Tình hình tương tự cũng diễn ra trong quá trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với nhiều quốc gia khác. Đối với những nền văn học lớn có truyền thống lâu đời như Trung Quốc, Pháp, Nga, Nhật Bản, sự tiếp nhận của độc giả Việt Nam có thể nói là khá sâu sắc và toàn diện. Nhưng với một số nền văn học khác, đặc biệt của những nước trong khối ASEAN gần gũi với chúng ta, như Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Myanmar…, sự hiểu biết của chúng ta còn rất hạn chế.
Trong khi đó, nhiều phương diện của văn học Việt Nam cũng còn xa lạ với độc giả nước ngoài. Những trung tâm Việt Nam học trên thế giới tuy có nhiều cố gắng, nhưng cũng chỉ dành một phần công sức cho việc nghiên cứu và dịch thuật văn học, vì còn bận tâm với những vấn đề lịch sử, chính trị, ngoại giao có sức thu hút hơn. Việc xuất bản ở nước ngoài một số tác phẩm nổi tiếng nhưTruyện Kiều của Nguyễn Du, Thơ Hồ Xuân Hương, Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Nhật ký Đặng Thùy Trâm… là những đóng góp quan trọng vào quá trình giao lưu văn hóa. Nhưng công việc cần làm thì còn rất nhiều, như hội nghị quảng bá văn học Việt Nam tổ chức vào năm ngoái đã chỉ ra.
Còn nhớ, khi Việt Nam và Hoa Kỳ chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, chính những nhà văn hai nước, qua con đường văn học, đã là những sứ giả xây những nhịp cầu giao lưu văn hóa cho hai nước. Nhiều nhà văn Mỹ và những cuốn sách của họ đã có mặt ở Việt Nam để băng bó những vết thương còn rỉ máu, nói lên tiếng nói của lương tâm sám hối. Một số nhà văn Việt Nam cũng đưa tiếng nói nghệ thuật của mình đến đất Mỹ để bày tỏ tâm tình của một dân tộc yêu hòa bình, phải đổ bao xương máu để giành lại độc lập, tự do. Nhờ văn học, rõ ràng là hai dân tộc có điều kiện hiểu biết nhau hơn.
Có thể nói, sách văn học chính là cánh cửa của đối thoại, là nhịp cầu của sự giao lưu văn hóa. Đọc văn học là hướng tâm hồn mình về những nền văn hóa khác, là đánh thức khát vọng đồng cảm với nỗi thống khổ và niềm hạnh phúc của nhân loại. Sách văn học mở rộng sự giao tiếp không chỉ về mặt thời gian – giữa các thế hệ, các thời đại khác nhau, mà còn về mặt không gian – giữa các dân tộc và các nền văn hóa xa cách nhau. Thành công của những hội chợ sách quốc tế chứng tỏ điều đó.
Thông qua sự giao tiếp bằng con đường của tâm hồn và trí tuệ, sách văn học giúp cho nhân loại xích lại gần nhau, sống trong niềm cảm thông và tình hữu nghị. Theo ý nghĩa đó, nhà văn là người mang sứ mệnh truyền bá những giá trị tinh thần của dân tộc mình, làm phong phú kho tàng văn hóa nhân loại. Tiếp nhận văn học trên tinh thần đối thoại chính là tiền đề đưa văn học dân tộc hội nhập với văn học thế giới, và ngược lại, thu hút tinh hoa văn học thế giới làm giàu cho văn hóa dân tộc.
Huỳnh Như Phương