Em là ai mà nhìn quê nhà để là nơi trở về thưởng thức phong cảnh hữu tình, em có biết người ở quê luôn muốn rời bỏ quê nghèo mà đi. Cực chẳng đã mới phải ở lại vì không còn có sức.
Gạo, mắm và sách
Có ba thứ mà tôi nâng niu suốt đời mình, một cách vô thức: tôi nhặt từng hạt gạo rơi, tiếc giọt nước mắm còn đọng trong chén mà quét ngón tay cho giọt cuối cùng vào lưỡi thấm mùi biển, và ôm ấp những cuốn sách hay vào lòng, để đầu giường ngủ cho ngon.
Cuộc sống của tôi gắn liền từ nông thôn đến thành thị. Thuở đói nghèo, mẹ tôi nhặt từng hạt gạo rơi quanh thùng, tôi thấy bà làm điều đó nhiều lần nên cũng bắt chước, sau thành tiềm thức, không bỏ một hạt gạo nào, một hạt cơm rơi cũng nhặt bỏ lại vào chén hoặc vào miệng luôn. Tôi thấy ba tôi bọc từng cuốn sách, dặn con cầm đọc bằng hai tay, đừng có cuốn lại làm bong gáy. Hồi đó để giữ bìa sách cho mới, ông lấy giấy báo bọc lại, sau này mới có giấy bìa bóng để bọc. Nhưng mà tôi thích nhất là lúc ngồi bọc sách, không hiểu sao cái cảm giác cầm một cuốn sách mới, rồi bọc nó, rồi ngồi vào một góc bàn, lật giở từng trang. Cuốn nào dày quá, tối thì thắp đèn dầu đọc, nó đem lại cảm giác sung sướng kỳ lạ.
Cho nên tôi hiểu đôi khi người ta nhìn quê hương như một… kẻ xa lạ, chỉ là nơi trở về để hưởng thụ, chứ không bao giờ, chưa bao giờ nghĩ quê hương là nơi lưu giữ ký ức mà cả dân tộc đã đổ máu xương, giờ vẫn còn sống trong đói nghèo, nhặt từng hạt cơm rơi, khao khát từng trang sách để thoát khỏi đời dân đói nghèo lạc hậu.
Quê hương, ai dệt nên tấm thảm không màu
Trong một buổi chiều chạng vạng trên biển, chúng tôi nói về chốn nhà quê. Tôi kể chuyện cho bạn nghe chuyến đi Quảng Nam, về Quế Sơn, lần đầu tiên được ăn tô mì Quảng – mì xứ Quảng. Từ sáng sớm, chị dâu bạn tôi đã đem nồi gạo ngâm từ đêm hôm qua đi xay bột, về tráng bánh và xắt sợi. Đợi chúng tôi về, chị bắt con gà tre, làm sạch, chặt nhỏ và xào với củ nén, dầu phộng. Người mẹ già ra vườn sau nhà hái rau và mang về một cái bắp chuối. Chúng tôi ra bếp tìm việc phụ, bà nói con rửa rau đi. Mùi rau thơm thoang thoảng quyện với mùi gà xào củ nén dậy trong chút gió trưa hiếm hoi khiến tôi ngây ngất. Rồi khi ngồi vào bàn, từng miếng mì trắng tinh khiết được thả và cái bát, múc thêm muỗng thịt gà, rắc đậu phộng và bỏ rau vô. Tôi đã không kìm giữ được lịch sự mà vô phép ăn đến… năm tô.
Buổi chiều, em trai của bạn chở tôi ra bến xe. Tôi hỏi em: “Quê hương thanh bình như vầy, sao em lại bỏ vợ con vô thành phố kiếm sống, thanh niên ở đây cũng thế, chị thấy làng quê hình như toàn người già và trẻ con, nếu có phụ nữ thì họ cũng đang có con nhỏ, không gởi cha mẹ được” – “Chị ơi, nhìn vậy thôi chứ ở quê khổ lắm, lấy gì mà ăn. Một năm cày ruộng vừa đủ nấu cơm, nhưng gặp bão lũ thì đói và bệnh đổ xuống cha mẹ già, con thơ dại. Bọn em nhớ quê lắm nhưng vẫn phải đi kiếm sống, ở lại thì chết cả nhà chị ơi”.
Tôi bặm môi để ngăn giọt nước mắt. Bữa mì ban trưa ngon như vậy bỗng để lại dư vị mặn chát. Tôi đã ăn những gì ngon nhất người nhà quê có để đãi khách thành thị, mà không biết rằng đó là những gì họ cất giữ, để dành cho những lúc đói. Tôi thấy mình thật vô tâm.
Làng nghề sống bằng gì
Chuyến đi mới đây về Phong Điền, Cần Thơ. Tôi đi dạo quanh cả một vòng làng, chỉ gặp một bà cụ già ngồi xe lăn với đứa trẻ lên tám, chín tuổi gì đó. Em cười rồi nghi ngại nhìn, tôi hỏi cha mẹ em đâu. Bà cụ trả lời: “Cha mẹ nó lên thành phố kiếm sống, gởi con cho bà giữ” – “Nó có đi học không bà?” – “Có chớ, nhưng bữa học bữa nghỉ, bữa nào bà bịnh, nó ở nhà với bà”.
