Đang ngồi ăn cơm bỗng chuông điện thoại réo vang. Hắn mở máy, tiếng cười cùng giọng nói vui vẻ vọng đến:
– Ê khỏe không?
– Khỏe, chưa bị dính cúm gà! Sao, có chuyện gì vậy?
– Có việc cho ông đây này. Sắp đến ngày nhà báo, ông gởi cho tôi một cái truyện ngắn nha? Yên tâm, tôi sẽ kiếm cho ông cái nhuận bút đặc biệt.
– Nhưng không biết tôi có viết nổi không.
– Biết ông viết nhanh nên tôi mới đặt hàng. Làm sao gởi cho tôi càng nhanh càng tốt.
Máy cúp cái rụp. Vợ hắn đang đút cơm cho đứa con gái ba tuổi cười tươi rói:
– Có người đặt bài của anh phải không, thế thì anh viết đi. Nghề nhà báo kiêm nhà văn của anh sướng thật, chỉ ngồi nhà cũng vẽ ra được tiền. Còn em dân công chức muốn làm thêm cũng không có việc.
Hắn không trả lời, ngồi trệu trạo nhai nốt chén cơm. Đúng là đàn bà, họ cứ nghĩ là hắn có sẵn một bồ chữ. Chỉ việc thò tay vào bồ móc ra là thành truyện ngắn hay bài báo. Chắc chẳng bao giờ vợ hắn nghĩ, có những lúc hắn thò cả hai tay vào bụng sờ mãi không được chữ nào. Chỉ có những cục gì dinh dính giống như cục đất sét…
Vợ chồng hắn đều là hai đứa nhà quê lên thành phố học. Kiếm được cái bằng cử nhân, chẳng lẽ lại về quê cày ruộng. Lương vợ hai triệu rưỡi đồng một tháng vừa đủ cho nàng xăng xe và đóng tiền thuê nhà hằng tháng. Còn lương chồng nuôi cả gia đình ba nhân mạng, gồm vợ chồng cộng một đứa con.
- Xem thêm: Sau cột đèn đường, có ánh mắt…
Hắn đến với cái nghề cầm bút này là một sự tình cờ, bởi nghề của hắn là kỹ sư chế tạo máy. Những năm vừa tốt nghiệp ôm tấm bằng đi xin việc mãi không được. Tình cờ gặp một thằng bạn làm phó thư ký tòa soạn của một tờ báo. Thương hắn vất vưởng nơi thành phố không có việc, bạn hắn bèn xui hắn hành nghề viết báo. Hắn trợn mắt nhìn, thằng kia cười nói:
– Các nhà văn nhà báo nổi tiếng của nước Việt khi xưa như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng… học hành cũng đâu tới đâu. Trình độ văn hóa của các ông ấy còn chưa tới cấp hai bây giờ. Họ cầm bút bởi thấm đủ đau đớn của cuộc đời. Ông lang thang ở đây đã hai năm. Đủ cay đắng để cầm bút… Đời phải thử mới biết. Ngồi mà tính xem, nếu không được có mất gì đâu!
Hắn cười phá lên:
– Ô kê!
Hắn còn nhớ bài báo đầu tiên viết về những cử nhân lang thang đi xin việc. Bài viết được hắn đọc đi đọc lại hàng trăm lần đã hằn vào bộ nhớ như bài học thuộc lòng. Hắn nhớ cả cái hình ảnh một cô cử nhân đi xin việc ở một doanh nghiệp tư nhân. Chuyện như đùa nhưng có thật. Hôm đó ngài tổng giám đốc tự tay tuyển người. Ông nói với cô cử nhân: “Cô hãy cầm cái chổi quét nhà đi!”. Cô nhìn ông tổng giám đốc, tưởng mình nghe nhầm. Ông nhắc lại lần nữa, cô đứng dậy cầm cái chổi quét nhà. Ông nhìn theo, khi cô quét nhà xong, ông đồng ý tuyển dụng. Các trợ lý ngạc nhiên, ông cười nói: “Cô này đẹp nhất ở đây, chắc trong người đầy lòng kiêu hãnh. Con người phải biết nhẫn nhục như Hàn Tín mới làm được việc. Cô này có cái nhẫn, sẽ làm được việc lớn”.
