Cũng giống như nền giáo dục Việt Nam, ở các nước phát triển, giáo dục sau bậc trung học phổ thông cũng được phân thành nhiều cấp bậc để phù hợp với các yêu cầu và điều kiện khác nhau của sinh viên. Sau khi tìm hiểu, có thể bạn nhận ra đại học không phải là con đường duy nhất để tiếp thu các kiến thức, kỹ năng từ các nền giáo dục phát triển hơn.
Dự bị đại học
Chương trình Dự bị đại học là chương trình dành cho học sinh ở lứa tuổi cuối cấp THPT, chuẩn bị bước đến ngưỡng cửa đại học. Các chương trình Dự bị đại học có mục đích trang bị cho học sinh những kiến thức nền tảng và kỹ năng cần có ở bậc đại học. Chương trình Dự bị đại học được tách biệt ra khỏi khuôn khổ của chương trình THPT và đại học dù trong nhiều trường hợp, các chương trình này được giảng dạy bởi trường THPT hoặc đại học. Ở Úc, những chương trình Dự bị đại học thường được tổ chức bởi chính các trường đại học và những sinh viên muốn vào học tại một trường đại học nào thường chọn theo học Dự bị đại học tại chính ngôi trường đó. Ngoài ra, có hai chương trình Dự bị đại học quốc tế khá nổi tiếng và được nhiều quốc gia chấp nhận là A/AS Level và International Baccalaureate (IB) – Bằng Tú tài quốc tế. Hầu hết các trường quốc tế tại Việt Nam hiện nay đều chọn giảng dạy ít nhất một trong hai chương trình này cho các học sinh lớp 11, 12 của mình. Ngoài ra cũng phải nói thêm, chứng chỉ A/AS Level được xem là yêu cầu đầu vào bắt buộc của hầu hết các trường đại học nổi tiếng của Anh.
Các chứng chỉ nghề và chương trình cao đẳng
Với thời gian học ngắn hơn nhiều so với bậc đại học, các chứng chỉ nghề và chương trình cao đẳng phù hợp với những sinh viên có điều kiện thời gian và kinh tế eo hẹp hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà những chương trình này ít được xem trọng. Với mục tiêu ứng dụng đặt lên hàng đầu, những chương trình này vẫn phải bảo đảm đào tạo được lực lượng lao động có khả năng đáp ứng nhu cầu của một thị trường chuyên nghiệp. Và đây cũng là bước thăm dò an toàn cho những bạn muốn tìm hiểu xem liệu một ngành nghề nào đó có thực sự phù hợp với mình. Có hai dạng cấp độ phổ biến nhất.
– Chứng chỉ hành nghề (Diploma): Sau khi hoàn tất một khóa đào tạo tại các trường đào tạo chuyên nghiệp, bạn sẽ nhận được một chứng chỉ diploma như một bảo đảm cho khả năng làm việc của bạn trong lĩnh vực đó. Tùy vào nội dung và độ nặng của chương trình mà một chứng chỉ hành nghề có thể hoàn tất trong khoảng từ một đến hai năm. Các môn học trong chương trình chỉ tập trung vào các môn ứng dụng, kỹ năng thực tiễn. Chính vì vậy, các chương trình diploma hiện nay rất được ưa chuộng, nhất là những bạn theo trường phái Bill Gates hay Mark Zuckerberg – phần nào xem trọng thực tiễn và kinh nghiệm hơn giáo dục.
– Cao đẳng: So với chương trình diploma, chương trình cao đẳng kéo dài hơn và khối lượng kiến thức cũng nhiều hơn. Ở một số nước và vùng lãnh thổ như Mỹ, Canada, Úc, Hà Lan, Hongkong…, các khóa học cao đẳng có tên là Associate Degree, trong khi ở Anh chúng lại được gọi là Foundation Degree. Thông thường, chương trình cao đẳng kéo dài hai năm, sinh viên sẽ phải vừa học các môn ứng dụng thực tiễn cũng như những môn kiến thức tổng hợp, tương tự như sinh viên ở bậc đại học. Chính vì vậy, chương trình cao đẳng được xem như một chương trình đại học rút gọn. Chương trình cao đẳng được giảng dạy ở các trường cao đẳng cộng đồng hay các trường đại học. Có rất nhiều chương trình đại học có một phiên bản cao đẳng của mình. Sinh viên tốt nghiệp cao đẳng thường có hai lựa chọn, đi làm hoặc học tiếp lên bậc đại học. Chính vì vậy, chương trình cao đẳng là lựa chọn tối ưu cho những sinh viên mà điều kiện kinh tế, quỹ thời gian hoặc sức học chưa đủ để học đại học.
Đại học
Đây có lẽ là bậc học quen thuộc nhất và cũng có không ít phụ huynh và học sinh có suy nghĩ mặc định “phải học đại học”. Thế nhưng, có bao nhiêu phụ huynh và học sinh thật sự hiểu được ý nghĩa của bậc học này? Nếu chỉ nói về vấn đề có khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp, các chứng chỉ hành nghề và cao đẳng cũng có chức năng tương đương, đặc biệt là ở những nước phát triển khi ngành nghề nào cũng có nhiều cấp độ chương trình để lựa chọn. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là cùng một mức kinh nghiệm như nhau, sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ có mức lương cao hơn và dễ dàng tìm được những vị trí tốt hơn so với các bạn tốt nghiệp cao đẳng hoặc có chứng chỉ hành nghề. Mục đích của bậc đại học không chỉ là đào tạo ra những cá nhân có khả năng lao động, mà còn là những trí thức có khả năng tư duy, có sự trưởng thành và phát triển toàn diện về nhiều mặt. Chính vì vậy thời gian học đại học dài hơn là để sinh viên có thời gian học và thẩm thấu những kiến thức đa dạng, dành thời gian với những hoạt động phát triển.
