Trong những ngày ở Ottawa, tôi dành nhiều thời gian đi thăm những khu vườn. Tôi muốn đi trong giấc mơ của tuổi già, tìm về “bản hòa âm điền dã” thời thơ dại. Nhưng sau khi “đọc” mải mê ký tự của Trời, tôi lại nhớ đến ký tự của Người. Và tôi tìm đến những nơi có sách.
Sách, trong một xã hội tiêu thụ, giàu cây cối (đặc biệt là cây phong) và sử dụng phổ biến song ngữ Anh Pháp như Canada, quả thật là một thế giới lý tưởng cho những “con mọt sách”. Ngày đến tòa nhà Quốc hội, sau khi ghi hình thoải mái các phòng họp nghị viên, các vòm cửa, trần nhà cổ kính, nơi tôi bị nhắc nhở “no picture” lại là thư viện. Một thư viện không lớn lắm, nhưng cực kỳ tráng lệ. Các tia nhìn như bị hút vào cái sắc màu trầm sâu của gỗ tủ và bìa sách. Những tủ sách trang nhã cao kín tường, những bìa sách giấy cứng mạ chữ vàng được sắp xếp thật trân trọng. Tự dưng vào đây, không ai nói một lời. Người hướng dẫn im lặng như muốn để cho du khách lắng nghe tiếng nói u trầm vang lên từ trang sách. Một cuộc đối thoại vô thanh thành kính như khi người ta bước vào Phật tự hay Thánh đường.
Nhưng các thư viện công cộng nằm ở từng khu phố của Ottawa thì dân dã và cực kỳ giản dị, nó tạo cho mọi người cảm giác là ai cũng có thể vào ra thoải mái nơi ấy. Trước 9 giờ sáng đã thấy các ông bà trung niên đủ các màu da sắp hàng chờ. Thẻ thư viện chỉ để mượn sách (không tính phí) còn ai cũng có thể vào đó để đọc. Thư viện chỉ có một vài nhân viên, lặng lẽ mà rất ân cần khi phục vụ. Người đọc đi lại nhẹ nhàng, có thể ngồi bàn riêng nhìn vào vách để tập trung, có thể ngồi ngả người trên các ghế bành êm ái cực kỳ thư giãn. Việc mượn sách và trả sách hoàn toàn tự động, qua máy tính. Số lượng sách cho mượn có thể vài chục cuốn trong vòng một tháng.
Khi đến một thư viện khu vực ở trung tâm Ottawa, vừa bước chân vào cửa, tôi xúc động lạ lùng khi nhìn thấy tác phẩm La mer et le martin-pêcheur (Biển và chim bói cá) của Bùi Ngọc Tấn tươi rời rợi trên giá sách Nouveautés – Roman (Sách mới – Tiểu thuyết) bên cạnh bộ IQ 84 của Murakami và nhiều tiểu thuyết khác. Giữa những cuốn sách bìa dày, láng, gáy tròn, nhiều màu, đứa con tinh thần của Bùi Ngọc Tấn nổi bật bởi cái bìa mỏng, mang sắc trắng đơn giản của nhà xuất bản L’Aube, Pháp. Tôi nhận ra màu bìa của tiểu thuyết này ngẫu nhiên rất gần với màu sắc thanh và dịu, phổ biến của kiến trúc Ottawa: trắng (nền/tường), xanh (hình/mái) và đen (chữ/viền). Bất giác tôi nhớ đến khuôn mặt của người cha đã mang nặng đẻ đau đứa con này. Chỉ ngắm ông trên hình, tôi tin cậy, như đã từng tin cậy Nelson Mandela, những người giản dị và lão thực.
Viết trong thế bị “dồn tới chân tường” hay là trong ước muốn được “vợi bớt” trong nội tâm mình những dung nham sôi cuộn, Bùi Ngọc Tấn bình thản đối mặt với những vây quẫn của ngoại cảnh. Một duyên lành nào đó đã đưa đẩy Hà Tây gặp Bùi Ngọc Tấn, để chọn dịch sang tiếng Pháp Biển và chim bói cá. Xuất bản ở Pháp năm 2011, tháng 4 năm 2012 cuốn tiểu thuyết nhận được giải thưởng Henri Queffélec. Với Henri Queffélec, Biển là Nàng thơ, có lẽ ông trải nghiệm Biển như Saint-Exupéry trải nghiệm Bầu Trời. Trên hành trình khám phá Biển, Bùi Ngọc Tấn đã góp vào một hải trình riêng. Với Biển và chim bói cá, Biển là song đề: vừa là thực thể vừa là biểu tượng. Ông trải nghiệm Biển với tâm thức của một cư dân đất nước bán đảo, một đất nước xinh đẹp bị hằn nát, bị trói buộc vì chiến tranh, vì sự vô minh của con người. Biển, với người Việt luôn là nguồn sống, là cánh cửa mở ra chân trời hy vọng. Nếu một mai nguồn sống ấy bị mất, cánh cửa ấy bị bít lại, người Việt còn biết làm gì?
Một thư viện khu vực mà có đến trên 1.000 đầu sách tiếng Việt, gồm các loại văn hư cấu, khảo cứu, dịch thuật, xuất bản trước 1975 ở Sài Gòn và sau 1975, ở Việt Nam lẫn hải ngoại. Dành cho người đọc phổ thông, thư viện này ưu tiên nhiều cho tiểu thuyết. Cầm trên tay những tác phẩm xuất hiện trong những không gian và thời gian khác nhau, tôi bồi hồi tự hỏi: Bàn tay ai đã từng chạm vào trang sách? Liệu có một người Việt nào lớn lên ở Canada, đã nhẩn nha đọc hết số sách ấy trong những thời gian rảnh và hình dung về Đất Mẹ bên kia bờ Thái Bình Dương? Hình như đâu chỉ là học tập và giải trí, đọc sách Việt ở đây có thể là hành trình trở về cội nguồn để tìm sự cân bằng (cho người trẻ) và đắm mình trong dòng sông quá khứ để làm dịu những vết thương tha hương (nơi người già).
Bỗng dưng tôi thấy mình thích viết, và ước chi mình có được một vài cuốn sách nằm lẫn lộn khiêm nhường trên các giá sách kia.
“Có một thư viện và một khu vườn, bạn không cần gì nữa cả”, câu nói của Cicéron tự ngàn xưa được ghi trên vách nơi đây, ngân lên trong lòng tôi những âm thanh hạnh phúc: tôi đã nhận ra, đã mơ ước, đã có và đang đi tìm cái có thể cho tôi niềm vui tự tại trong mối tương thông với Con người và Tự nhiên.
Nguyễn Thị Thanh Xuân
Ottawa, tháng 7-2012