Theo quốc lộ 27 uốn lượn qua những đồi thông, chúng tôi đến với xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà – một điểm đến du lịch mới cách TP. Đà Lạt chừng 50km. Vài năm gần đây, vùng đất hẻo lánh này đang thu hút nhiều người trẻ yêu thích du lịch mạo hiểm. Đoạn sông Đạ Đờn dài 12km từ cầu Đạ Đờn đến cầu treo ở thôn Đa Nung A có nhiều ghềnh thác khá hấp dẫn. Sông gập ghềnh đá, loại đá đã được dòng nước bào mòn qua hàng ngàn năm. Nhờ vậy du khách chọn đi thuyền phao sẽ có cảm giác thử thách nhưng vẫn đủ an toàn.
Để bắt đầu, hướng dẫn viên giới thiệu sơ lược trước hành trình, từ đặc điểm con nước, những đoạn đường khó đi, những tình huống phải tự mình vượt qua, những động tác cần thực hiện trước khi nhảy thác và khi tiếp nước trở lại, những sự phối hợp khác giữa người chơi… Rồi những chiếc thuyền phao xinh xắn đủ cho từ hai đến tám người và nhiều màu sắc được thả xuống dòng nước ngay dưới chân cầu Đạ Đờn. Con thuyền phao nhấp nhô trên ghềnh đá đón những sóng nước dập dồn xen lẫn hiệu lệnh khua nhịp chèo của người thuyền trưởng – cũng là hướng dẫn viên, cùng tiếng hò reo của du khách trên thuyền khiến khúc sông bình thường vắng vẻ trở nên rộn rã hẳn.
Ngồi trên chiếc thuyền, ai nấy gồng sức lên để chèo và chống chọi lại với sức nước phía dưới đang muốn hất tung người đi. Mọi người cầm chắc mái chèo, kết hợp nhuần nhuyễn cùng đồng đội, khéo léo chèo chống để chinh phục những con sóng gầm gừ phía dưới. Đoạn đường du khách đi phải vượt qua hai ngọn thác thẳng đứng cao 6 mét và 12 mét. Thác càng cao, lượng nước và áp lực đổ xuống càng lớn. Nhưng cảm xúc khi nhảy từ ngọn thác xuống chân thác lại càng mãnh liệt, mặc dù trước đó là sự hồi hộp và níu kéo bỏ cuộc không phải là nhỏ. Khi lao mình qua dòng thác cuồn cuộn ấy, cùng đồng đội ngụp lặn trong làn nước đậm màu đất đỏ bazan, dùng thuyền phao tiếp cận lại dòng chảy đang ầm ào tung bọt trắng mịt mù ấy, mới thấy, không phải mình vừa vượt qua ngọn thác cao bao nhiêu, xuống vực nước sâu bao nhiêu mà là vượt qua chính mình.
Trên chuyến du ngoạn ấy, ở những khúc sông phẳng lặng, người chơi cùng đồng đội khuya mái chèo đều đặn và nhịp nhàng lướt tới, thảnh thơi ngắm đồi núi bạt ngàn cà phê xanh mướt, thỉnh thoảng xen vào những trảng bắp đang trổ cờ phất phơ, những trụ điện cao thế vút lên nền trời xanh mênh mông, những căn nhà ẩn hiện giữa màu xanh của nương rẫy, những cô cậu bé đen nhẻm đùa nghịch với mấy chú bò trên bãi sỏi ven sông, “tám” đôi câu những người đánh cá không mấy bận rộn… để thấy cuộc sống giữa thiên nhiên giản đơn, êm đềm, thanh bình và tươi đẹp đến dường nào…
Mùa khai thác tour du lịch chèo thuyền phao trên sông Đạ Đờn bắt đầu khi trời mưa và kết thúc vào thời điểm nước cạn. Tuy nhiên, yêu cầu bắt buộc với người chơi là phải biết bơi, có sức khỏe, can đảm và có kỷ luật. Đặc biệt, tuân thủ quy định trong suốt hành trình và làm đúng theo hiệu lệnh của hướng dẫn viên đối với người chơi là rất quan trọng. Khi thực hiện được những điều đó, những người chơi sẽ trở thành đồng đội của nhau, cùng nhau vượt qua thác ghềnh, cùng nhau xử lý những sự cố và hỗ trợ nhau trên đường đi. Và khi hành trình kết thúc là lúc bạn trải qua những cảm xúc tuyệt vời, những người cùng đồng hành trên con thuyền ấy trở thành đồng đội thân thiết tự bao giờ.
Nhưng, để có được cuộc chơi trọn vẹn trên sông nước như vậy, vai trò của hướng dẫn viên – thuyền trưởng rất quan trọng. Thuyền càng lớn, người chơi nhiều hơn thì mức độ thận trọng và yêu cầu an toàn lại càng tăng lên, nên việc lựa chọn hướng dẫn viên của đơn vị khai thác tuyến du lịch với đầy đủ trang thiết bị bảo hộ và cứu hộ đã được kiểm định cũng là điều du khách phải chú trọng. Hiện có ba đơn vị khai thác tuyến du lịch chèo thuyền trên sông Đạ Đờn đã được thẩm định và đang chờ nhận giấy phép khai thác chính thức là Chi nhánh Công ty CP Mạo hiểm Việt tại Đà Lạt, Công ty TNHH Thử thách Việt và Công ty TNHH Mạo hiểm PTA.
- Ảnh Du lịch Thử thách Việt