Những phiên giao dịch có giá trị khớp lệnh dưới 3.000 tỉ đồng đã trở thành điều bình thường trên sàn HSX. Chính vì vậy, dù vẫn trong vùng điểm 800, VN-Index đang phải chịu áp lực khá lớn. Việc chỉ số tăng – giảm điểm đan xen trong quãng thời gian tương đối dài thường được xem là giai đoạn tích lũy, chuẩn bị cho một sự “bùng nổ”, nhưng đó là khi thanh khoản cao và có xu hướng gia tăng, chứ không phải “èo uột” như những ngày vừa qua. Thanh khoản kém dù là một chỉ báo kỹ thuật, nhưng cũng thể hiện sự e ngại của nhà đầu tư trong ngắn hạn. Cộng thêm việc khối ngoại tiếp tục bán ròng trong tuần đầu tháng 10, với giá trị lên đến hàng trăm tỉ đồng, sau khi vừa có tháng 9 bán ròng (tháng bán ròng đầu tiên trong năm nay), khiến nhà đầu tư phải tự hỏi liệu đây có phải là xu hướng của khối ngoại trong quý cuối năm hay không. Khối lượng giao dịch đã không cao, dòng tiền lại chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và một số cổ phiếu đầu cơ, cùng với một số cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, xây dựng…
Với nhiều nhà đầu tư, một sự tăng giá đồng thuận của đa số cổ phiếu trên thị trường mới là tăng trưởng ổn định và bền vững. Việc thị trường phân hóa mạnh như thế gây khó khăn cho họ trong việc lựa chọn cổ phiếu mua vào. Bởi nếu mua cổ phiếu có nền tảng tốt nhưng không được thị trường “chú ý”, nhà đầu tư hoàn toàn có thể thua lỗ. Tuy nhiên, với nhiều người khác, sự phân hóa mạnh mẽ đến từng nhóm ngành, thậm chí là từng cổ phiếu như vậy mới phản ánh đúng thực tế cung – cầu của thị trường và dòng tiền luôn có lý khi lựa chọn điểm đến của mình. Tầm nhìn “cao thấp” của nhà đầu tư được thể hiện ở đây: ai có phán đoán chính xác và tận dụng tốt giai đoạn phân hóa này sẽ đạt được mức lợi nhuận cao.
Những cổ phiếu đang được dòng tiền lựa chọn thường có chung đặc điểm là “có câu chuyện” hoặc được dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt. Thị trường đang vào mùa công bố báo cáo tài chính quý III, những cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt sẽ là thỏi nam châm hút tiền, đặc biệt là những cổ phiếu từ đầu năm đến nay ít tăng giá. Cũng dễ hiểu, dù có “sóng” hay không thì những cổ phiếu chưa tăng giá nhiều sẽ phản ứng tích cực hơn với thông tin tốt, dư địa tăng giá cũng cao hơn và chịu mức rủi ro thấp; ngược lại, cổ phiếu đã tăng giá mạnh thời gian qua sẽ ít có phản ứng với thông tin tốt và mức rủi ro cũng cao hơn.
Rõ ràng là trong việc nhà điều hành cho phép tín dụng tăng trưởng mạnh, phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ngành được hưởng lợi đầu tiên chính là ngân hàng. Tiếp đó, nhờ dòng tiền này, các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng sản xuất – kinh doanh và tăng lợi nhuận. Đây là tiền đề cho tăng trưởng kinh tế và sau đó, việc GDP quý III tăng trưởng tốt lại khiến cho kỳ vọng của thị trường chứng khoán vào tương lai của doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung tăng lên. Trong vòng tròn tác động kể trên, ngành ngân hàng được hưởng lợi nhiều mặt, vì vậy sẽ thu được kết quả kinh doanh tốt, cổ phiếu của nhóm này dễ hút dòng tiền cũng là điều dễ hiểu.
Cần nói thêm rằng tâm lý nhà đầu tư thường dao động khi thị trường có diễn biến phân hóa và lên xuống với biên độ hẹp như hiện nay. Với những nhà đầu tư đang không biết nên chọn cổ phiếu nào cho “hợp xu hướng”, có lẽ chiến lược phù hợp là nắm giữ cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn, cùng với hạn chế mua bán liên tục. Dù thị trường có thể tiếp tục rung lắc, việc mua và nắm giữ các cổ phiếu triển vọng luôn đem lại kết quả tích cực trong quãng thời gian đủ dài.
- Ngọc Khang