Trong số báo trước (DNSGCT 665), chúng ta đã điểm qua những “nhiệm vụ” mà du học sinh cần làm trước khi bắt đầu hành trình du học. Bài viết này sẽ là những điều còn lại cần ghi nhớ và chuẩn bị trước khi lên đường.
Ôn lại kỹ năng ngoại ngữ
Bất kể học sinh hay sinh viên nào muốn du học cũng cần phải vượt qua các kỳ thi chứng nhận khả năng ngoại ngữ, nhưng đừng tưởng điều này là đủ để bắt đầu một cuộc sống mới ở xứ người. Đầu tiên, các chứng chỉ ngoại ngữ dành cho việc xin học thường là chứng chỉ học thuật, còn ngôn ngữ để giao tiếp hằng ngày có thể có rất nhiều điểm khác biệt. Vì vậy, nếu đã thi xong chứng chỉ ngoại ngữ với số điểm an toàn, hãy bắt đầu tập làm quen với thứ ngôn ngữ được người bản xứ sử dụng hằng ngày, đặc biệt là qua phim ảnh, các clip phóng sự và thời sự. Thanh Chi, du học sinh ở Dublin (Ireland) chia sẻ: “Khi sang đây, cả tháng đầu tôi rất khổ sở vì nghe chữ được chữ mất. Chất giọng của vùng Ireland rất đặc trưng mà không quen thì khó có thể nghe được. Trước khi đi tôi khá chủ quan nghĩ là ở Ireland người dân sẽ nói giọng như nước Anh nhưng hoàn toàn không phải vậy. Tôi mất nhiều thời gian không cần thiết để làm quen trong khi trước đó có thể hoàn toàn tự tìm hiểu trước”.
Ngoài ra, với những bạn chọn du học bằng tiếng Anh ở một nước có ngôn ngữ mẹ đẻ khác như Hà Lan, Pháp, Đức, Phần Lan…, thì học một chút tiếng bản ngữ cơ bản là điều nên làm. Chưa kể đến những tiện ích mà nó mang lại, việc có thể nói được một chút ngôn ngữ bản xứ cũng giúp các bạn được người bản xứ quý mến hơn.
Chuẩn bị tài chính
Tài chính cũng là một trong những việc cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi khởi hành.
Lập tài khoản ngân hàng: Sử dụng tài khoản ngân hàng là cách tiện lợi nhất để quản lý tiền bạc ở nước ngoài. Thẻ Visa hoặc Mastercard có thể được dùng để thanh toán trên phạm vi toàn cầu.
Thông báo cho ngân hàng biết về kế hoạch du học: Tuy thẻ ngân hàng có thể được sử dụng thoải mái ở bất kỳ đâu nhưng tốt nhất là nên thông báo cho ngân hàng biết về kế hoạch du học. Có như vậy, sẽ tránh được nguy cơ ngân hàng khóa thẻ của bạn vì tưởng bị hacker nước ngoài đánh cắp thông tin thẻ.
Chuẩn bị tiền mặt: Không thể mang quá nhiều tiền mặt xuất ngoại nhưng cũng nên chuẩn bị trước một ít cho những ngày đầu đến nơi. Đặc biệt là cho những chi phí đi lại, ăn uống khi chưa kịp tìm thấy nơi rút tiền tại điểm đến.
Đóng hành lý
Hành lý tiêu chuẩn khi đi du lịch cũng như du học nên có: một vali lớn để ký gửi, một túi xách tay và một túi đeo nhỏ để đựng tiền, giấy tờ. Ngoài các vật dụng cần thiết như quần áo, sách vở, cũng đừng quên các điểm sau đây:
- Các đồ dùng vệ sinh cá nhân như bàn chải, kem đánh răng, dầu gội, dao cạo, giấy vệ sinh đủ dùng trong hai tuần sau khi đến nơi;
- Đừng mang theo những vật dụng chiếm chỗ như khăn tắm hay drap giường mà đến nơi mới mua;
- Mang tối đa ba đôi giày;
- Mang đầy đủ các đồ điện cần thiết và đừng quên ổ cắm điện. Nếu như đi các nước như Mỹ và Nhật thì đừng mang theo những vật dụng nào chỉ sử dụng được điện 220V;
- Mang một vài đồ vật kỷ niệm để giúp nguôi ngoai mỗi khi nhớ nhà;
- Nếu mang kính, hãy làm thêm một cặp kính nữa phòng thân.
Ngoài ra, hãy chú ý đến thời tiết nơi mình đến để có thể mang quần áo cho phù hợp nhất. Tuy nhiên với những món cồng kềnh như áo lạnh, có thể cân nhắc đến nơi mới mua để tránh mang vác nhiều hay quá ký.
Điện thoại di động và các phương tiện giữ liên lạc
Khi đi xa, đặc biệt là trong thời gian đầu, điều cần thiết nhất chính là giữ liên lạc với người thân. Việc giữ liên lạc không chỉ là để giúp đỡ “nhớ” nhau mà còn là một biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết. Hãy chắc chắn luôn giữ liên lạc trong những ngày đầu còn lạ nước lạ cái để nếu có bất trắc gì xảy ra, người nhà sẽ biết ngay và có những biện pháp xử lý kịp thời. Hãy tìm hiểu trước khi khởi hành về các gói thuê bao điện thoại ở nơi mình đến để hòa mạng ngay có thể. Nếu muốn chuẩn bị tốt hơn, khi ở nhà hãy dành thời gian hướng dẫn bố mẹ sử dụng các phần mềm liên lạc như Skype hay Facetime để nói chuyện mà không tốn phí.
Chuẩn bị tinh thần
Đó là điều quan trọng nhất nhưng lại dễ bỏ sót nhất trong danh sách những việc cần làm trước khi đi du học. Dù cho có háo hức như thế nào, việc du học cũng không phải là một chuyến đi chơi. Đó là sự thay đổi lớn về cuộc sống trong vòng nhiều năm. Nếu các bạn thích cuộc sống mới thì quá tốt, nhưng cho dù có không thích thì cũng cần tìm cách thích nghi. Cuộc sống chắc chắn sẽ không giống nhưở nhà khi các bạn được bao quanh bởi một nền văn hóa mới với những quy tắc hành xử khác. Trong những cuộc nói chuyện hằng ngày, người khác nhất định sẽ có những câu hỏi về đất nước, văn hóa Việt Nam và đây cũng là chủ đề nên được chuẩn bị trước. Ngoài việc tìm hiểu thông tin về đất nước mình sắp đến, hãy dành thêm thời gian để đọc báo và tìm hiểu thêm tình hình trong nước và các vấn đề quốc tế liên quan đến đất nước.
Hoàng Minh, du học sinh tại Lisbon (Bồ Đào Nha) chia sẻ: “Nơi tôi đến có khá ít du học sinh người Việt và nhiều người cũng chưa biết về nền văn hóa Việt Nam. Tôi thường nhận được nhiều câu hỏi khá chạnh lòng như Việt Nam có phải giống như Trung Quốc không. Lúc đó tôi cảm thấy rất may vì những kiến thức sẵn có về đất nước mình. Và cũng nhờ những cuộc nói chuyện này mà tôi kết bạn được nhiều hơn. Thử tưởng tượng lúc nhận được những câu hỏi đó mà ú ớ không biết phải trả lời làm sao thì chắc là ngượng và sượng sùng lắm”.
Nhật Hà (DNSGCT)