Áp lực bán mạnh tiếp tục diễn ra khiến VN-Index lao dốc ngay đầu phiên, xuống vùng 1.015 điểm. Tuy nhiên, trong hai lần VN-Index về vùng điểm này, lực cầu bắt đáy tại một số mã lớn xuất hiện, giúp hãm đà rơi của thị trường.
Trong phiên sáng hôm qua, diễn biến lình xình tiếp tục được duy trì khi tâm lý thận trọng của nhà đầu tư dâng cao. Dòng tiền không quá mạnh, trong khi lực cung cũng cầm chừng. Giao dịch chỉ tích cực hơn về cuối phiên do cầu bắt đáy hoạt động.
Bước vào phiên chiều, đột biến đã diễn ra khi lực bán tháo một lần nữa lập lại, đẩy VN-Index lao dốc. Dù hãm đà giảm trong đợt ATC, nhưng VN-Index vẫn không thể lên lại được mốc 1.030 điểm, đóng cửa mất hơn 28 điểm.
Theo SHS, những phiên giảm gần đây khối lượng khớp lệnh luôn lớn hơn những phiên tăng và đây thường là biểu hiện tiêu cực của thị trường chung.
Theo đó, đợt hồi phục kỹ thuật từ đầu tuần đến giờ có khả năng đã kết thúc để bước vào một nhịp hiệu chỉnh mới với kịch bản có thể là mô hình 2 đáy trên VN-Index.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (11-5), tâm lý bán tháo ngày hôm qua chưa được xua tan, áp lực bán mạnh tái diễn ngay khi mở cửa, VN-Index giảm xuống dưới 1.016 điểm, với sắc đỏ chiếm ưu thế lớn trên bảng điện tử.
Sau đó, lực cầu bắt đáy đã trở lại, nhất là với một số mã lớn, giúp chỉ số dần hồi phục, leo lên sát tham chiếu.
Nhưng tại đây, lực cầu lại tỏ ra dè dặt trở lại, khiến VN-Index không thể vượt qua tham chiếu mà lình xình dưới ngưỡng này với thanh khoản thấp. Đây là dấu hiệu khá nguy hiểm, bởi chỉ cần lực cung gia tăng trở lại, có thể ép các chỉ số lao dốc.
Sau nhịp rung lắc dưới tham chiếu, VN-Index bất ngờ đổ dốc, lao thẳng xuống dưới ngưỡng 1.015 điểm khi áp lực bán gia tăng đột ngột.
Tuy nhiên, ngay khi thủng mốc này, chỉ số đã dần phục hồi, nhưng chỉ hơn 20 phút cuối phiên là không đủ, khi tín hiệu thanh khoản vẫn suy giảm và dữ liệu hỗ trợ thị trường gần như không có.
Kết thúc phiên sáng, sàn HOSE có 77 mã tăng và 167 mã giảm, VN-Index giảm 5,78 điểm (-0,56%), xuống 1.023,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 70 triệu đơn vị, giá trị 2.124,38 tỷ đồng, giảm 36% về khối lượng và 32% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 4,64 triệu đơn vị, giá trị 267 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn phân hóa, với chỉ 4 mã tăng là VIC +1% lên 121.700 đồng; CTG +1,4% lên 28.400 đồng; VRE tăng 1,1% lên 45.600 đồng; GAS +0,5% lên 105.500 đồng, cùng SAB đứng tham chiếu tại 234.000 đồng.
Các mã còn lại giảm với VNM -0,83% xuống; MSN -0,5% xuống 93.500 đồng; VJC -2,4% xuống 187.500 đồng; BID -0,2% xuống 32.650 đồng; VCB -2,3% xuống 55.200 đồng, khớp 2,36 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp chuỗi điều chỉnh, ngoài CTG đi ngược thì VPB giảm 0,8% xuông 49.600 đồng; MBB giảm 0,8% xuống 29.300 đồng; STB giảm 0,8% xuống 12.800 đồng; HDB giảm 1% xuống 39.600 đồng; TPB giảm 2,4% xuống 28.800 đồng.
