Tổng thống Pháp François Hollande đã tỏ ý định muốn mở rộng việc cấm đeo biểu tượng của người theo đạo Hồi không chỉ tại các công sở của chính quyền, mà còn ở mọi lĩnh vực hoạt động tư nhân khác.
Những chiếc khăn burqua từ lâu đã bị cấm ở Pháp
Hiện tại, Pháp đã không cho phép các viên chức nhà nước ăn mặc trang phục thể hiện các biểu tượng tôn giáo nổi bật (ví dụ như khăn che đầu của phụ nữ Hồi giáo, mũ cúp của người Do Thái hay Thánh giá quá cỡ của Thiên chúa giáo…) tại trường học công, văn phòng phúc lợi xã hội và nhiều cơ quan hành chính công. Cách đây hai năm, chính quyền thủ đô Paris còn cấm cả người Hồi giáo sử dụng mạng che mặt (còn gọi là niqab, vốn chỉ có đường rẽ ở giữa hai mắt) và mạng che lưới (còn gọi là burqa, có phần lưới ngay vị trí mắt) tại tất cả những nơi công cộng. Khác với 30 năm trước, người dân tin rằng nước Pháp đã đạt nhiều tiến triển trong việc thừa nhận Hồi giáo, nhất là khi phụ nữ đeo khăn che đầu ngày nay khi ra đường không còn phải chịu cái nhìn tò mò, nghi ngờ và giận dữ của những người xung quanh. Tuy nhiên, người Hồi giáo vẫn e ngại rằng sự cứng rắn của nhà nước đối với những giá trị thiêng liêng trong tín ngưỡng đang đi ngược lại tinh thần của cuộc cách mạng Pháp cách đây hai thế kỷ và xâm phạm đến quyền thể hiện tự do tín ngưỡng của dân chúng. Ngày càng có nhiều người Hồi giáo tại Pháp lo lắng về tình trạng bị đối xử kỳ thị. Ở Pháp hiện có khoảng gần sáu triệu người Hồi giáo đến từ những thuộc địa trước đây của Pháp tại Bắc Phi và họ đang phải đối diện với các thử thách lớn mà nhiều quốc gia châu Âu khác cũng quan tâm trong một xã hội mà những người da trắng theo đạo Thiên chúa nắm giữ vai trò lãnh đạo chính trị – xã hội đã bao nhiêu thế kỷ qua.
Trong khi đó, hầu hết mọi nguồn tin chính thức từ Chính phủ Pháp đều ra sức trấn an rằng không hề có những động thái kỳ thị người theo đạo Hồi, nhưng những hạn chế được đưa ra là hoàn toàn cần thiết đối với toàn xã hội.
B. Trịnh theo Le Bourget