Các hãng hàng không của Nga đang rất lo ngại về tình trạng chảy máu phi công sang châu Á, với thực tế là trong hơn hai năm qua, hơn 300 cơ trưởng và phi công Nga đã chuyển sang làm việc cho các hãng hàng không châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Trong số đó gần 100 người làm việc tại Trung Quốc, 400 người khác đang trong quá trình tìm việc tại thị trường này.
Theo Bộ Vận tải Nga, nguyên nhân xuất phát từ khoảng cách quá lớn về lương bổng trong bối cảnh đồng rúp Nga mất giá. Ba trăm phi công vừa nói đều dày dạn kinh nghiệm, giỏi tiếng Anh, gồm cả các cơ trưởng và cơ trưởng hướng dẫn.
Hãng VIM-Avia đã mất cùng lúc 12 cơ trưởng và buộc phải cắt giảm số chuyến bay của mình. Ngoài ra, chính các nước châu Á đã mời chào bằng những điều kiện hết sức thuận lợi cho phi công và không có hạn ngạch hạn chế số phi công nước ngoài.
Nguồn tin trong một hãng tuyển dụng nước ngoài của tờ Kommersant cho biết tình trạng chảy máu phi công từ Nga trùng lặp với thực tế suy giảm lượng hành khách và chuyến bay của Hãng hàng không Transaero vào mùa thu năm 2015, khi hơn 10.000 người xin thôi việc tại hãng.
Cũng theo nguồn tin này, Trung Quốc hấp dẫn các phi công bằng mức lương cao gấp bốn lần mức lương tại Nga, lên tới 17.000-25.000 USD/tháng, thời gian bay lại ít hơn (80 giờ so với 90 giờ/tháng tại Nga) và ít nhất 96 ngày nghỉ so với 70 ngày tại Nga.
Từ năm 2016, Trung Quốc còn đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép hành nghề cho phi công. Đối tượng thu hút chính của Trung Quốc là các cơ trưởng có số giờ bay từ 2.500 giờ trở lên.
Ngay cả hãng hàng không lớn nhất Nga là Aeroflot cũng xác nhận đang thiếu hụt phi công do tình trạng “chảy máu” sang châu Á và Trung Quốc, nơi mức lương cao ngất ngưởng đang chờ họ. Aeroflot đã tiến hành đến năm lần tăng lương nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng này.
Đa số phi công đi làm việc tại nước ngoài đều được đào tạo bằng nguồn tiền nhà nước Nga, họ không phải đóng lương hưu và bảo hiểm khác khi làm việc theo hợp đồng ngắn hạn với các hãng nước ngoài.
Hiện nay, các hãng hàng không cũng đã tự đặt ra các rào cản trong phạm vi chức trách của mình, ví dụ như từ chối xác nhận giấy phép hành nghề của phi công với các hãng nước ngoài với giải thích là để bảo vệ thông tin cá nhân.
- T.H