Ngày 29-8 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã gặp người đồng cấp Ấn Độ là Manohar Parrika, bàn về việc hợp tác sản xuất động cơ phản lực, máy bay vận tải, cùng nhiều dự án quân sự khác. Trong một cuộc họp báo, ông Carter khẳng định “sự hợp tác này chắc chắn sẽ dẫn tới những hợp tác xa hơn, cùng phát triển và cùng sản xuất”.
Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế ở Stockholm, Ấn Độ đang là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, nhập khoảng 60% nhu cầu quốc phòng của họ. Trong Chiến tranh lạnh, Ấn Độ là khách hàng tin cậy về những thiết bị do Nga sản xuất, nay họ quay sang mua của hãng Lockheed loại cabin dành cho máy bay trực thăng S-92, cũng như phần đuôi của máy bay vận tải C-130J. Ngày nay, khi thủ tướng Ấn Độ đang có kế hoạch hiện đại hóa lực lượng quân sự quy mô lớn, cơ hội đã đến với các hãng sản xuất thiết bị, phương tiện quân sự của Mỹ. Về phần mình, năm 2015 vừa qua, Hàn Quốc đã chi tiêu cho quốc phòng một ngân khoản bằng 2,6% tổng GDP, nhiều hơn cả Nhật Bản và Trung Quốc, và Tổng thống Park Geun Hye dự định còn chi nhiều hơn nữa. Tháng 10-2015, bà Hye công bố một ngân sách với chi phí quân sự tăng 4%, vượt quá tỷ lệ mức tăng chung của chính phủ. Trong một động thái làm cho Trung Quốc giận dữ, Seoul triển khai các tên lửa hoạt động ở độ cao do hãng Lockheed cung cấp, mà theo Bắc Kinh, loại vũ khí này đang đe dọa nền an ninh của họ.
Kể từ lần đầu tiên xuất xưởng nhà máy Fort Worth vào thập niên 1970, loại máy bay chiến đấu F-16 đã trở thành biểu tượng của sức mạnh quân sự Mỹ. Nhà sản xuất ra phương tiện chiến tranh hiện đại này là hãng Lockheed Martin đang thâm nhập sâu vào thị trường châu Á hứa hẹn những hợp đồng khổng lồ. Trước tiên, họ nhắm đến một hợp đồng bán máy bay chiến đấu cho Ấn Độ, trong chương trình hiện đại hóa lực lượng quân sự do Thủ tướng Narendra Modi đưa ra với kinh phí 150 tỉ USD. Và họ dự định tung loại máy bay F-16 vào đất nước Nam Á này. Ấn Độ từng có những xung đột về biên giới với Trung Quốc và Pakistan, nay đang cảnh giác cao độ trước việc Bắc Kinh toan tính mở rộng tầm ảnh hưởng xuống vùng Nam Á.
Tất nhiên không chỉ Ấn Độ, nhiều nước châu Á khác, trong đó có Nhật Bản và Philippines cũng dự tính mua máy bay chiến đấu của Mỹ để đối phó với mối nguy ngày càng lộ rõ do Trung Quốc tạo ra trên vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Bên cạnh đó, tất cả các nước trong vùng cũng cảm thấy bất an trước một Triều Tiên khó đoán định đường lối, chính sách họ đang theo đuổi. Ngày 24-8 vừa qua, Bình Nhưỡng đã bắn một tên lửa đạn đạo bay khoảng 300 hải lý, rơi trong khu vực lãnh hải phòng vệ của Nhật Bản, đây là lần đầu tiên tên lửa của nước này rơi vào vùng biển của Nhật. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gọi việc làm đó của Triều Tiên là “không thể chấp nhận và có tính xúc phạm”. Ngày 31-8-2016, ông Abe công bố ngân sách quốc phòng mới nhất, tăng mức chi thêm 2,3%, mức tăng chi tiêu quốc phòng trong năm năm liên tiếp. Năm 2013 và 2014, Nhật là khách hàng lớn nhất của Mỹ về mặt hợp đồng quân sự, với tổng chi phí lên đến 36,5 tỉ USD về các mặt hàng máy bay, tên lửa, thiết bị điện tử quân sự và nhiều trang thiết bị khác. Hãng Lockheed của Mỹ đã nhận được đơn đặt hàng của Tokyo mua 42 máy bay chiến đấu F-35. Chương trình sản xuất máy bay F-35 trị giá 379 tỉ USD là chương trình đắt giá nhất của Lầu Năm Góc và hãng Lockheed đang trông chờ vào các thị trường Nhật Bản, Úc cùng các đồng minh khác của Mỹ để đạt được ít nhất 20% số đơn đặt hàng.
LHCT tổng hợp (DNSGCT)