Quỳnh Paris, nhà thiết kế có tiếng của làng thời trang đang tất bật chuẩn bị giới thiệu hoạt động mới nhất của mình: tổ chức một triển lãm tranh cùng hai họa sĩ Diệu Hà, Thanh Lê với tên gọi “Springtime – Xuân thì 3”.
Đây là lần đầu tiên Quỳnh Paris tham gia một triển lãm tranh, kể từ khi chị về nước hoạt động cách đây đã 10 năm.
“Springtime – Xuân thì 3” nằm trong chuỗi hoạt động triển lãm định kỳ – hai năm một lần, do Spring Gallery tổ chức, diễn ra từ 15-6 đến 25-6-2019 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Triển lãm năm nay giới thiệu 70 tác phẩm của ba tác giả nữ với các chất liệu sơn dầu, màu nước và tổng hợp.
Cuộc chơi màu sắc, chất liệu với người thân
Họa sĩ Thanh Lê là bạn thân còn họa sĩ Diệu Hà là chị ruột của Quỳnh, cả hai là những cái tên khá quen thuộc trong làng hội họa.
Nếu như họa sĩ Diệu Hà vốn nổi tiếng với dòng tranh vẽ hoa mẫu đơn, đưa người xem vào một “khu vườn cổ tích” đầy thơ mộng, thì tranh của họa sĩ Thanh Lê là những ký ức ngọt ngào về “những mùa miên viễn” xa xưa với con đò, chái bếp, những dòng sông bát ngát phù sa, còn Quỳnh Paris đem đến triển lãm bộ tranh “Nhìn về tương lai” lấy cảm hứng từ hoa sen và những triết lý mỹ học phương Đông. Ngoài các mảng tranh riêng, họ cùng vẽ một bức tranh đặc biệt của triển lãm.
Quỳnh Paris chia sẻ: “Tôi từng vẽ tranh, chơi đàn violon, từng là vũ công và vận động viên thể dục dụng cụ trước khi là nhà thiết kế. Mỗi giai đoạn của cuộc đời, có những lúc tôi dấn thân vào một loại đam mê, để được sống trọn vẹn với cảm xúc của mình”.
- Xem thêm: Những ngón tay vàng của Iris Scott
Cô cho biết: “Trong triển lãm này, sẽ có bốn bức tranh chân dung bốn nhân vật rất đặc biệt đối với tôi, cũng là những người đang có những hoạt động xã hội đầy ý nghĩa, minh họa cho hành trình một đóa sen theo quy luật cuộc đời – sinh lão bệnh tử”.
Sáng tạo bằng cảm xúc thật
Quỳnh Paris không bị áp lực bởi các nhận định về tác phẩm của mình, cũng giống như quan điểm thiết kế thời trang lâu nay của chị.
Điều quan trọng là “những sáng tạo nghệ thuật phải xuất phát từ những gì bạn thực sự yêu nó, chứ không phải vay mượn của ai cả” theo lời chị.
Từ chuyện triển lãm tranh, câu chuyện của chúng tôi chuyển sang một vấn đề thời sự của làng mốt, đó là chuyện nhái, cóp mẫu.
Liệu một nhà thiết kế có học hành bài bản, trường lớp hẳn hoi (Quỳnh Paris tốt nghiệp thời trang trường Mod’ Art của Pháp) thì sẽ không dính vào tệ nạn copy mẫu của người khác?
Chị đáp: “Có học hay không là một chuyện, quan trọng là ý thức. Thường chỉ những người tự ti và tự cao mới nhái mẫu. Bạn tự ti nên phải nhìn theo cái gì đó để làm theo, tự cao vì không chịu nhìn thấy sự hay dở của người khác ở điểm nào, mình luôn đúng”.
- Xem thêm: Người đàn bà vẽ ước mơ
Theo Quỳnh Paris: “Sự sáng tạo trong thời trang chưa bao giờ có giới hạn. Nếu thấy con đường mình đang đi là đường cụt thì hãy đổi sang con đường khác mà đi”.
Vẫn tham gia đều đặn các sinh hoạt thời trang trong và ngoài nước, các tuần lễ thời trang ở nước ngoài, mẫu mốt của chị được nhiều nghệ sĩ quốc tế chọn mặc, nhưng Quỳnh Paris lại không cố đánh bóng tên tuổi mình, cứ thong dong và âm thầm làm việc.
Triển lãm tranh Springtime – Xuân thì 3 với Quỳnh Paris 1“Sắp tới tôi còn ấp ủ nhiều dự định khác với hội họa, bên cạnh việc thiết kế thời trang và giảng dạy cũng như tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng”, chị nói thêm.