Nghe ông nói, các trợ lý của ông vỗ tay rào rào. Bởi ông là người thành đạt, những người như vậy tất nhiên phải có trí tuệ và cái nhìn khác đời.
Bài báo đấy được ông bạn khen hay rồi đăng luôn. Hôm cầm tờ báo còn thơm mùi mực đó là ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời. Hắn mỉm cười nhìn lên bầu trời. Các vì sao của buổi hoàng hôn bơi tung tăng như cá. Tự nhiên hắn ấp tờ báo vào ngực thốt lên một tiếng… Mẹ ơi!… Đó là tiếng kêu của một chiến sĩ trước lúc hy sinh bảo vệ tổ quốc, nhưng cũng là tiếng kêu của đứa con hạnh phúc tìm ra đường đi cho chính nó.
Hai năm sau, cái cô gái trong bài phóng sự đó đã trở thành bồ nhí của ông tổng giám đốc. Bây giờ hắn mới thấy cái nhận định của bài báo đó là nhầm lẫn tai hại. Gã tổng đó biết cô gái xinh đẹp kia chấp nhận cầm chổi quét nhà thì chắc chắn một ngày rất gần cô sẽ chấp nhận cùng ông tổng đi đến cuối xứ “mê li”.
Vợ hắn rón rén bước lại đặt bên cạnh ly cà phê cùng mấy điếu thuốc thơm. Biết tính chồng, nàng không hé răng. Bởi lúc này gã chồng cao như một cái sào đang tự thôi miên chính mình. Biết đâu lúc này đang ra đời một tác phẩm vĩ đại, người đời gọi đó là tác phẩm để đời hay đứa con tinh thần của nhà văn. Lúc này mà đẻ ra một tác phẩm như Cơm thầy cơm cô của Vũ Trọng Phụng hay Đôi lứa xứng đôi của Nam Cao… thì tuyệt vời! Các tay nhà văn xưa cũng như mình thôi. Ngày xưa các cụ viết bút mực thì mình viết bằng vi tính. Nếu cái truyện ngắn này của mình nổi tiếng như các cụ thì quá đã! Sau này mình chết sẽ được xây mộ lớn phải biết! Lúc đó mình phải chụp một cái hình đặt lên bia mộ cho oai. Có nên để râu không, phải có râu mới giống như nhà hiền triết của Á Đông. Phải làm sao cho con mắt thông minh ánh lên tia sáng nhân hậu. Để lỡ các cô gái đẹp đến viếng phải công nhận là cụ nhà văn này đẹp trai quá!
Viết đến đây hắn há miệng cười toe. Vợ hắn thấy chồng cười, nhân cơ hội thỏ thẻ:
– Anh này, viết xong bài này đưa nhuận bút cho em mua sữa cho con nghe?
– Yên tâm! Cô đi chỗ khác ngay, người đâu mà không hiểu lúc này chồng đang sung sướng!
Nàng trề môi:
– Viết báo thì sung sướng nỗi gì… Cứ làm như lên Tây Nguyên cưỡi voi không bằng.
Hắn phì cười quay lại hôn vào má vợ một cái. Nàng chớp mắt, mắt sáng long lanh. Giá như lúc khác thì hắn tắt máy đi ngủ. Nhưng lần này có hẹn không thể không làm. Tuy thế, hắn cũng xoa tay vào lưng vợ:
– Em đi ngủ trước đi, có thể hôm nay anh phải thức đến sáng.
