Việc phát triển dịch vụ cho vay tiêu dùng nhằm hướng tới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân, góp phần mang lại tác động tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, đồng thời ngăn chặn tình trạng cho vay tự phát trong xã hội do quan hệ cung không đủ cầu (tín dụng đen).
Một là cần hoàn thiện chính sách tín dụng tiêu dùng gắn với chính sách giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Để thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam theo kịp với sự phát triển của thị trường thế giới, cần phải hoàn thiện các vấn đề pháp lý cho kênh tài chính tiêu dùng nhằm tạo nền tảng cho hệ thống ngân hàng thương mại và các công ty tài chính hoạt động, tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh. Vì vậy, phát triển tài chính dân cư gắn với chính sách quốc gia về giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội được coi là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững.
Hai là tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức tín dụng cho vay tiêu dùng. Dù phần lớn người dân có nhu cầu vay tín dụng tiêu dùng có thu nhập thấp, vẫn còn không ít người có thói quen chưa tìm hiểu tường tận các quy định, nghĩa vụ và ý thức trả nợ lại kém, dẫn đến những mâu thuẫn, tạo nên những cách nhìn không tích cực về dịch vụ này.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá thương hiệu và truyền thông để người dân biết đến, đồng thời mở rộng mạng lưới các điểm bán hàng để khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng, đội ngũ nhân viên luôn sẵn sàng tư vấn theo nhu cầu của khách hàng. Khi người dân có đầy đủ thông tin và thêm lựa chọn khi cần vay, họ sẽ giảm dần thói quen tìm đến tín dụng đen.
Ba là cần có chính sách hỗ trợ phát triển tín dụng cho vay tiêu dùng. Cần đa dạng các sản phẩm mới như: Các khoản cho vay theo lương, hoạt động cho vay đồng cấp – những sản phẩm hiện đã được phát triển mạnh ở rất nhiều quốc gia trên thế giới nhằm quản lý hiệu quả hoạt động cho vay tiêu dùng với hai mục tiêu chính, đó là bảo vệ người đi vay và thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, cung cấp các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mọi người dân.
Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các chương trình giảm nghèo đa chiều và đảm bảo an sinh xã hội thông qua chính sách trợ cấp lãi suất hoặc hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tín dụng tiêu dùng (khoản chênh lệch giữa cho vay tiêu dùng và cho vay thương mại); sửa đổi chính sách tín dụng đối với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng theo hướng cho phép huy động vốn tiền gửi gắn với chức năng cho vay.
Bốn là cần đổi mới quy trình, thủ tục tín dụng cho vay tiêu dùng. Quy trình thẩm định đòi hỏi phải thuận lợi, chặt chẽ giúp phân định hành vi, xu hướng, quản lý suốt hành trình sau vay của khách hàng để chủ động trong biện pháp quản trị rủi ro. Về nghiệp vụ tín dụng, khi người dân có nhu cầu vay cấp thiết thì cần đơn giản quy trình, gắn việc quản lý khoản vay phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Ngoài ra, cần thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng với những vấn đề như lãi suất, phí, cách tính, thời hạn, phương thức đòi nợ, mức phạt khi trả nợ muộn hay thanh toán trước hạn…
Để gia tăng được tín dụng tiêu dùng, các quy định, thủ tục cần có những bước thay đổi hỗ trợ khách hàng thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Đối với quy trình cho vay của các ngân hàng, với các khoản vay tiêu dùng hoặc phát hành thẻ tín dụng, thấu chi, việc thẩm định hồ sơ của nhiều ngân hàng đã được tự động hóa thay vì phải tốn nhiều thời gian trình duyệt như trước đây. Theo đó, ngân hàng số sẽ là bước tiến tiếp theo của ngân hàng bán lẻ nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng nhằm mang tới cho khách hàng những trải nghiệm mới ưu việt và cắt giảm chi phí hoạt động cho ngân hàng.
Năm là ứng dụng công nghệ mới trong quản lý đối với tín dụng cho vay tiêu dùng. Hình thức cho vay ngang hàng đúng nghĩa là sự kết nối người vay vốn và nhà đầu tư có nguồn tiền nhàn rỗi thông qua hệ thống công nghệ. Tính ưu việt của hình thức cho vay ngang hàng so với hoạt động cho vay truyền thống là sự tiết giảm chi phí đáng kể cho trung gian tài chính (ngân hàng hoặc công ty tài chính). Mức chênh lệch giữa lãi suất người cho vay nhận được và lãi suất người đi vay phải trả ở mức thấp do chỉ để trả phí kết nối. Ngoài ra, ứng dụng cho vay ngang hàng sử dụng công nghệ thẩm định tín dụng và các thuật toán phân tích dữ liệu lớn sẽ giúp đưa ra quyết định giải ngân nhanh chóng.
Chính sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và nhu cầu người dùng cũng đang tạo ra không ít thách thức và là động lực cho các nhà cung cấp dịch vụ tín dụng cho vay tiêu dùng. Bên cạnh việc ứng dụng, phát triển các công nghệ mới, các ngân hàng và công ty tài chính cũng phải số hóa quy trình cho vay để đáp ứng yêu cầu về tốc độ, sự tiện lợi và chi phí cấp tín dụng. Ngoài ưu điểm về thời gian, sự phát triển của công nghệ số trong thời gian qua cũng giúp cho những khách hàng có điểm xếp hạng tín dụng thấp hay chưa có lịch sử tín dụng dễ dàng tiếp cận được vốn vay thông qua các kênh phi truyền thống.
Sáu là đổi mới cơ chế bảo hiểm đối với tín dụng cho vay tiêu dùng. Bảo hiểm rủi ro cho người vay tín dụng tiêu dùng là rất quan trọng, đặc biệt là đối với người vay có thu nhập thấp, nhằm tránh các rủi ro có thể xảy ra. Bảo hiểm sẽ giúp khách hàng thanh toán khoản vay mà không gây ra những áp lực tài chính lên gia đình khi khách hàng tử vong hoặc mất khả năng lao động do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm.