Trúc là tre, chỉ là giấy. Trúc chỉ, hiểu nôm na là giấy làm từ tre. Nhưng Trúc chỉ của Phan Hải Bằng không chỉ dừng lại ở đó…
Trúc chỉ của họa sĩ Phan Hải Bằng đã hiện diện ở Huế, Hà Nội, Hội An và nhiều nước trên thế giới thông qua các triển lãm, tác phẩm/sản phẩm.
Nhưng chỉ khi giữa năm 2019, Trúc chỉ có một văn phòng đại diện tại Sài Gòn, mọi người mới nhìn thấy rõ hơn con đường mới cho Trúc chỉ, gần gũi với thị dân, ứng dụng vào trong sản phẩm thiết kế, nội thất, phục dựng không gian văn hóa…
Trúc chỉ là nghệ thuật đồ họa, không phải nguyên liệu
Trúc chỉ là từ để định danh một loại hình nghệ thuật trên giấy mới của người Việt.
Trúc trong từ Trúc chỉ ở đây hoàn toàn không phải để chỉ tên của loại nguyên liệu duy nhất nào, mà mang ý nghĩa hình tượng: cây tre/trúc là biểu tượng văn hóa và tinh thần Việt.
Giấy trong nghệ thuật của Phan Hải Bằng được khai thác hầu hết các nguyên liệu xơ sợi sẵn có từ rơm, tre, mía, chuối, bèo, bắp, dứa, dâu, lá, cỏ…
Từ Trúc chỉ được nhà văn, dịch giả Bửu Ý định danh vào tháng 4-2012 khi ông viết: “Nghệ thuật Trúc chỉ khởi phát từ ý niệm: mang đến cho khái niệm “giấy” một khả năng mới: thoát khỏi thân phận làm nền cho các thao tác sáng tạo khác, để trở thành một tác phẩm nghệ thuật tự thân, độc lập”.
Các nước châu Á đều có những loại giấy thủ công rất nổi tiếng như giấy xuyến chỉ, giấy của người Nạp Tây ở Vân Nam, giấy sa ở Lào, giấy dó, giấy điệp ở Việt Nam…
Với Phan Hải Bằng, nguồn nguyên liệu này không phải là yếu tố quan trọng nhất để cho ra đời tác phẩm: “Các loại giấy thủ công trong khu vực đã hình thành và tồn tại khá lâu đời, nhưng dù hoàn hảo, tinh xảo đến đâu cũng chỉ đóng vai trò làm nền cho những thao tác, sáng tạo tiếp theo trên đó, chứ bản thân chưa thể tham gia trực tiếp vào quá trình tạo nên tác phẩm.
Trúc chỉ đưa giấy từ một chất liệu nền thuần túy trở thành một nghệ thuật, có thể đối thoại với những phương tiện kỹ thuật được thi triển trên nó, để hình thành những tác phẩm độc đáo, nhiều tầng ý nghĩa cả về thị giác lẫn nội dung chuyển tải”.
Dự án Trúc chỉ Việt Nam là thành quả của quá trình nghiên cứu độc lập của Phan Hải Bằng từ năm 2000, học bổng châu Á học của anh trong năm 2007-2008; đề tài “Nghiên cứu chế tác giấy từ các nguyên liệu địa phương, ứng dụng vào giảng dạy, học tập và sáng tạo nghệ thuật”; thực nghiệm cùng các cộng sự từ 2011.
- Xem thêm: Trúc chỉ: một hành trình ngoạn mục
Thuật ngữ kỹ thuật “đồ họa Trúc chỉ” (trucchigraphy) được hình thành từ sự vận dụng các yếu tố: quy trình chế tác giấy thủ công truyền thống, kỹ thuật tạo áp lực nước và các nguyên lý của nghệ thuật đồ họa.
Quy trình chế tác, sáng tạo Trúc chỉ gồm hai công đoạn chính. Một là quy trình làm giấy truyền thống. Nguyên liệu thô được ngâm, nấu với vôi, nghiền, giã thành bột giấy, rồi được “seo” thành tấm giấy trên khung “seo”.
Trúc chỉ ra đời khi tấm giấy ướt vừa hình thành trên khung, nghệ sĩ dùng các phương thức khác nhau tác động lên bề mặt, dùng áp lực nước, đính thêm lên đó các vật thể, hình ảnh, sử dụng các kỹ thuật khác nhau thi triển ý đồ sáng tạo của mình.
Khi giấy khô và được bóc ra khỏi khung, tấm Trúc chỉ ấy đã có thể là tác phẩm độc lập, hoặc sẵn sàng tham dự vào tác phẩm bằng cách tạo nên sự đối thoại giữa cấu trúc tạo hình trong tấm giấy và các hình thức thao tác tiếp theo bên trên nó, tạo nên hiệu ứng kép, tăng sức biểu cảm của tác phẩm thêm nhiều lần.
Đặc tính của Trúc chỉ là sự phong phú, linh hoạt về biểu hiện của nhiều loại xơ sợi; của hệ thống sắc độ, sắc nhị… tinh tế theo thứ lớp dày mỏng mà trucchigraphy mang lại. Đặc biệt khi tương tác với ánh sáng, tác phẩm trở nên thu hút, gợi cảm hứng cho người xem.
Phan Hải Bằng cho biết: “Trúc chỉ hoàn toàn có thể là một tác phẩm nghệ thuật tự thân mang đậm ngôn ngữ đồ họa; mặt khác, Trúc chỉ cũng sẵn sàng “đối thoại” với những tín hiệu tạo hình được đặt tiếp lên trên nó.
Bên cạnh đó, Trúc chỉ cũng hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đa dạng và đặc biệt của nghệ thuật ứng dụng ở các loại hình như thiết kế sản phẩm, nội ngoại thất, trang phục, thời trang, trang sức… Đặc biệt là kết hợp với các làng nghề thủ công truyền thống để cho ra đời những nghệ phẩm độc đáo”.
Đường dài cho Trúc chỉ
Cho đến nay, Trúc chỉ đã có một lý lịch nghệ thuật khá dày dặn, với các dấu ấn tiêu biểu như tác phẩm “Vọng niệm” thuộc Dự án Nghệ thuật đường hầm Nhà Quốc hội 2018, dự án Nghệ thuật Overseas (Bảo tàng Confluences Lyon, Pháp, 2018), các triển lãm “Trúc chỉ – Lời của sông” 2016-2017 tại Hà Nội và Đà Nẵng, “Trúc chỉ – Điện Long An” tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế 2016; “Đồng vọng – Dấu ấn Mỹ thuật Chúa Nguyễn trên Trúc chỉ” tại Đại nội Huế 2015; đoạt nhiều giải thưởng mỹ thuật trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Trúc chỉ còn được lựa chọn là quà tặng cho Nhật hoàng và phu nhân trong chuyến thăm Huế năm 2017.
- Xem thêm: Lòng như giấy mới tìm về nét xưa…
Mới đây, một ứng dụng của Trúc chỉ khi thiết kế bộ poster tuồng San Hậu đã nhận giải thưởng quốc tế khá danh giá. “Những thể nghiệm Trúc chỉ càng ngày cho thấy rằng, loại hình nghệ thuật này hoàn toàn có thể thích hợp với những ý tưởng sáng tạo, từ nghệ thuật thị giác, nghệ thuật tạo hình cho đến nghệ thuật ứng dụng: thiết kế sản phẩm, thiết kế nội thất, thiết kế nói chung, và một đặc điểm nổi bật là với Trúc chỉ, khoảng cách giữa nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật ứng dụng như được kéo gần lại, rất gần”, Phan Hải Bằng chia sẻ về đường dài của Trúc chỉ.
Điều đó cũng dễ nhận thấy khi ngày càng nhiều sản phẩm Trúc chỉ xuất hiện trong các không gian sảnh sang trọng, kết hợp với các yếu tố thị giác trong trang trí không gian hiện đại.
Thành công khi mang nghệ thuật Trúc chỉ đến với công chúng, song Phan Hải Bằng chỉ nhận mình là người kết nối các giá trị đã có với nhau bằng tâm thức của người sáng tạo, với ý niệm và nỗ lực tạo dựng một giá trị mới trên nền tảng truyền thống.“Tôi ước mơ ngày nào đó, khi nhắc đến Huế, bên cạnh những cơm hến, áo dài, tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, người ta biết còn có Trúc chỉ. Nhắc đến Việt Nam, ngoài giấy dó, giấy điệp, còn có Trúc chỉ” – anh chia sẻ.
Nhiều hy vọng cho Trúc chỉ của Phan Hải Bằng, bởi như nhà văn Bửu Ý viết: “Loại giấy được mệnh danh là “trúc chỉ” này đây khiến tôi liên tưởng tới giấy “dó” ngày xưa của Bắc Ninh, vốn xuất hiện từ rất lâu, khoảng thế kỷ thứ III, thịnh hành từ thế kỷ VIII cho đến thế kỷ XIV, và được sử dụng vào những sinh hoạt cộng đồng quan trọng như là ấn hành những hình tượng chiêm bái của dân gian, hay những loại tiền tín dụng cần thiết trong đổi trao hàng hóa, sản phẩm trong xã hội.
- Xem thêm: Trúc chỉ đi Tây
Kinh qua quá trình lao động trí óc và chân tay, họa sĩ Phan Hải Bằng, từng bước một, vô hình trung chuyển kiếp cho giấy: giấy, từ thân phận làm phương tiện trung thành của nghệ sĩ, đã vươn vai trở thành mục đích của nghệ thuật, bản thân giấy trở thành nghệ thuật, đối tác của nghệ sĩ, song hành trên cùng một đường ray với nghệ sĩ, khác nào một cuộc “hạ cánh” an toàn ngoạn mục.
Bầu bạn với tre trúc là dầm mình vào dòng mát quê hương, là tắm gội cội nguồn…”.
3 địa chỉ chính thức của Trúc Chỉ
– Trúc chỉ km 0: 5 Thạch Hãn, P. Thuận Hòa, TP. Huế.
– Trúc chỉ km 650: Biệt thự 26 – 16B1, Làng Việt kiều châu Âu, Hà Đông, Hà Nội.
– Trúc chỉ km 1000: 2/3A Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM.
Ngoài ra, tại Vinpearl Land Nam Hội An cũng có một không gian riêng của Trúc chỉ.