Sau những ngày tết là mùa lễ hội nở rộ khắp nơi và thật đáng tiếc phần hồn của lễ hội đang mất dần bởi những tệ nạn và mê tín ngày càng nhiều, khiến các sự kiện văn hóa này đã mất dần ý nghĩa. Cụ thể như vào ngày rằng tháng Giêng Âm lịch tại đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định), hàng vạn người khắp nơi đã đổ về đền làm lễ và chờ xin được ấn cầu may mắn tạo cảnh tượng hỗn loạn tại nơi được cho là linh thiêng.
Cảnh bát nháo tại lễ hội đền Trần
Với tâm lý cầu được may mắn, người ta đã ném vô số tờ bạc mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng… ở bên ngoài đền, còn bên trong thì cả rừng người chen lấn nhau làm lễ, người đứng sau khấn vào lưng người đứng trước, lễ nhà này chồng lên lễ nhà kia.
Trong lúc nhà đền tiến hành nghi lễ rước ấn quanh hồ, nhiều người dân, thậm chí cả các vị khách mời cũng vò tiền thành nắm ném rào rào vào kiệu ấn.Tiếng la hét, chửi bới ầm ĩ và dòng người ùn ùn kéo vào cướp lộc trước sự bất lực của lực lượng trật tự.
Mặc dù tiếng loa đài từ nhà đền liên tục vang lên cảnh báo du khách, nhưng hoa quả trên ban thờ, nến thắp đều bị cướp giật, thậm chí cả những người phục vụ lễ hội cũng tiếp tay cho người nhà bằng cách nhanh tay cất giấu ít lộc đền trước khi bị dòng người ào vào lấy mất.
Xin lộc ở đền Trần là một biểu hiện sa sút của lễ hội, trong khi mỗi ngày cả nước diễn ra khoảng hơn 20 lễ hội, tức cả năm phải lên đến hơn 7.000 lễ hội, mà chất lượng nhân văn rất đáng lo ngại.
Tại Yên Tử (Quảng Ninh) hàng ngàn người đến viếng chùa Đồng đã cầm những đồng đôla và tiền đồng chà xát vào chuông với niềm tin sẽ trở nên giàu có trong năm nay. Nhìn chung hiện tượng mê tín đã tràn lan trong những lễ hội tổ chức tuần qua.
Từ 20 năm nay, thực hiện nghị quyết về “xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Nhà nước đã khôi phục nhiều di tích, nhiều giá trị văn hóa và đạo lý, nhưng mặt tiêu cực có thể nói ngày càng phổ biến.
Đâu đâu cũng xây đình chùa, nhà nhà đốt vàng mã cầu tài, cơ quan đoàn thể cúng khấn cầu may, thậm chí có những lễ hội nặng phần dã man như chém lợn, đâm trâu cũng được coi là văn hóa.
Chẳng hạn lễ hội chém lợn ở Ném Thượng (Tiên Du, Bắc Ninh), người làng chọn con lợn tốt được chăm sóc đặc biệt suốt năm, đến tết thì đem chém đứt đôi thân để cúng tế trước sự chứng kiến đông đảo của người làng và du khách. Năm nay do bị phê bình quá, tục chém sả chuyển thành cứa cổ, khi máu trào ra người ta lấy tiền quệt vào máu này đặt lên bàn thờ!
Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên hay lễ chọi trâu ở Hải Phòng cũng thế. Con trâu vốn hiền lành, cần mẫn, làm việc nặng nhọc để nuôi người, gắn bó với nền văn minh lúa nước của dân tộc. Lễ hội đâm trâu, chọi trâu đề cao cái ác khi biến việc giết chóc vô nhân đạo thành nghi lễ.
Những việc làm này không phù hợp với tình cảm của người Việt cần được dẹp bỏ, không những phản cảm mà còn phản văn hóa, không mang tinh thần cốt lõi của truyền thống lễ hội.
Đành rằng lễ hội xuất phát từ nhu cầu của số đông, nhưng nhu cầu của một cộng đồng ở địa phương đi ngược với truyền thống hiền lành nhân ái của dân tộc thì có nên duy trì hay không?
Gia Minh tổng hợp