Anh nhà báo chỉ đường cho tôi đến Cái Răng gặp bà Hai đan giỏ lùng đẹp nhứt xứ này. Nói là đẹp nhứt vì bà làm nghề đan hơn 60 năm. Tính đến 2018 thì bà đã tám mươi sáu. Đan những cái giỏ đẹp và đầy tinh xảo suốt hơn một đời người, sanh bốn đứa con, nhưng chỉ có một đứa con gái duy nhất ở cùng bà trong căn nhà chật hẹp, phía trước là phòng đan giỏ, phía sau là chỗ để đủ kê giường cho bà nằm và miếng đất sau nhà làm nhà vệ sinh lộ thiên với bếp nấu. Hôm tôi đến thăm, thấy cô con gái thứ hai đưa cháu ngoại về, bà cháu bịn rịn. Thằng cháu trai khoảng chín, mười tuổi, nói: “Bà ngoại khoẻ nha, bà ngoại đừng khóc nữa sao con đi. Tết con về thăm bà ngoại!” – “Tụi nó sống ở trên thành phố, không chịu ở đây. Lần nào về tụi nó cũng cho tiền bà. Nhưng bà đâu có cần, bà muốn tụi nó ở gần cho có con có cháu”.
Ai giữ nhà quê để làm gì
Suốt dọc đường tôi kể chuyện, người bạn chỉ lắng nghe. Rồi tôi bỗng bức xúc: “Giờ làng quê mất dần rồi, không ai còn giữ nghề nữa. Làng mạc cũng bị phá, đất ruộng, bụi tre cũng đã biến mất để cho nhà cao tầng. Có lần đi lên Hoà Bình, ở đó, Hiếu Mường nói: “Bây giờ ở vùng cao không còn nhà sàn nữa, người ta xây nhà để ở. Đó là nhu cầu của họ, mình giữ làm sao được?”. Rồi bữa trước về lại Cần Thơ đi tìm chợ nổi trên bến sông, cũng không còn vì đã xây cầu, đâu có ai cần đi ghe. Nghe nói sở Du lịch có thuê người đi ghe chất đồ lên làm kiểng để cho khách chụp hình. Kỳ quá! Làm sao để giữ cái nhà quê lại hả anh?”. Bỗng bạn tôi nổi giận: “Tôi cầu cho mất luôn đi!”.
Nghe bạn nói, tôi lặng đi và bỗng dưng khóc tức tưởi. “Sao anh lại nói vậy?”
“Em có biết người dân quê khổ lắm không? Em là ai mà nhìn quê nhà để là nơi trở về thưởng thức phong cảnh hữu tình, em có biết người ở quê luôn muốn rời bỏ quê nghèo mà đi. Cực chẳng đã mới phải ở lại vì không còn có sức.
Em nói rằng giữ làng quê, giữ làng nghề, giữ ruộng… em có cho họ ăn được bữa cơm đủ hàng ngày, có cho họ căn nhà yên ấm hay đến mùa bão lũ khóc hết nước mắt vì nước cuốn trôi cả đồng ruộng: không nhà cửa, đói nghèo và trâu bò trôi lũ, em nghĩ họ sống ra sao mà nói họ ở lại giữ làng, giữ bụi tre, giữ ruộng?
Em nói họ giữ làng nghề. Em bắt họ quanh năm còng lưng đan giỏ tre với chổi, làm nhang thờ với chiếu… sống chật vật đến cái nhà cho ra nhà còn không có, mùa mưa tiếng rơi trên mái tôn to hơn cả bom thúc… họ sống ra sao?
Em nói rằng làng quê đẹp lắm sao người ta nỡ bỏ đi? Em sống trong nhà cao cửa rộng, đô thị sáng đèn với đầy đủ tiện nghi vật chất lẫn tinh thần, em nói họ ở quê đến đêm coi ti vi những chương trình hài rẻ tiền, chọc cười với lời lẽ thô tục, em gọi đó là đời sống tinh thần của họ ư? Em gọi nghe tiếng ếch nhái là đời sống tinh thần của họ ư? Em gọi những bữa nhậu từ chiều tối thâu đêm rồi ngủ quên cho hết một ngày là đời sống tinh thần của họ ư? Em gọi những thi thoảng có đoàn hát về dựng rạp gọi ra đầy những cái tên ngôi sao này nọ, để rồi cuối cùng chỉ là một chương trình hơn “sơn đông mãi võ” một chút là đời sống tinh thần ư?
Em nói con họ phải đi học trường làng, không có nổi một hiệu sách ở làng, một rạp chiếu phim… những đứa trẻ lớn lên bằng gì. Em hãy trả lời tôi: Tại sao người ta luôn có tâm thức bỏ quê mà đi? Em có biết khi người ta quá đủ đầy, người ta không hiểu đến nỗi khổ thực sự của những người có đời sống đói khát và thèm muốn, nhạt nhẽo, buồn tẻ để đến nỗi chỉ cần chút rượu giải sầu cho khuây khoả kiếp người, em có gọi như thế là sống không?”.
Nhà quê
Xin chỉ thuật lại câu chuyện, như một kỷ niệm, để sau này, nếu nhà quê chỉ còn trong ký ức, thì đó không phải là lỗi của những người nhà quê mà có khi chính là của chúng ta, những kẻ luôn đòi sống xa hoa mà cứ muốn giữ họ ở lại trong nghèo đói, để rồi trở về, hoan hỉ xuýt xoa khen bờ đê đẹp, hoa trái đầy cành mà chẳng cần biết họ sẽ sống ra sao với cái nhà quê mãi với đụn rơm khô.
Có lẽ, chính những người sống ở đô thị cũng từ nông thôn mà ra, phải biết nơi đó đang cần gì. Không chỉ có “cầu đường trường chợ”, mà chính là văn hoá – giáo dục. Thời đại công nghiệp 4.0 cả nước hô hào, mà người nông dân không bắt đầu bằng sự học, e rằng “công nghiệp hoá – hiện đại hoá” sẽ không có lối thoát cho người nông dân.
– Theo Ngân Hà / TGTT