Năm ngày sau khi hai kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan tấn công thảm sát nhắm vào tòa soạn báo châm biếm Charlie Hebdo, một cuộc tuần hành khổng lồ đã diễn ra với sự tham gia của khoảng 40 lãnh đạo thế giới, trong đó có tổng thống Pháp, thủ tướng Đức, thủ tướng Anh, thủ tướng Hy Lạp, thủ tướng Italia… để thể hiện tinh thần đoàn kết với người Pháp và lên án hành động tàn bạo này. Có đến 1,3 triệu người đã tham gia diễu hành trên các đường phố, khởi hành từ Quảng trường Cộng hòa lúc 3g chiều giờ địa phương, ngày 11-1. Người thân của các nạn nhân dẫn đầu cuộc tuần hành rồi sau đó mới đến các vị lãnh đạo và nguyên thủ quốc gia.“Paris là thủ đô của thế giới hôm nay – Tổng thống Pháp François Hollande nói – Cả đất nước sẽ trỗi dậy”. Khoảng 2.000 cảnh sát và 1.350 binh lính đã được triển khai trên khắp thủ đô nước Pháp để bảo vệ cuộc tuần hành.
Vụ nổ súng giết người hôm 7-1 tại tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo – đã từng đăng tranh ảnh biếm họa về nhà tiên tri Muhammad – là nghiêm trọng và đẫm máu nhất của hoạt động khủng bố Hồi giáo ở Pháp trong những năm gần đây. Mười hai nhà báo, kể cả tổng biên tập, đã bị thiệt mạng. Hai kẻ khủng bố bị cảnh sát truy lùng và bắn chết một ngày sau đó.
Có thể thấy làn sóng cực đoan Hồi giáo nhắm vào Pháp nhiều hơn các quốc gia khác.Vào cuối năm 2014, Thủ tướng Pháp đã đưa ra nhận định rằng Pháp chưa bao giờ đứng trước mối đe dọa khủng bố lớn như hiện nay. Còn theo số liệu thống kê của tổ chức cảnh sát châu Âu Europol thì từ năm ngoái đã có hơn 500 vụ khủng bố trên khắp châu Âu, trong đó gần một nửa là ở Pháp và 40% các vụ bắt giữ có liên hệ đến hoạt động khủng bố cũng xảy ra ở Pháp.
Tạp chí Charlie Hebdo đã từng bị tấn công hồi năm 2011, tòa soạn của báo bị hư hại vì một bom xăng ném qua cửa sổ, một ngày sau khi tờ báo in bức tranh biếm họa tiên tri Muhammad.
Pháp là mục tiêu chính của khủng bố
Câu hỏi đặt ra là tại sao nước Pháp liên tục bị tấn công, dù có hàng chục quốc gia tham gia liên minh chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và tuyên chiến với Al-Qaeda.
Có nhiều lý do giải thích điều này, trong đó có việc Pháp là nước tham gia trực tiếp vào hai cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông và châu Phi.
Tuần trước, báo chí Pháp đưa tin Tổng thống Hollande sẽ ra lệnh triển khai tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle tới vùng Vịnh để hỗ trợ chiến dịch chống IS tại Iraq. Pháp là quốc gia phương Tây đầu tiên nối gót Mỹ không kích IS ở Iraq hồi tháng 9-2014 với hơn 100 đợt không kích tính đến tháng 12-2014.
Không chỉ tham gia liên minh chống IS, quân đội Pháp còn mở chiến dịch chống các tổ chức phiến quân Hồi giáo ở vùng Sahel tại châu Phi từ năm 2013. Tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly mới đây đưa tin Pháp vừa hoàn tất chiến dịch Tudelle với 3.000 binh sĩ ở Mali, Chad, Niger, Mauritania và Burkina Faso. Với máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay không người lái, lực lượng này có nhiệm vụ lùng bắt các tay súng Hồi giáo cực đoan. Hồi giữa tháng 12-2014, Bộ Quốc phòng Pháp tuyên bố đã tiêu diệt và bắt giữ ít nhất 200 tay súng cực đoan vùng Sahel.
