như lịch trình, đưa chiếc xe của Tesla vào quỹ đạo Mặt Trời, gần với quỹ đạo Sao Hỏa.
Video Timelapse phi hành gia giả Elon Musk trên Tesla quay quanh Trái Đất. (Nguồn: The Guardian)
Thêm thông tin thú vị khác, Falcon Heavy lần này được phóng lên từ Trung tâm hàng không vũ trụ Kennedy của NASA mang tên LC-39A. Đây là bệ phóng cực kỳ “lịch sử”, nơi đã được dùng để phóng sứ mạng Apollo 11 lên Mặt Trăng cũng như nhiều chiếc tàu con thoi khác. Sau lần phóng này thì SpaceX cho biết sẽ tiếp tục sử dụng nơi đây cho những sứ mạng sắp tới của Falcon Heavy, bao gồm cả việc đưa những vệ tinh truyền thông của Ả Rập Saudi lên quỹ đạo vào nửa đầu năm nay, tới tháng 6 thì có thêm lịch đưa hàng thử nghiệm của không quân Mỹ lên quỹ đạo.
– Theo Tinhte / Theverge