Những ngày chớm hè trời phương Nam đã thật nóng bức.Với nhiều người, không gì “đã” cho bằng được thưởng thức một ly kem lạnh giữa trưa nắng đổ lửa. Món kem ở đất Sài Gòn hiện rất phong phú, có đủ loại đủ kiểu cho khách chọn lựa, nhưng ở nhiều nơi trên hành tinh của chúng ta còn có những ly kem rất lạ…
Kem hương trầm ở Salalah, Oman
Vào thế kỷ XXI điển hình của sự giao thoa Đông – Tây, doanh nhân người Mỹ Trygve Harris đã mau chóng trở thành nhân vật tiếng tăm ở xứ Dhofar của tiểu vương quốc Oman, nhờ đã sáng chế đầu tiên trên thế giới món kem hương trầm tuyệt hảo. Năm nay 48 tuổi, Harris đã chuyển đến sống ở Salalah, thành phố cảng của Dhofar năm năm trước để khai thác hương liệu thiên nhiên cho Công ty dầu tinh luyện Enfleurage của bà ở Manhattan (New York).
Hộp kem hương trầm ở Oman trông giản dị như nhiều loại kem thông thường nhưng được chế biến theo một quy trình thủ công đặc biệt
Ở Dhofar, Harris là khách hàng hâm mộ loại sữa nguyên kem được sản xuất từ một trang trại bò sữa của tiểu vương Sultan Qaboos bin Said al Said. Một ngày nọ, để thử nghiệm bà đã cho “ngâm” sữa vào tinh dầu được chưng cất từ nhựa cây tràm trồng ở gần bờ biển Mugsayl, để cho thành phẩm là một loại chất lỏng có hương thơm như cam. Từ chất nhựa đó, bà làm kem hương trầm độc đáo, chỉ có ở Oman. Khí hậu vùng sa mạc nóng như thiêu càng khiến món kem hương trầm trở thành thứ giải khát không gì sánh bằng (trong khi xứ Hồi giáo Oman lại cấm uống… bia).
Từ tháng Sáu cho tới tháng Chín hằng năm, cư dân cũng như du khách ở Salalah phải xếp hàng trước cửa hàng kem thủ công của bà Harris khu chợ Hafah, chợ bán kem hương trầm lớn nhất ở Oman cũng là cửa hàng lớn nhất trong chuỗi cửa hàng kem hương trầm ở các nước Ả Rập.
Kem patbingsu ở Seoul
Kem patbingsu – món tráng miệng mùa hè được ưa thích ở Hàn Quốc được làm như sau: người ta lót bên dưới một lớp đá bào, bên trên là (chè) đậu đỏ, trái cây tươi, kem lạnh và cereal (bánh ngũ cốc). Tuy nhiên, có rất nhiều biến thể của patbingsu tùy theo người pha chế. Như tại hệ thống cửa hàng ăn nhanh Lotteria thì kem patbingsu có thêm hạt bí đỏ rang, dứa xắt miếng nhỏ và những mảnh nhỏ li ti của bánh gạo nếp tteok truyền thống Hàn Quốc. Còn ở nhà hàng của Khách sạn Park Hyatt Seoul, đầu bếp lại dùng sô-cô-la đen dạng lỏng và những lát cam tẩm đường phèn trông rất đẹp mắt. Các quán cà phê cũng có kem patbingsu chế biến riêng, thường là với trà xanh hay cà phê.
Kem patbingsu thông thường…
…và kem patbingsu của Khách sạn Park Hyatt Seoul
Mỗi muỗng kem patbingsu đem lại sự khoái khẩu tổng hợp: dẻo, giòn, mịn, và khi lớp đá bào bên dưới tan chảy thì ly kem trở thành một thứ đồ uống ngon ngọt, lạnh buốt. Ở Hàn Quốc, từ trẻ nít tới người già đều khoái kem patbingsu, nhất là vào mùa hè – từ tháng Năm tới tháng Chín hằng năm.Còn các đôi lứa đang yêu thì khỏi nói: một ly kem với hai chiếc muỗng để ăn chung, một thời khắc thật lãng mạn!