Mọi dấu hiệu đều cho thấy sự can thiệp quân sự của Pháp ở Trung Đông và châu Phi đang leo thang và sẽ kéo dài.
Những sự kiện này có thể không liên quan trực tiếp đến cuộc thảm sát tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, nhưng đó là nguyên nhân khiến IS nhiều lần kêu gọi các phần tử cực đoan tấn công khủng bố tại Pháp. Chắc chắn Al-Qaeda cũng có mục tiêu tương tự.
Về mặt xã hội, Pháp có số người Hồi giáo lớn nhất châu Âu, khoảng 6,5 triệu người, chiếm khoảng 10% dân số. Con cháu của người nhập cư đạo Hồi từ Bắc Phi sinh tại Pháp, là công dân Pháp, nhưng không dễ kiếm công ăn việc làm tử tế. Ước tính tỷ lệ thất nghiệp lên đến gần 30% tại các khu ngoại ô Paris, nơi người nhập cư Hồi giáo chiếm đa số. Không ít công ty tỏ thái độ e ngại trước những lá đơn xin việc có tên kiểu Ả Rập. Dễ hiểu là nhiều thanh niên Pháp theo đạo Hồi cảm thấy bị gạt ra bên lề xã hội. Điều đó giải thích tại sao chỉ trong năm 2014, gần 1.000 công dân Pháp đến Syria và Iraq để gia nhập IS và các tổ chức cực đoan.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ Pháp, gần 40 công dân Pháp đang chiến đấu cùng các nhóm thánh chiến ở Syria và Iraq. Chính quyền Pháp ước tính 234 công dân Pháp đã rời vùng xung đột ở Syria và Iraq, trong số đó 185 đã trở về Pháp, là những kẻ có khả năng thực hiện các vụ tấn công khủng bố trên đất Pháp.
Cùng với nhận thức về sức ép gia tăng đối với cộng đồng Hồi giáo tại nước Pháp, cộng với việc chính phủ nước này tìm cách duy trì sự khẳng định về chủ nghĩa thế tục và ngăn chặn các biểu tượng tôn giáo nơi công cộng – chẳng hạn lệnh cấm đeo mạng che toàn gương mặt nơi công cộng và khăn trùm đầu không được chấp nhận tại các văn phòng công sở và trường học – các sự việc này kết hợp lại đã đưa nước Pháp trở thành đối tượng tuyến đầu của chủ nghĩa khủng bố ở châu Âu.
Sẽ chưa dừng lại
Chuyên gia về khủng bố Bill Tupman thuộc Đại học Exeter nói rằng không khí chính trịở Pháp sau vụ tấn công báo Charlie Hebdo sẽ có một tác động rất lớn lên bối cảnh xã hội và chính trị, cũng như làm tăng thêm tình cảm bài Hồi giáo. Trước đây sự ủng hộ chính trị cho cánh cực hữu là khá thấp. Giờ đây sự ủng hộ dành cho phe cực hữu, cho các hoạt động chống nhập cư, chống chủ nghĩa đa văn hóa, bảo vệ bản sắc dân tộc sẽ mạnh hơn bao giờ hết.
Ở chiều ngược lại, Trung tâm giám sát các trang mạng Hồi giáo của Mỹ (SITE) cho biết tối 9-1, sau khi các lực lượng đặc nhiệm Pháp tiêu diệt ba kẻ khủng bố trong hai vụ bắt con tin, một chức sắc tôn giáo của chi nhánh Al-Qaeda trên bán đảo Ả Rập (AQUA) đã phát biểu trong một video đăng trên internet với nội dung đe dọa những cuộc tấn công mới nhằm vào nước Pháp.
