Cuối năm 2012, tin đồn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã phát hiện hai người dân bị suy thận do nhiễm virus Hanta từ vết chuột cắn khiến nhiều người lo ngại. Sau đó, Viện Pasteur TP.HCM đã lấy 25 mẫu chuột cống và chuột nhắt (bắt ngẫu nhiên) ở khu vực gần nhà một trong hai bệnh nhân nhiễm virus Hanta nói trên để kiểm tra. Kết quả có đến ba con chuột mang loại virus này.
Theo người đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, trước đây đã có một bệnh nhân bị viêm màng não do ăn ốc bươu nhiễm ký sinh trùng từ phân chuột. Loài chuột sinh sôi rất nhanh cảở nội thành và ngoại thành và phá phách mạnh. Đã có vài chục trường hợp bị chuột cắn phải đến Viện Pasteur tiêm ngừa mỗi tháng. Vậy họ có nguy cơ bị nhiễm virus Hanta không? Chuột cắn có thể khiến chúng ta bị bệnh gì nữa?
Rất ít người nhiễm virus Hanta do chuột cắn
Trên thực tế, theo GS Trần Tịnh Hiền – nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, thành viên nhóm nghiên cứu lâm sàng Y học nhiệt đới OUCRU (thuộc Đại học Oxford của Anh), virus Hanta tìm thấy chủ yếu trong nước tiểu và phân của các loài gặm nhấm nói chung, nhiều nhất là ở chuột. Vì vậy, trường hợp bị nhiễm virus Hanta do bị chuột cắn cũng có, nhưng rất hiếm. Người bị nhiễm virus Hanta chủ yếu là do tiếp xúc với vật dụng hoặc ăn thức ăn nhiễm nước bọt, nước tiểu, phân của chuột. Những người sống gần ổ sóc, chuột… hoặc thường xuyên làm vệ sinh những căn phòng bỏ hoang lâu ngày cũng dễ bị nhiễm virus Hanta do hít phải không khí chứa virus này. Điều may mắn là loại virus này không lây từ người sang người.
Virus Hanta đã được y học thế giới phát hiện từ rất lâu. Trong chiến tranh Triều Tiên (1951-1953) đã có hàng trăm ngàn người lính bị mắc chứng bệnh sốt xuất huyết Hàn Quốc (Korea Hemorrhagic Fever). Đến năm 1978, bác sĩ Ho Wang Lee và cộng sự đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh là virus Hanta. Sau này virus Hanta được gọi là virus sốt xuất huyết với hội chứng thận (Hemorrhagic Fever with Renal Syndrome – HFRS), ký sinh trên chuột có sọc Apodermus agrarius, sống phổ biến ở Trung Quốc, Hàn Quốc, vùng Viễn Đông của Nga và bán đảo Balcan. Tỷ lệ tử vong do virus Hanta gây suy thận trong chiến tranh Triều Tiên là 10 – 15%, hiện nay chỉ còn 5 – 7%.
Sau khi bị nhiễm virus Hanta khoảng hai đến bốn tuần, bệnh nhân mới bắt đầu có triệu chứng sốt, lạnh run hay bị đau đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ bắp ở đùi, hông, lưng và vai. Tiếp đó, bệnh nhân bị sốt cao, đồng thời bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Khi sốt giảm, khoảng 50% bệnh nhân bị giảm huyết áp hoặc có triệu chứng sốc rõ rệt (máu bị cô đặc), dẫn đến suy thận với các triệu chứng nôn ói nhiều, tiểu ít, các chất thải tăng trong máu.
Ngoài ra, virus Hanta còn có thể gây hội chứng phổi cũng nguy hiểm không kém bệnh suy thận. Năm 1993, một nạn dịch bùng phát ở New Mexico và Arizona (thuộc vùng Tây Nam Hoa Kỳ) với những triệu chứng tương tự như sốt xuất huyết, nhưng có thêm các biến chứng ở tim và phổi (tim đập nhanh, thở nhanh và tình trạng sốc), tỷ lệ tử vong lên đến 60%. Trường Đại học New Mexico sau đó đã tìm ra bệnh lý có tên gọi hội chứng phổi do Hantavirus (HPS) và trung gian truyền bệnh là loài chuột nai.
Đối với hội chứng phổi do virus Hanta, các triệu chứng ban đầu thường là sốt, lạnh run, hay bị đau đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ bắp ở đùi, hông, lưng và vai. Sau ít nhất là hai ngày, nhiều nhất là mười hai ngày, bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng ho, khó thở, ngộp (có cảm giác như bị ai bịt mũi hay chèn cứng ngực). Cuối cùng, bệnh nhân bị phù phổi cấp (phổi ngập nước), suy tim cấp, có nguy cơ tử vong.
