Navarro là một trong những chủ soái quan trọng và khó đàm phán nhất trong cuộc chiến thương mại của ông Trump đang dấy lên toàn cầu. Ông là “người điên” đằng sau cách tiếp cận được coi là “điên rồ” của ông Trump về chính sách thương mại.
Mỹ không phải là nước khởi xướng chiến tranh thương mại
“Không ai quan tâm đến những gì họ mua”, ông Peter Navarro đã nói với nhà báo Annie Lowrey của tờ The Atlantic như thế. Giám đốc Văn phòng Chính sách Thương mại và Sản xuất giải thích rằng ông đọc nhãn mác rất kỹ và tránh các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc (TQ). “Mọi người cần phải lưu tâm đến những mặt hại của giá rẻ”, ông nói. Theo ý Navarro, cái máy giặt giảm giá cũng có thể đang đe dọa tương lai của nước Mỹ.
Tẩy chay hàng hóa nước ngoài là chính sách của nước Mỹ. Trong năm qua, chính quyền Trump đã lao vào một cuộc chiến thương mại với các mục tiêu địa chính trị sâu rộng: Toàn bộ chính phủ hiện nay có nhiệm vụ làm cho TQ tuân thủ các quy tắc cũng như làm chậm sự thăng tiến của nó. Ông Trump đã áp thuế quan đối với hàng trăm tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ TQ. Và nền kinh tế số hai thế giới không phải là mặt trận duy nhất của cuộc chiến tranh thương mại này.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ và ngăn chặn các nước khác phát triển với phần thiệt hại dành cho nước Mỹ, chính quyền Trump đã thương lượng lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ và bắt đầu các cuộc đàm phán song phương với Liên minh châu Âu, Nhật Bản và các đồng minh khác.
Navarro chính là người đứng sau và khó đàm phán nhất trong cuộc chiến thương mại của ông Trump. Ông là giáo sư trường kinh doanh, một tài phiệt giàu có, một cựu thành viên Peace Corps, cựu đảng viên Dân chủ. Ảnh hưởng của Navarro bắt nguồn từ sự kết hợp giữa ý thức hệ táo bạo và chủ nghĩa giáo điều thái quá.
Ông Navarro và ông Trump đồng quan điểm về một loạt các luận điểm phi chính thống, trong đó có luận điểm rằng TQ đã lợi dụng nước Mỹ trong hai thập niên qua, và các chính sách thương mại diều hâu sẽ mang lại việc làm và sản xuất trở lại Mỹ trong khi thâm hụt thương mại đang tàn phá nước Mỹ, thậm chí phá hoại an ninh quốc gia của Mỹ.
Một số quan chức hàng đầu của ông Trump cũng chia sẻ quan điểm này, trong số đó có Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người đang thực sự điều hành các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ. Nhưng cũng có những người khác, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow, không cùng quan điểm như thế. Họ muốn TQ ngừng ăn cắp tài sản trí tuệ và mở cửa thị trường. Họ không xem việc cắt đứt quan hệ kinh tế TQ – Mỹ là một mục tiêu cần thiết.
Nhưng theo quan điểm của Navarro và ông Trump về thế giới, Mỹ không bắt đầu một cuộc chiến thương mại mà chỉ là một người tham gia. Cựu chiến lược gia Nhà Trắng và là kiến trúc sư trưởng của chiến dịch tranh cử của ông Trump, Steve Bannon, từng nói: “Chúng tôi cuối cùng đã tham gia vào cuộc chiến kinh tế mà họ đã chống lại chúng tôi trong 25 năm qua”.
Trong cuộc xung đột này, vai trò của Navarro là đưa những ý tưởng cực đoan của Trump vào thực tế, đảm bảo rằng niềm tin của tổng thống không bị suy yếu khi các quan chức khác thuyết phục ông đàm phán. Ông là “người điên” đằng sau cách tiếp cận “điên rồ” của ông Trump về chính sách thương mại, để làm cho thế giới tin rằng tổng thống có thể và sẽ làm bất cứ điều gì để khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại.
Quá khứ nhiều thất bại
Navarro lớn lên ở bờ Đông nước Mỹ. Ông đã giành học bổng và vào học tại Đại học Tufts, đã tham gia chương trình Peace Corps (một chương trình hòa bình) ở Thái Lan, sau đó tới Harvard để lấy bằng tiến sĩ kinh tế, sau đó lại xuống miền Nam California để dạy học. Nhưng ông không bao giờ gắn cuộc đời mình với nghiệp dạy học “nhàm chán”.
Cuối những năm 1980, Navarro đã chạy đua cho nhiều chức vụ, từ thị trưởng, thành viên hội đồng thành phố, đến giám sát quận… Lần nào ông cũng thất bại, nhưng cũng nổi danh vì sự thô lỗ của mình. Ông đã từng nói những điều không hay khiến đối thủ của mình rơi nước mắt trong một cuộc tranh luận.
