Hiện nay, các quan chức ở New Delhi đang khuyến khích các công ty của Nhật đầu tư vào nước họ vì Ấn Độ rất cần thêm vốn nước ngoài để lấp thiếu hụt trong cán cân thanh toán vãng lai đang ở mức kỷ lục trong quý vừa qua, còn các doanh nghiệp Nhật được tiếng là những nhà đầu tư rộng rãi.
Ông Akira Kajita – Giám đốc nghiên cứu của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho rằng sau nhiều năm tập trung vào Trung Quốc, các công ty Nhật đang hướng tới cách tiếp cận cân bằng hơn. Không khó để nhìn thấy bước đầu tư mới của Nhật Bản tại Ấn Độ: sau các tập đoàn Nissan và Toyota, Honda cũng đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy với số vốn đầu tư lên đến 460 triệu USD tại Rajasthan. Kế đó là quyết định tăng mức đầu tư vào lĩnh vực thiết bị điện tử của Sony và Panasonic, đủ sức biến Ấn Độ thành “trọng tâm của tăng trưởng trong tương lai”. All Nippon Airways cũng đang nghiên cứu đầu tư vào khu vực hàng không vừa được tự do hóa và còn quan tâm đến các ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ và sản xuất hàng hóa bằng công nghệ cao.
Trong hai năm nay, Nhật Bản đã trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất tại Ấn Độ, mà bằng chứng rõ nhất là mức vốn đầu tư kỷ lục khoảng 2 tỉ USD trong năm 2011. Theo xu hướng này, thương mại song phương giữa hai nước sẽ tăng lên 25 tỉ USD vào năm 2014, tức là gấp đôi so với bốn năm trước.
Tuy nhiên, các công ty Nhật vẫn phải đối mặt với các quy định thất thường, thủ tục rườm rà và tệ tham nhũng ở Ấn Độ. Những doanh nghiệp muốn thiết lập cơ sở sản xuất lớn theo kiểu đã làm ở Trung Quốc còn phải đương đầu với những vấn đề phức tạp khác như quyền sở hữu đất và hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, những cản trở này có thể sẽ giảm dần, nhất là trong trường hợp áp lực chính trị buộc các nhà lãnh đạo Ấn Độ phải tìm hướng đi mới.
Ở góc độ khác, con đường tăng cường đầu tư của người Nhật tại Ấn Độ không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Các công ty Nhật vẫn phải thận trọng trước nhiều sự kiện nổi cộm tạo thêm mối lo cho họ, mà trường hợp NTTDoCoMo là một điển hình. Tập đoàn viễn thông này đã đầu tư 2,7 tỉ USD để nắm tỷ lệ cổ phần lớn trong một liên doanh với Tập đoàn Tata nhưng thu được thành công kém nhất về điện thoại di động tại Ấn Độ. Sự kiện tạo cú sốc lớn nhất đối với các công ty Nhật Bản xảy ra hồi tháng 7 năm ngoái tại liên doanh sản xuất ôtô Maruti – Suzuki: trong một nhà máy gần New Delhi đã xảy ra một cuộc bạo loạn khiến một nhà quản trị cao cấp bị giết và nhiều công nhân bị thương.
Thiên Bảo theo Financial Times, 3-4-2013