Ngoài virus Hanta, chuột có thể lan truyền 35 bệnh khác nhau. Có những bệnh truyền trực tiếp qua người do tiếp xúc với chất thải chuột (nước bọt, nước tiểu, phân). Chẳng hạn khi bị chuột cắn, cơ thể người có thể bị nhiễm vi khuẩn Streptobacillus monoliformis nên bị sốt. Người tiếp xúc hoặc ăn uống thức ăn bị nhiễm nước tiểu, phân của chuột có thể bị nhiễm vi khuẩn Leptospira, hậu quả bị mắc bệnh xoắn trùng. Bệnh này thường không có triệu chứng đặc trưng, thường người bệnh chỉ bị sốt, nhưng cũng có khi bị biến chứng viêm màng não, suy thận cấp, vàng da suy gan nặng và gây tử vong. Trường hợp bị viêm màng não được phát hiện trước đây là do virus LCM (Lymphocytic Chorio – Meningitis) từ nước tiểu, phân chuột. Triệu chứng của bệnh là sốt, nhức đầu, nôn ói, cứng cổ… Tuy nhiên, chúng ta không nên quá lo lắng vì tỷ lệ tử vong do bệnh là rất thấp (dưới 1%), đôi khi bệnh có thể tự khỏi. Có những bệnh lây truyền gián tiếp qua các loài côn trùng (bọ chét, rận…) như bệnh typhus chuột gây sốt cao do nhiễm virus Rickettsia typhi khi bị bọ chét cắn.
Trường hợp ăn thịt chuột thì nguy cơ nhiễm bệnh từ thức ăn này cũng thấp vì thịt đã được nấu chín. Đối tượng có nguy cơ cao là những người săn bắt, giết mổ và chế biến thịt chuột.
Diệt và xử lý xác chuột đúng cách để tránh bị nhiễm bệnh
Theo GS Trần Tịnh Hiền, không phải con chuột nào cũng gây bệnh khi cắn người nên nếu chẳng may bị chuột cắn thì trước tiên chúng ta cần rửa sạch vết thương bằng xà phòng, cầm máu ngay, sau đó băng bó bằng băng hoặc vải sạch (có thể bôi chút thuốc kháng sinh).
Các bệnh có liên quan đến chuột thường có thời gian ủ bệnh lâu nên người bị chuột cắn cần theo dõi các triệu chứng sưng đỏ, nóng sốt, đau từ một đến hai tuần. Nếu có triệu chứng bất thường như sốt cao, xuất huyết da… thì mới cần tìm đến bác sĩ.
Khi bị chuột cắn, việc tiêm ngừa uốn ván là rất cần thiết vì vết cắn cũng là một vết thương bẩn. Rất hiếm khi chuột truyền bệnh dại, vì vậy tiêm ngừa dại khi bị chuột cắn là không cần thiết.
Khi tiếp xúc với chuột chết, chúng ta có thể mắc nhiều bệnh nguy hiểm, nhất là bệnh dịch hạch. Dịch hạch không lây trực tiếp từ chuột mà do bọ chét mang vi khuẩn từ chuột bị nhiễm Yersinia pestis truyền qua người, nhất là sau khi chuột chết mang bệnh. Triệu chứng của bệnh là sốt cao, nổi hạch ở bẹn gây sưng đỏ, đau nhức…, sau đó có thể biến chứng phổi (viêm phổi, suy hô hấp cấp) hay viêm màng não, tỷ lệ tử vong cao. Do đó, khi muốn diệt chuột cũng như làm vệ sinh khu vực có chuột sinh sống thì cần thực hiện đúng phương pháp để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
Để diệt chuột an toàn, cần bịt kín các đường chuột ra vào rồi đặt bẫy trong khoảng một tuần. Bẫy hết chuột rồi thì không làm vệ sinh khu vực đó ngay, mà cần mở cửa cho thông thoáng và phun thuốc sát khuẩn hay nước Javel pha loãng (theo tỷ lệ 1:10). Đợi khoảng 30 phút mới bắt đầu làm vệ sinh phòng ốc. Nên sử dụng găng tay cao su và máy hút bụi.
Xác chuột thu lượm được cần ngâm vào dung dịch sát khuẩn trong khoảng năm phút rồi bỏ vào hai lớp túi nylon, mỗi túi đều được cột kỹ rồi mới bỏ vào thùng rác.
Để phòng tránh bệnh từ chuột và các loài gặm nhấm khác, tốt nhất là tránh tiếp xúc với chúng và không nên vào những nơi chúng thường trú ngụ như phòng ốc, kho bãi bỏ hoang lâu ngày mà không mang đồ bảo hộ lao động. Thức ăn thừa nên đậy kín hoặc đổ bỏ vào thùng rác, không nên để thức ăn lưu cữu nhiều ngày. Không ăn thức ăn có nghi vấn đã bị chuột tiếp xúc, không uống nước trực tiếp từ nguồn nước ở những bồn chứa lớn của nhà máy, xí nghiệp. Nên rửa tay sau khi làm việc, tránh dùng tay bốc thức ăn và hạn chế đưa tay ngoáy mũi, chọc miệng. Tuyệt đối không vứt xác chuột bừa bãi ở gần khu vực dân cư sinh sống.