Khớp lệnh nhóm ngân hàng cao nhất là CTG với hơn 4,36 triệu đơn vị; STB có hơn 2,43 triệu đơn vị; VCB có 2,36 triệu đơn vị; MBB và VPB có hơn 1,6 triệu đơn vị…
Nhóm VN30 chỉ có 8 mã tăng, ngoài VIC, GAS, CTG thì còn lại CTD, FPT, MWG, DPM, GMD, nhưng mức tăng cũng chỉ dưới 1%, trừ CTD +1,3% lên 144.000 đồng.
Ngược lại, giảm điểm lại khá mạnh ngoài VJC còn có ROS -4,9% xuống 77.900 đồng; BVH -2,9% xuống 92.600 đồng; NVL -2,5% xuống 54.600 đồng…
Khớp lệnh cao nhất nhóm là SBT với gần 7 triệu đơn vị và cũng cao nhất HOSE, chốt phiên giảm 0,9% xuống 17.100 đồng.
Nhóm cổ phiếu tăng điểm khác trên thị trường chỉ còn lác đác vài mã như HHS, SCR, AMD, FMC…trong đó, HHS có 2,75 triệu đơn khớp lệnh; SCR có 1,83 triệu đơn vị; AMD và FMC trên dưới 300.000 đơn vị…còn lại đều giảm hoặc đứng tham chiếu (FLC, IDI, ASM, DLG, OGC).
Một số mã giảm điểm đáng chú ý là VND, khi mở cửa tiếp tục giảm xuống mức sàn, nhưng đã được kéo lên đôi chút, nhưng chốt phiên sáng vẫn mất 4,9% xuống 22.500 đồng.
Ngoài ra còn có, VHC giảm 5,3% xuống 52.000 đồng; BHN giảm 4,5% xuống 100.300 đồng; AST giảm 3,9% xuống 68.200 đồng…
Trên sàn HNX, diễn biến cũng thiếu tích cực, khi chỉ số HNX-Index chỉ duy nhất có một nhịp chớm xanh, còn lại đều bị sắc đỏ chi phối, với hầu hết các cổ phiếu chi phối đều giảm điểm.
Trong đó, SHB giảm 0,9% xuống 10.500 đồng, khớp hơn 3,82 triệu đơn vị; ACB giảm 0,5% xuống 42.200 đồng, khớp 2,33 triệu đơn vị; PVS giảm 0,5% xuống 18.500 đồng, khớp 1,1 triệu đơn vị; VGC giảm 0,4% xuống 24.000 đồng; CEO giảm 3,5% xuống 13.900 đồng; VCS giảm 2,4% xuống 109.800 đồng.
Cùng với nhiều nhỏ giảm sàn là BII, DCS, NHP, DPS, KSK, SGO… trong đó, BII bất ngờ có thanh khoản đột biến với hơn 3,4 triệu đơn vị khớp lệnh.
Tăng điểm chỉ còn ở HUT +1,4% lên 7.200 đồng, khớp hơn 767.000 đơn vị, và mã nhỏ DST tăng lên 4.800 đồng, khớp 1,26 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 32 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index giảm 0,76 điểm (-0,63%), xuống 120,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,38 triệu đơn vị, giá trị 290,73 tỷ đồng, giảm nhẹ cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 305.000 đơn vị, giá trị 4,35 tỷ đồng.
Trên sàn UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng không thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ thị trưởng chung, với hơn 20 mã thanh khoản tốt nhất chỉ có 2 mã tăng, còn lại đều giảm.
Trong đó, BSR đứng tham chiếu 19.700 đồng, khớp hơn 1,5 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản UpCoM.
Nhóm còn lại như LPB, POW, ART, OIL, VGT, HVN, QNS, DVN…đều mang sắc đỏ, khớp lệnh từ trên dưới 100.000 đến gần 800.000 đơn vị,
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,39 điểm (-0,69%), xuống 55,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,5 triệu đơn vị, giá trị 84,21 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.
-Theo ĐTCK