Kem dầu olive ở Tuscany
Dầu olive, phó mát, trái cây theo mùa và nho là những thức ăn ngon của vùng Tuscany (Ý), sao không thử đưa chúng vào kem? Đó là ý tưởng của Ignazio Morviducci, người vừa mở cửa hàng kem Gelateria Toscana ở thành phố Pienza năm ngoái. “Hẳn là chúng ta đã có những hương vị truyền thống như sô-cô-la và trái phỉ (hazelnut) trong món kem lạnh, thế nhưng tôi vẫn muốn nêu bật những thứ gần gũi hơn với người dân vùng này”. Và như thế món kem của ông ta có những hương vị khác thường: một dạng khác của dầu olive, một chút phó mát cừu pecorino, một ít miếng lê và ít vụn bánh tráng miệng panaforte quen thuộc của vùng Siena.
Kem dầu olive vùng Tuscany
Sữa để làm kem Gelateria Toscana được mua từ các trang trại ở vùng biển Maremma của xứ Tuscany vốn nổi tiếng với giống bò trắng lông mượt cho sữa chất lượng cao. Dầu olive thì từ trang trại của chính Ignazio Morviducci, còn phó mát pecorino từ một trang trại nổi tiếng ở Pienza. Nhưng có lẽ chỉ người Ý vùng Tuscany mới khoái món kem olive này!
Kem mứt mật ong trộn mè ở Tel Aviv
Loại mứt mật ong trộn mè (halva) rất thông dụng ở vùng Trung Đông được chế biến từ hạt mè trộn với một hỗn hợp đường hoặc mật ong; đôi khi có thêm một lớp sô-cô-la phủ lên trên, rồi hạt pistach hoặc có thể là cà phê.
Kem mứt mật ong trộn mè ở Tel Aviv
Mứt halva ăn với kem lạnh là một sáng kiến của chuỗi cửa hàng kem Vaniglia ở thủ đô của Israel, và người bán còn cho thêm vào ly kem một ít mật ong nguyên chất nữa.
Kem spaghetti ở Đức
Spaghettieis là tên gọi loại kem spaghetti ở Đức, món giải khát căn bản vào mùa hè ở hầu hết các thành phố nước này. Nó có tên như vậy bởi kem vani khi qua máy trở thành những sợi dài trong ly kem rất hấp dẫn, trông như món mì Ý spaghetti, thêm vào đó là sắc đỏ của dâu hay phúc bồn tử và trên cùng là một ít phó mát Parmesan được bào mỏng, sô-cô-la trắng hay sợi dừa nạo. Dario Fontenella, nhà làm kem người Ý đã sáng chế ra loại kem mê hoặc thiếu nhi này vào năm 1969 ở thành phố Mannheim (bang Baden-Württemberg) nhưng chẳng hề đăng ký bản quyền phát minh, do vậy nó có mặt hầu nhưở khắp nơi trên đất nước Đức.
Trẻ em Đức rất thích kem spaghettieis
Kem bia tươi ở Singapore
Tại cửa hàng bán kem và bơ sữa Island Creamery ở đảo quốc Singapore, dân ghiền kem xếp hàng rồng rắn để thưởng thức món kem lạnh, giống như khi họ chờ để mua sầu riêng nhãn hiệu Horlicks. Nhưng với những người khoái bia lạnh thì Island Creamery còn có một loại kem riêng của họ: kem trái cây với bia tươi Tiger.
Kem teh tarik có hương vị trà ở Singapore
Kem bia Tiger là sáng chế của Stanley Kwok, người coi bia tươi Tiger là thứ giải khát hàng đầu. Stanley đã phải thử nghiệm đến 12 lần mới hoàn thiện được món kem bia tươi nay đã rất thông dụng ở Singapore. Bọt bia khiến kem trở nên… hưảo đồng thời làm kem lâu tan chảy hơn bất kỳ chất lỏng nào khác. Để có một ly kem bia tươi Tiger ngon lành nhất, vừa có mùi thơm của chanh vừa có hương hublông, bạn phải bỏ ra 2,8 đôla Singapore!
Nếu không chịu được chất cồn trong kem bia, bạn có một chọn lựa khác cũng đặc biệt chẳng kém: kem teh tarik vốn được làm theo công thức của những người gốc Ấn Độ – Mã Lai bản xứ. Thay vì bọt bia thì kem có một lớp bọt từ trà pha đậm sủi bọt và hương trà thay cho hương hublông, lại tốt cho răng nữa!
Thu Thảo