Nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong việc tái định cư những người nhập cư đã vào Italy và Hy Lạp đến các nước khác vẫn chưa đem lại kết quả mong muốn. Cách đây một năm, EU đã thông qua kế hoạch đầy tham vọng trong việc tái định cư 160.000 người nhập cư tại Italia và Hy Lạp trong vòng hai năm. Tuy nhiên, một năm đã trôi qua nhưng chưa đến 3% trong số những người nhập cư theo kế hoạch của EU tìm được các quốc gia khác trong liên minh tiếp nhận.
Ngày 5-9, Ủy ban châu Âu (EC) đã thúc giục chính phủ các nước thành viên tăng cường nỗ lực trong việc triển khai kế hoạch tái định cư người nhập cư. EC vẫn để ngỏ khả năng trừng phạt các nước thành viên nếu không tiếp nhận người nhập cư theo hạn ngạch phân bổ. Hồi tháng 7 vừa qua, Cao ủy phụ trách vấn đề di cư, ông Dimitris Avramopoulos đã gửi thư tới Bộ trưởng Nội vụ của 28 nước thành viên đề nghị đẩy mạnh việc tiếp nhận người nhập cư.
Kể từ thời điểm đó đến nay các nước thành viên EU đã tiếp nhận thêm 831 người nhập cư, chủ yếu là Pháp, Phần Lan và Hà Lan. Các nước Áo, Hungary và Ba Lan vẫn chưa tiếp nhận người nhập cư nào, còn Séc mới chỉ tiếp nhận một số ít theo hạn ngạch được phân bổ. Cam kết của các nước thành viên EU trong việc trợ giúp Hy Lạp kiểm soát biên giới và xử lý yêu cầu xin tỵ nạn cũng chưa được thực hiện đầy đủ.
Việc tiếp nhận và số lượng người nhập cư vẫn là một chủ đề nhạy cảm. Hungary đã khởi động chiến dịch phản đối người nhập cư trước cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 2-10 tới về việc có tẩy chay kế hoạch tái định cư người nhập cư của EU hay không. Chính phủ Đức cũng đang phải trả giá cho việc tiếp nhận người nhập cư. Trong cuộc bầu cử địa phương tại bang Mecklemburg-Vorpommern ngày 4-9, đảng theo xu hướng chống người nhập cư “Sự lựa chọn khác cho nước Đức” (AfD) đã đánh bại “Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo” (CDU) của đương kim Thủ tướng Merkel. Tại Áo, ứng cứ viên đảng cực hữu có khả năng trở thành lãnh đạo đất nước khi ông Norbert Hofer của đảng FPO, tiếp tục dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử tổng thống vòng hai ngày 2-10 tới.
Khoảng 50.000 người nhập cư và xin tỵ nạn đang bị mắc kẹt tại Hy Lạp kể từ khi cuộc đảo chính bất thành diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7 vừa qua. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu vẫn có ý định từ nay đến cuối năm buộc Hy Lạp phải nhận trở lại người nhập cư từ các nước thành viên khác. Hồi tháng 12 năm ngoái EC tuyên bố Hy Lạp phải tuân thủ các quy định của Hiệp ước Dublin, theo đó các quốc gia mà người nhập cư đến đầu tiên có trách nhiệm phải tiếp nhận và xử lý quá trình xin tỵ nạn. Tuy nhiên, nhiều người nhập cư lại nộp đơn tại các quốc gia khác như Đức hay Thụy Điển. Hiệp ước Dublin cũng cho phép các nước thành viên EU trả những người này về lại các quốc gia mà họ đến đầu tiên khi vào EU.
N.N (DNSGCT)