Sai phạm về đất đai đã trở thành một cụm từ phổ biến trong những cuộc thanh tra của chính phủ tại nhiều địa phương trên cả nước. Được dư luận đặc biệt chú ý trong thời gian gần đây là các sai phạm tại Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Quốc… mà việc xử lý các sai phạm này đang gặp khó.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất… không tuân thủ quy định của pháp luật ở Đà Nẵng đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư chuyển nhượng thu lời bất chính. Việc UBND Đà Nẵng giảm 10% tiền sử dụng đất cho các hộ được bố trí đất tái định cư, tổ chức cá nhân được giao đất, nhận chuyển nhượng – nhượng quyền sử dụng đất là không đúng, gây thất thu ngân sách.
Giải trình tại kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng ngày 12-7, ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch thành phố cho biết thời gian qua lãnh đạo địa phương này đã nỗ lực khắc phục những sai phạm về đất đai theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Nhiều trường hợp các nhà đầu tư được giảm 5%, 10% tiền sử dụng đất nhưng đã chuyển nhượng quyền cho các tổ chức, cá nhân khác dẫn đến việc thu hồi gặp nhiều khó khăn.
Đến cuối năm 2017, Đà Nẵng đã truy thu được hơn 402 tỉ đồng trong tổng số hơn 2.353 tỉ đồng mà Thanh tra Chính phủ kết luận phải thu về ngân sách thành phố.
Cũng theo ông Thơ, nhiều dự án không thể thực hiện được thủ tục chuyển nhượng do vướng kết luận của Thanh tra Chính phủ, thành phố chưa tìm được cách thức tháo gỡ. Thủ tướng đang sắp xếp một cuộc họp giữa thành phố và các bộ, ngành liên quan, trong đó có Thanh tra Chính phủ để giải quyết những kiến nghị của Đà Nẵng.
Cũng trong phát biểu trước HĐND, Chủ tịch Đà Nẵng thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu kém, thiếu sót trong công tác quản lý và quy hoạch đô thị. Đó là việc thiếu tầm nhìn kiến trúc với một đô thị hiện đại đáp ứng cho hàng triệu dân, thiếu cây xanh, bãi đỗ xe, thiếu công viên, bệnh viện, trường học đạt chuẩn…
Ông khẳng định, tới đây nhiều dự án ven biển sẽ được điều chỉnh để tạo không gian thông thoáng, xây dựng thêm bãi tắm, công viên ven biển, làm thêm các bãi đậu xe. “Đây là công việc không dễ, không ít tốn kém nên rất cần sự chia sẻ của người dân cũng như doanh nghiệp” – ông Thơ nói.
Tại Cần Thơ, Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về hàng loạt sai phạm tại các “khu đất vàng”, trong số này nhiều khu đất không thông qua đấu giá, hoặc bán đấu giá với giá bèo.
Theo kết luận, từ năm 2007 đến 2017, thành phố Cần Thơ đã cho thuê 489 vị trí đất (tổng diện tích 1.536,51ha) và giao 1.268 vị trí đất (tổng diện tích 2.803,494ha), trong số này nhiều dự án đã thực hiện giao đất, thuê đất không đúng quy định.
Nghiêm trọng nhất là khu đất tại số 12 đường Nguyễn Trãi có diện tích 2.574,6m², UBND Cần Thơ xác định giá khởi điểm để đưa ra đấu giá không đúng quy định, dựa vào chứng thư thẩm định đã hết hiệu lực, không áp dụng hệ số biến động giá, khiến giá trúng thầu khu đất chỉ hơn 104 tỉ đồng nhưng giá khởi điểm thực tế của khu đất này là hơn 233 tỉ đồng.
Tại Kiên Giang, lãnh đạo địa phương đã thừa nhận những sai phạm về quản lý đất đai ở Phú Quốc thời gian qua là rất quan trọng, mất mát nhiều cán bộ, gây hậu quả xấu trong dư luận. Năm dạng sai phạm phổ biến tại Phú Quốc – cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương – là (1) giao cấp đất chưa được chuyển mục đích sử dụng, (2) lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chia chác đất công, (3) chiếm đất do Nhà nước quản lý, (4) chuyển nhượng đất trái phép và (5) xây cất nhà trái phép.
Đứng trước tình trạng này, chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 sẽ tập trung vào chuyên đề “Thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”.
Với nghị quyết số 61/2018/QH14, Quốc hội đã quyết định thành lập Đoàn giám sát chuyên đề trên do Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh làm Phó trưởng đoàn Thường trực.
Mục đích của cuộc giám sát là xem xét, đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Đoàn giám sát cũng sẽ đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc. Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Qua giám sát đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện nghiêm, có hiệu quả chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; phục vụ sửa đổi Luật Đất đai 2013 và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Trong các cơ quan chịu sự giám sát ở Trung ương, Chính phủ báo cáo chung về tình hình ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Các Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và một số Bộ, ngành liên quan báo cáo về tình hình ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình; đồng thời báo cáo việc sử dụng đất của Bộ, ngành với tư cách là người sử dụng đất.
Chịu sự giám sát ở địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo về nội dung chuyên đề giám sát thuộc phạm vi của tỉnh, thành phố, địa phương.
Trong một diễn biến liên quan đến tình hình đất đai, Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép chuyển 26.000 hécta đất nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh thành đất công nghiệp, dịch vụ. Đây là nguồn lực rất to lớn, tạo nguồn vốn cho TP. Hồ Chí Minh phát triển, giá trị ước tính sơ bộ là 1,5 triệu tỉ đồng nếu đem đấu giá. Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết như trên tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 HĐND TP. Hồ Chí Minh Khóa IX vào sáng 10-7. Quyết định này của người đứng đầu chính phủ được đưa ra theo đề nghị của TP. Hồ Chí Minh.
Theo ông Nhân, sáu tháng đầu năm, kinh tế thành phố tăng trưởng 8,25%. Quốc hội cho TP. Hồ Chí Minh được phép có một số nguồn thu nhưng chủ yếu để điều tiết các hành vi xã hội và thành phố có điều chỉnh một số loại phí.
Năm 2017, đất nông nghiệp của TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 55%, nhưng đóng góp của nông nghiệp vào GRDP (Tổng sản phẩm bình quân đầu người) chỉ 0,8%. Trong khi đó, đất cho công nghiệp dịch vụ chiếm 8% nhưng đóng góp 99% GRDP của thành phố. Vì vậy, TP. Hồ Chí Minh đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi 26.000 hécta đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Việc này nhằm tăng đáng kể diện tích đất cho các doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ.
Đề nghị của TP. Hồ Chí Minh được chính phủ chấp thuận là một tin vui, nhưng không khỏi đặt ra một số lo lắng trong giới chuyên gia, khi nghĩ đến tình trạng đầu cơ đất nhân danh các dự án phát triển đang diễn ra trên cả nước, các dự án treo còn tràn lan do quy hoạch không phù hợp và những sai phạm trong việc sử dụng đất đai gây thiệt hại cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.
Do vậy việc chuyển đổi công năng của các vùng đất nông nghiệp cần có sự nghiên cứu nghiêm túc để tránh việc trục lợi từ các nhà đầu cơ đất.