Nàng nhìn hắn bằng con mắt đầy cám dỗ rồi bước đi. Hắn phải cố làm lơ nhìn vào màn hình…
Nàng đi rồi tự nhiên mạch văn của hắn tịt luôn. Đúng là bọn cờ bạc kỵ đàn bà, nhất là vợ của đương sự. Chồng đang cờ bạc mà vợ ám làm gì mà không thua. Không hiếm bà vợ bị gãy răng vỡ đầu vì cái tội phá đám như vậy. Người ta nói nghề này là một nghề cao quý xét trên góc độ nhân văn. Nhưng cũng có cái gì giống như ván bạc. Ví dụ hắn viết cái truyện này mất khoảng một đêm. Nhuận bút được mấy trăm ngàn. Đem số tiền ấy ra chợ mua được mấy ký thịt. Số tiền ấy cũng bằng tiền công một anh thợ hồ nhận được trong một ngày. Thợ hồ đi làm một tháng được hai mươi sáu ngày. Còn thì mấy thằng văn sĩ kiêm nhà báo nào viết nổi một tháng hai mươi sáu bài báo hay truyện ngắn và đều được đăng!
Cuộc đời lạ như vậy đó. Người ta không biết rằng anh thợ hồ sướng hơn những thằng nhà văn. Có lần hắn đi viết phóng sự về cuộc đời những người thợ xây dựng. Hắn hỏi một thằng em họ nguyên là thợ xây đang thuê nhà ở thành phố:
– Vợ mày đâu, gọi về cho anh nói chuyện?
Gã em họ chỉ tay sang bên kia đường:
– Vợ em đang ăn phở, chắc khoảng mươi phút là xong thôi.
Hắn giật mình… Vợ hắn, cử nhân tin học, sáng thường mì gói hoặc cơm nguội. Còn vợ cái thằng thợ hồ này lại ăn phở. Đời thật lạ, nhưng hiện thực cứ sờ sờ ra đấy. Bài viết về những người thợ xây suốt đời lang thang theo các công trình hắn giấu tiệt cái chi tiết đó. Bởi vợ hắn đọc thấy không biết chừng ly dị theo anh thợ hồ.
Nhìn thấy bài đã được hai trang, hắn toét miệng cười, có nghĩa là công việc đã xong. Nghề viết báo ít chữ thì ít tiền, nhiều chữ người ta ghét cắt bớt cũng thế! Nhưng đã gọi là truyện ngắn thì phải có một cái kết sao cho thăng hoa, hay đau đớn cho người đời nhớ. Bạn đọc mà không nhớ truyện của hắn thì lần sau gởi bài đừng mơ họ đăng. Lúc ấy thì với cái mác nhà báo tự do, cộng tác viên nhiều báo hay nhà văn hạng ba chỉ có cách đi làm thợ hồ.
Hắn đi đi lại lại trong nhà. Có tiếng mèo kêu bên cửa sổ. Hay đặt tên, tiếng kêu của loài mèo. Không được, chó với mèo gì ở đây! Con người không thể ví với loài động vật được. Bỗng hắn nổi điên co chân đá luôn vào cái chân tủ lạnh. Đau tái mặt, hắn ngồi bệt xuống. Trên mu bàn chân một vệt máu chảy ra. Bỗng hắn cười khoái trá… Ta tìm ra rồi… Ta sẽ đặt tên cho đứa con tinh thần sinh ra đêm nay là… là… thằng què. Thằng nhà văn là giống đực nhưng cũng biết sinh đẻ. Đứa con trai của hắn ra đời trước buổi bình minh không khóc cũng không cười. Còn hắn lặng lẽ nhìn bàn chân sưng vù…
Bỗng trong mắt hắn hiện lên một con thuyền nhỏ.
Thuyền lênh đênh cô đơn trôi trên dòng sông đầy ánh trăng mờ.
Con thuyền đang chở linh hồn hắn sang sông…
Sài Gòn đầu mùa mưa 2013