Sau đại học
Ngoài ra, bậc đại học còn có một ưu điểm khác, chính là chỉ những sinh viên tốt nghiệp đại học mới có đủ điều kiện theo học các chương trình sau đại học. Khi sự cạnh tranh ngày càng cao trong công việc, việc đi học thêm một văn bằng sau đại học hiện nay là sự lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ. Các chương trình sau đại học chia ra làm hai cấp.
– Thạc sĩ: Đây là sự lựa chọn khá phổ biến hiện nay của nhiều bạn trẻ, nhất là những bạn chưa có dịp du học ở bậc đại học. Chương trình thạc sĩ có nội dung khá tương đồng với chương trình đại học nhưng chuyên sâu hơn. Cách tiếp cận vấn đề cũng dành cho những người đã có kinh nghiệm và thực tiễn chứ không chỉ nằm trong phạm vi “giới thiệu” kiến thức nhưở bậc đại học. Bậc thạc sĩ thường kéo dài từ một đến hai năm tùy chương trình.
– Tiến sĩ: là bậc học cao cấp nhất, chỉ dành cho những người muốn mở rộng sự nghiệp theo hướng nghiên cứu, giảng dạy. Để hoàn thành bậc tiến sĩ, bạn phải có một nghiên cứu của riêng mình về chủ đề mà mình đang theo đuổi. Chính vì vậy, bậc tiến sĩ thường đòi hỏi thời gian rất dài để hoàn thành và ít khi nào kéo dài dưới hai năm.
[note color=”#b1ac97″]Tuyển đại biểu dự chương trình Giao lưu thanh niên Việt Nam – Hàn Quốc 2014
Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức thi tuyển để lựa chọn bốn đại biểu tham gia chương trình Giao lưu thanh niên – sinh viên Việt Nam – Hàn Quốc từ ngày 13-7 đến 23-7-2014.
Tham gia chương trình, các đại biểu sẽ có cơ hội được thăm các địa điểm, di tích lịch sử, tham gia các hoạt động giao lưu với thanh thiếu niên Hàn Quốc và trải nghiệm văn hóa truyền thống Hàn Quốc.
I. Đối tượng dự tuyển:
– Sinh viên các trường đại học dưới 25 tuổi;
– Có quốc tịch Việt Nam;
– Chưa từng tham gia các chương trình giao lưu thanh niên tại Hàn Quốc do chính phủ Hàn Quốc tổ chức;
– Có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh;
– Có sức khỏe tinh thần và thể chất tốt;
– Hiểu biết và có khả năng giới thiệu về đất nước, kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội Việt Nam;
– Có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, có tinh thần hữu nghị và đoàn kết quốc tế, có khả năng tổ chức và tham gia các hoạt động tập thể, văn hóa, văn nghệ, thể thao;
– Có đóng góp tích cực cho công tác đoàn, hội;
– Đã có hộ chiếu công vụ hoặc hộ chiếu phổ thông còn hạn ít nhất đến tháng 1-2015;
– Ưu tiên các ứng viên có khả năng biểu diễn nghệ thuật hoặc chơi nhạc cụ dân tộc.
II. Quy trình xét tuyển: Thí sinh được lựa chọn tham gia chương trình là thí sinh vượt qua hai vòng:
1. Vòng xét tuyển hồ sơ: Hội đồng tuyển chọn tổ chức sơ tuyển hồ sơ đại biểu gồm:
– Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan quản lý cán bộ hoặc của chính quyền địa phương.
– Giấy khám sức khỏe (do bệnh viện cấp huyện trở lên cấp).
– Bản sao chứng minh nhân dân và các loại văn bằng, chứng chỉ tiếng Anh.
– Bản photo hộ chiếu phổ thông hoặc công vụ (mặt có ảnh).
– Một bản xác nhận của tổ chức đoàn cơ sở về thành tích và đóng góp của ứng viên đối với hoạt động đoàn/ hội tại cơ sở, địa phương.
– 03 ảnh chứng minh thư (3x4cm) chụp trên phông nền màu trắng.
Toàn bộ hồ sơ đại biểu dự tuyển gửi về: Trung tâm Phát triển Hợp tác Quốc tế Thanh niên – Ban Quốc tế Trung ương Đoàn (phòng 404, nhà C, Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên, 347 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội; Điện thoại: (04) 62702682 (Hoàng Sơn); Fax: (04) 62631947; Email: hoangson0603@gmail.com
Chú ý: Đề nghị các ứng viên ghi rõ “Hồ sơ dự tuyển chương trình Giao lưu Việt Nam – Hàn Quốc” ngoài bì thư.
2. Vòng phỏng vấn: Hội đồng tuyển chọn tiến hành phỏng vấn tiếng Anh các ứng viên qua vòng sơ khảo tại Trung tâm Phát triển Hợp tác Quốc tế Thanh niên – Ban Quốc tế Trung ương Đoàn, 347 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.
[/note]Nhật Hà