Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir tuần qua cho biết sẽ không có bất kỳ nhượng bộ hay vòng đàm phán nào từ phía Ả Rập Saudi và các nước vùng Vịnh đối với Qatar để nước này chấm dứt hoạt động tài trợ khủng bố. Nhân chuyến công du đến thủ đô Washington DC của Mỹ, ông Jubeir khẳng định những yêu cầu của Doha là tuyệt đối “miễn bàn” và giờ đây là lúc chính quyền Qatar tự quyết định thay đổi hành động của họ. Nếu họ chấp nhận thay đổi, mọi thứ sẽ tiến triển tốt đẹp và có khả năng Qatar sẽ được trở về với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), bằng không họ sẽ tiếp tục bị cô lập. Kể từ đầu tháng 6-2017, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE và Ai Cập đã tẩy chay Qatar vì cáo buộc nước này ủng hộ nhóm phiến quân khủng bố IS trước khi ban hành tối hậu thư cho chính quyền Doha bao gồm yêu cầu đóng cửa căn cứ quân sự của lính Thổ Nhĩ Kỳ tại Doha, đóng cửa đài truyền hình Al Jazeera và chấm dứt mọi mối quan hệ với Iran. Phản ứng trước hàng loạt hành động mang tính chất “cấm cửa” này, Doha đã nhiều lần lên tiếng phản đối và cho rằng các yêu cầu trên là hoàn toàn vô căn cứ, không thể chấp nhận được. Có lúc Qatar đã cho rằng các yêu cầu của khối cộng đồng vùng Vịnh là nhằm vào việc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của quốc gia này.
Hiện tại, Mỹ đang đóng vai trò hỗ trợ trung hòa giữa hai bên. Bên cạnh việc ông Jubeir thăm viếng Hoa Kỳ trong tuần qua, thì Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cũng có chuyến viếng thăm Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington và đã có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Theo thông tin từ đài truyền hình Al Jazeera, phản ứng trước nhận định của ông Jubeir, ông Al Thani cho rằng nhu cầu đưa ra từ GCC nhất thiết phải thực tiễn và có thể áp dụng, bằng không sẽ không được Doha chấp nhận. Ngoại trưởng Qatar cũng đồng tình với lời nhận xét của ông Tillerson rằng Washington hy vọng danh sách nhu cầu phải hợp lý và có khả năng thực hiện. Ngoài ra, ông Tillerson cũng muốn các bên tạo điều kiện để có một vòng đàm phán song phương sớm nhất để tìm ra giải pháp cho cả bốn nước.
- Lâm Kiên theo Reuters