Miền Tây Nam bộ với sông nước kênh rạch chằng chịt, đồng ruộng mênh mông là nơi lý tưởng cho rau muống đồng sinh sôi phát triển.Đó cũng là một nguồn thức ăn tự nhiên của nhiều người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Đọt rau muống đồng rửa sạch có thể ăn sống, hoặc luộc chấm với cá, mắm kho sẽ làm cho bữa cơm lúa mùa thêm ngon miệng.Hoặc dùng nấu canh chua cá lóc, cá vồ. Đơn giản hơn là luộc rau, nước rau luộc nêm nếm thêm ít muối, ít đường để làm canh: Trông cho rau muống mau xanh/ Để em cắt nấu chén canh mặn mà.Cầu kỳ hơn thì chẻ làm tư, làm tám cọng rau muống bóp giấm, trộn với thịt cá lóc nướng, thịt gà xé phai, thịt vịt luộc làm gỏi. Trong các tô bún nước lèo mặn mà dân dã cũng không thiếu cọng rau muống đồng: Anh đi có nhớ quê nghèo/ Nhớ bún nước lèo, nhớ rau muống đồng bưng. Mùa nước nổi, rau muống được tắm táp phù sa tràn về cọng no tròn cỡ ngón tay cái, ăn giòn rụm, có lẽ vì vậy mà nàng dâu hiếu thảo nào đó đã đúc kết thành kinh nghiệm để chia sẻ rau muống tháng chín nhịn cho mẹ chồng.
Rau muống đồng cọng đỏ
Rau muống đồng còn được dùng làm dưa. Người ta lặt lấy phần non, bỏ lá, rửa sạch, để ráo. Tỏi, ớt, gừng xắt lát cho vào thố sành cùng với rau muống non. Nấu hỗn hợp giấm đường, muối cho sôi, đổ vào thố rau khi nước còn âm ấm.Dùng đũa dìm rau muống ngập sâu vào giấm, phía trên để thêm vài lát ớt, tỏi, đậy kín.Một, hai ngày sau, lấy ra ăn, cọng dưa rau muống màu vàng, giòn, chua dịu, ngòn ngọt, cay cay.
Dưa rau muống
Từ bữa ăn, rau muống còn đi vào đời sống tình cảm của người dân quê qua những câu ca dao như: Thuyền đua thì thúng cũng đua/ Thấy rau muống vượt rau dừa vượt theo. Hay: Kiếm được đồng xu lại mua vội mua vàng/ Mua rau muống héo, mua nàng ngẩn ngơ. Còn nữa: Thân em như rau muống trên đồng/ Nay chìm mai nổi, biết vợ chồng được không?
T.B.X