Trong thông điệp phát đi, Harith Al Nadhari, người chuyên cai quản thực thi luật Hồi giáo Charia trong tổ chức AQUA dọa người Pháp sẽ không được an toàn chừng nào nước Pháp còn đánh vào Allah và những tín đồ trung thành của Allah.
Lãnh đạo của Al-Qaeda cũng đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công vừa qua tại Paris. Phát biểu của nhân vật lãnh đạo Al-Qaeda ám chỉ đến những kẻ khủng bố thực hiện các vụ tấn công tại Pháp, nói rằng “Các chiến binh tôn thờ Allah và những sứ giả của ngài đã đến với các vị. Họ không sợ cái chết, họ là những người tử vì đạo nhân danh Allah”.
Trong cuộc nói chuyện điện thoại với phóng viên truyền hình trong khi đang bị bao vây tại Dammartin en Goële, nghi can Chérif Kourachi cho biết đã hành động theo chỉ thị của AQUA, còn hai anh em Kourachi đã từng sang Yemen theo học các lớp huấn luyện sử dụng vũ khí do Al-Qaeda tổ chức.
Trong khi đó thủ phạm của vụ bắt con tin ở phía đông Paris, Amedy Coulibaly, trước khi bị lực lượng đặc nhiệm tiêu diệt, đã gọi điện thoại đến đài truyền hình Pháp BFMTV, theo đó hung thủ nhận là người của IS.
Châu Âu và Anh cũng bị Al-Qaeda đe dọa
Tổng giám đốc Cơ quan Tình báo Anh MI5, ông Andrew Parker, ngày 8-1 cảnh báo một nhóm các phần tử nòng cốt của tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở Syria đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc tấn công khủng bố thảm sát chống lại phương Tây, đặc biệt là ở thủ đô London của Anh.
Ông Parker tiết lộ rằng các địa điểm trung chuyển giao thông lớn và các danh thắng mang tính biểu tượng của phương Tây sẽ là mục tiêu của những âm mưu phức tạp do các phần tử cực đoan ở Syria vạch ra.
Theo ông, các tay súng khủng bố Al-Qaeda từ Syria trở về các nước phương Tây có “tư tưởng bị bóp méo” dẫn đến tiến hành những vụ tấn công khủng bố ngay tại quê nhà. Mặc dù tổ chức IS là một mối đe dọa trực tiếp với phương Tây, nhưng các phần tử Al-Qaeda có quốc tịch phương Tây còn nguy hiểm hơn.
IS từng dính líu với Al-Qaeda, nhưng sau đó tách khỏi mạng lưới khủng bố này, tiến hành hàng loạt vụ tấn công đẫm máu và chiếm được nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria kể từ tháng 6-2014.
Theo đài Sky News của Anh, các chuyên gia của Al-Qaeda từ Pakistan đã đến Syria chiêu mộ, huấn luyện những tay súng người Anh ở nước này rồi phái họ quay trở về Anh hoạt động khủng bố một mình theo kiểu “sói đơn độc”.
Trong năm 2014, làn sóng âm mưu tấn công của những “sói đơn độc” đã gia tăng, cộng với vụ tấn công ở Paris vừa qua khiến cảnh sát các nước phương Tây hết sức quan ngại.
Trong khi đó, Washington cảnh báo công dân Mỹ rằng các hành động khủng bố có thể xảy ra ở mọi nơi trên hành tinh sau vụ tấn công vừa qua ở Paris. “Những vụ khủng bố gần đây là hồi chuông cảnh báo về việc công dân Mỹ nên tiếp tục đề cao cảnh giác và thực hiện các biện pháp phù hợp để tăng cường an ninh cho bản thân” – Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo.
Việc Mỹ không kích các mục tiêu của IS tại Iraq và Syria khiến công dân và các lợi ích của Mỹ trở thành mục tiêu báo thù của bọn khủng bố, đặc biệt là những phần tửở Trung Đông, Bắc Phi, châu Âu và châu Á.
Viết Đỉnh tổng hợp (DNSGCT)