Một thách thức mà doanh nghiệp nào cũng gặp phải là làm thế nào để có được đội ngũ nhân viên giỏi và trung thành. Có nhiều giải pháp cho vấn đề này, trong đó phát triển nhân viên bằng nội lực của doanh nghiệp là một cách làm hay và ít tốn kém.
Một trong những hoạt động giúp cho các nhân viên phát triển tốt khả năng của họ là thực hiện chương trình cố vấn, mà các chuyên gia cố vấn chính là một số đồng nghiệp có năng lực, nhiều kinh nghiệm. Chương trình này vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, vừa là cơ hội dành cho nhân viên để làm phong phú thêm tư duy và năng lực của họ qua việc chia sẻ các thông tin, kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực mà họ muốn phát triển.
- Xem thêm: “Mentor” của tôi đâu?
Những phẩm chất cần có của nhân viên được cố vấn là:
- Luôn có ý thức tìm kiếm người cố vấn cho mình.
- Có ý tưởng rõ ràng về điều họ mong muốn nhận được và biết rõ các điểm yếu của mình.
- Luôn có tâm lý rộng mở để tiếp thu các nhận xét phản hồi về mình, tích cực lắng nghe và sẵn sàng tiếp thu những lời khuyên.
Những phẩm chất đó rất cần thiết và là nền tảng của thành công khi tham gia chương trình cố vấn. Trong khi đó, ngoài trình độ và kinh nghiệm chuyên môn, người cố vấn cũng cần có thêm những phẩm chất khác, bao gồm:
- Lạc quan, được nhiều người xung quanh tin cậy.
- Luôn sẵn sàng làm cố vấn cho người khác.
- Biết gây ảnh hưởng và có những kỹ năng trong giao tiếp.
Một số yếu tố cần thiết để hướng tới thành công trong chương trình cố vấn là:
- Đây là một chương trình tự nguyện. Cả hai bên tham gia chương trình đều cam kết hợp tác để đi đến sự thành công. Mục đích của chương trình phải được truyền đạt rõ ràng.
- Có một ban chỉ đạo để có thể cung cấp các công cụ và các hướng dẫn thích hợp, giúp người cố vấn và người được cố vấn có khởi đầu tốt.
- Cấp trên, dù không phải là người trực tiếp cố vấn, luôn hỗ trợ chương trình.
- Hai bên được bảo đảm về khung thời gian cho chương trình. Những kỳ vọng về sự đóng góp của người cố vấn và người được cố vấn phải được thiết lập trước một cách rõ ràng.
- Trên cơ sở tin tưởng nhau, cùng tôn trọng nền văn hóa và các giá trị của doanh nghiệp, người cố vấn và người được cố vấn thẳng thắn thảo luận về điểm mạnh, điểm yếu và các cơ hội cải thiện tình thế, trong đó có cả những điều riêng tư mà không phải ai cũng nên biết đến.
- Các mục tiêu cụ thể và thực tế của chương trình được xác lập để đo lường mức độ thành công của chương trình.
- Các câu chuyện về thành công cần được lập thành tài liệu và phổ biến trong doanh nghiệp.
- Xem thêm: Đào tạo nhân viên qua các thiết bị di động
Xem ra, chương trình phát triển nhân viên theo hướng cố vấn công việc nêu ở trên không phải khó làm. Vấn đề còn lại là chương trình này nên được phát triển thành mô hình để vận dụng rộng rãi trong nội bộ doanh nghiệp.