Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đang sẵn sàng để đưa ra các loại thuế đánh vào thương mại điện tử nhằm tăng nguồn thu từ một trong những động lực phát triển mạnh mẽ nhất của nền kinh tế.
Hiện Singapore, Thái Lan và Malaysia là ba quốc gia có kế hoạch đưa ra các loại thuế đánh vào thương mại điện tử.
Việc đánh thuế vào bán hàng trực tuyến đã được thực hiện tại châu Âu và Mỹ để tạo ra một sân chơi bình đằng cho cả những người bán hàng truyền thống.
Ông Steven Sieker, người đứng đầu nhóm thuế khu vực châu Á Thái Binh Dương của Baker McKenzie cho biết, hiện các công ty tại Đông Nam Á đang chịu các mức thuế khác nhau tùy theo chế độ thuế thương mại điện tử của các nước và thậm chí là không phải chịu thuế tại một số nước.
Môi trường pháp lý đa dạng nhưng lại thiếu chắc chắn của khu vực Đông Nam Á vẫn là một thách thức lớn đối với các công ty thương mại điện tử tại đây.
Ông Indranee Rajah, Bộ trưởng cao cấp về luật pháp và tài chính của Singapore, đánh giá rằng, 20 năm sau, cách mọi người mua hàng sẽ rất khác biệt so với hiện tại và các nền tảng trực tuyến vẫn sẽ được duy trì. Do vậy, nếu không tính các nền tảng này trong một phần của chế độ thuế sẽ tạo ra rất nhiều lỗ hổng.
Hiện Singapore là một trong những quốc gia đi đầu về thương mại điện tử tại Đông Nam Á và là cái nôi của Lazada, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất khu vực.
Trước những thay đổi về chế độ thuế, Lazada đã được mời cung cấp những phản hồi và góp ý nhằm giúp các sáng kiến trở nên hiệu quả và công bằng cho những người tiêu dùng Singapore và những người bán hàng trực tuyến và truyền thống.
Không chỉ Singapore mà Malaysia cũng có kế hoạch tương tự. Tổng cục Hải quan Malaysia cho biết, quốc gia này đang sửa đổi một số luật về thuế, đặc biệt là đối với thuế đánh vào các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ kỹ thuật số tại Malaysia.
Vấn đề thuế liên quan đến bán lẻ trực tuyến đang ngày càng được thắt chặt trên quy mô thế giới. Các trang thương mại điện tử có trụ sở tại Liên minh châu Âu cũng phải chịu thuế giá trị gia tăng tương tự như các nhà bán hàng truyền thống.
Các công ty tại Mỹ trước đây chỉ phải chịu thuế nếu như họ có mối quan hệ chặt chẽ với thị trường diễn ra việc mua hàng như việc hiện diện pháp nhân. Tuy nhiên, hiện các bang đã thắt chặt lại quy tắc này và buộc các công ty phải thay đổi.
- Theo TheLeader / Financial Times