Những tưởng dân chứng khoán đã “mất Tết” nhưng rồi như chưa có chuyện gì xảy ra, trong 2 phiên giao dịch trước kỳ nghỉ Tết, VN-Index tăng lần lượt 37,85 điểm và 17,94 điểm.
Trong nhiều năm trở lại đây, đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hẳn không có cái Tết nào “đau tim” như tết Mậu Tuất 2018.
Cuối tháng 1, đầu tháng 2/2018, thị trường chứng khoán vẫn bừng bừng khí thế hướng tới mốc 1.170 điểm cao nhất lịch sử của VN-Index. Nhưng chỉ trong 2 phiên giao dịch ngày 05/02 và 06/02, bảng điện tử đã hoảng loạn chìm trong trạng thái “trắng bên mua” khiến nhiều người thậm chí mất đi thành quả của cả năm.
Mới trước đó, những cổ phiếu dầu khí, ngân hàng, chứng khoán… còn được săn đón, tranh mua thì chỉ vài giờ sau, nhà đầu tư dốc hết sức bán bằng sạch.
Đợt lao dốc này của thị trường được lý giải bởi nhiều yếu tố cộng hưởng. Do các chỉ số chứng khoán Việt Nam đã tăng quá nhanh, quá mạnh và hàng loạt cổ phiếu đã tăng gấp đôi chỉ trong 3 tháng trong khi kết quả kinh doanh không có sự tăng trưởng tương xứng. Do thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt sụt giảm trước mối lo ngại về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất cao hơn và đều đặn hơn những gì mà thị trường mong đợi, khi mà sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đang cải thiện rõ nét.
Đặc biệt, nhà đầu tư cũng cho rằng chính sách tăng tỷ lệ ký quỹ chứng khoán của Ủy ban chứng khoán – dự kiến thực hiện ngay đầu tháng 3/2018 – đã khiến cho các cổ phiếu đang có tỷ lệ ký quỹ 50% (các cổ phiếu vốn hóa lớn) bị buộc phải bán ra để giảm tỷ lệ cho vay margin. “Siết margin” luôn là cụm từ gây hoảng sợ đối với thị trường chứng khoán Việt Nam và lần này cũng không ngoại lệ.
Khởi động cho cuộc lao dốc này là nhóm cổ phiếu dầu khí, nhóm đã dẫn sóng đợt tăng trước đó. Với nhận định giá dầu đã tạo đáy trong năm 2017 và kỳ vọng về triển vọng tăng trưởng của nhiên liệu này trong năm 2018, nhóm cổ phiếu dầu khí được dẫn dắt bởi PVD, PVS và GAS đã tăng trưởng ấn tượng trong khoảng 3 tháng. Cổ phiếu PVD, PVS đều tăng gấp đôi. GAS gia nhập câu lạc bộ thị giá 100.000 đồng và vươn lên đỉnh ở mức giá 130.000 đồng.
Cái kết của quá trình tăng nóng đó là việc PVD và PVS đồng thời xuất hiện áp lực chốt lời mạnh với các lệnh bán lớn tại vùng giá 29.000 – 31.000 đồng cùng thanh khoản cực lớn trong ngày 31/01/2018 và 01/02/2018. Sau đó, do áp lực thoát hàng vẫn rất mạnh, nhóm cổ phiếu này đã giảm mạnh theo sự đi xuống của thị trường chứng khoán nói chung.
Những tưởng dân chứng khoán đã “mất Tết” nhưng rồi như chưa có chuyện gì xảy ra, trong 2 phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết, VN-Index tăng lần lượt 37,85 điểm và 17,94 điểm. Những nhà đầu tư “lì lợm” hoặc không bán được cổ phiếu trong phiên giảm sàn trước đó, bỗng trở thành người may mắn khi tài khoản hồi phục đáng kể.
Với những nhà đầu tư đã can đảm bắt đáy thì thành quả sẽ ngọt ngào hơn. Nhiều nhà đầu tư chứng khoán vẫn có một cái Tết ấm no còn VN-Index vẫn bảo toàn mốc 1.000 điểm.
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán VPBank (VPBS), đà tăng của thị trường hiện tại dựa trên nền tảng cơ bản nhất là sự tăng trưởng kinh tế bền vững hơn nhờ đóng góp từ công nghiệp chế biến, chế tạo; các yếu tố vĩ mô được quản lý, điều hành tốt hơn đưa tới sự ổn định về mặt vĩ mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý ở mức vừa phải và chuyển dịch tốt vào các lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế; cấu trúc thị trường lành mạnh hơn và dòng tiền nội cũng tăng trưởng vượt bậc cả về lượng và chất trong hơn 10 năm qua.
Thêm vào đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiến rất gần đến mục tiêu nâng hạng thị trường, điều này đã thu hút dòng vốn ngoại liên tục đổ vào thị trường. Đây là một yếu tố rất thuận lợi cho sự tăng trưởng trong năm 2018.
Quan điểm chung của nhiều chuyên gia phân tích là thị trường chứng khoán năm 2018 vẫn thu hút dòng vốn nội và ngoại với cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành có nền tảng tài chính tốt và tiềm năng tăng trưởng cao theo làn sóng IPO và thoái vốn của Nhà nước.
– Theo Minh An / TheLEADER