Mãi cho đến giữa thập niên 2000, Navarro mới quan tâm đến TQ, lấy cảm hứng từ thực tế là các sinh viên của mình, những người đang học MBA vào ban đêm, bắt đầu mất việc mà họ làm vào ban ngày. Ông đã xuất bản ba cuốn sách diều hâu và một phim tài liệu khổng lồ, có tên Death by China (tạm dịch Chết vì Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đã vươn lên bằng cách bán hàng hóa nguy hiểm cho nước Mỹ và phớt lờ các quy định thương mại toàn cầu.
Cuốn Death by China có đoạn nói rằng TQ đã “đánh cắp” các nhà máy và công việc của Mỹ, rằng mối quan hệ kinh tế TQ – Mỹ khiến Mỹ có nhiều khả năng bị tấn công hạt nhân hơn, và các công ty Mỹ bị tổn hại bởi vì nhiều giám đốc điều hành của họ là người nước ngoài.
Không phải tất cả các quan điểm của Navarro đều bị xem là quá đáng. Ngay cả những người chỉ trích ông cũng cho rằng ông đúng trong vài điều quan trọng. Việc TQ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới đã gây tổn hại cho nước Mỹ nhiều hơn những gì mà giới tinh hoa ở Washington dự đoán.
Việc TQ không quan tâm đến sự suy thoái của môi trường và tiêu chuẩn lao động lỏng lẻo khiến hàng hóa xuất khẩu của TQ rẻ hơn, do đó có tính cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu. Để thúc đẩy sự đi lên của mình, Bắc Kinh đã phá vỡ các quy tắc thương mại, phá giá tiền tệ của mình.
Nhưng các nhà kinh tế ở cả cánh hữu và cánh tả đều nói rằng quan điểm thương mại cơ bản của Navarro là lỗi thời, đi chệch hướng, hoặc chỉ đơn giản là sai lầm. Ví dụ, ông đã lập luận rằng việc giảm thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ dẫn đến việc mở rộng kinh tế. Trong một số trường hợp, thâm hụt thương mại có thể đi đôi với nền kinh tế mạnh hơn – nếu các doanh nghiệp Mỹ bán thêm máy bay và hệ thống máy tính tiên tiến cho người mua ở nước ngoài.
Như Greg Mankiw, một nhà kinh tế hàng đầu của Tổng thống George W. Bush, từng nói rằng sự hiểu biết của Navarro về kinh tế thương mại không bằng “ngay cả một sinh viên năm nhất”. Hơn nữa, các nhà kinh tế cho rằng không có cách nào để mang lại việc làm từ chiến tranh thương mại với TQ vì chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia ngày nay quá phức tạp. Ví dụ, tất cả các xe ôtô “sản xuất tại Mỹ” đều sử dụng các bộ phận sản xuất ở nước ngoài – từ Canada, Trung Quốc, Brazil, Mexico, Hàn Quốc. “Bạn không thể sắp xếp lại món trứng tráng toàn cầu hóa này”, Jared Bernstein, cựu kinh tế gia của Phó tổng thống Joe Biden, nhận định.
Sự ưu ái của Tổng thống Trump
Quan điểm diều hâu của Navarro đã khiến ông không được lòng nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia thương mại và các chuyên gia châu Á của Washington. Tuy nhiên, nó mở đường cho ông vào chính quyền, nơi ông đã tìm thấy ông chủ Nhà Trắng, người thậm chí cũng đồng thuận với những quan điểm khác người nhất của ông. Tổng thống và cố vấn thương mại của ông có những đặc điểm cá tính tương đồng, điều có thể đã giúp Navarro nhận được sự ưu ái của ông chủ nổi tiếng hay thay đổi.
Trong quá trình tranh cử của ông Trump, Navarro cùng với Wilbur Ross là những kiến trúc sư chính của chính sách thương mại của Trump, đưa ra tầm nhìn của ông Trump về TQ như một nhân vật phản diện và đưa ra kế hoạch để kiềm chế cường quốc đang lên này. Khi ông Trump nhậm chức, ông đã tạo ra Hội đồng Thương mại Quốc gia và cử Navarro lãnh đạo cơ quan này. “Peter của tôi”, như Trump đôi khi gọi Navarro, được trọng dụng và ông Trump cuối cùng đã có cuộc chiến thương mại của mình.
Navarro phản biện rằng: “Tất cả những gì chúng tôi đang làm là bảo vệ đất nước này khỏi sự xâm lược kinh tế của TQ và những người khác”. Có lẽ như thế. Nhưng các đồng minh của Mỹ lại đang lẩn tránh. Nhiều nước chỉ án binh bất động với chính quyền Trump. Khi thuế quan có hiệu lực, các công ty phụ thuộc vào các bộ phận nhập khẩu đang bắt đầu sa thải nhân viên. Giá tiêu dùng đang bắt đầu tăng lên, và có bằng chứng rằng cuộc chiến thương mại đang kéo lùi nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, thâm hụt thương mại đang tăng lên, không giảm xuống.
“TQ tiếp tục tham gia vào các hình thức thương mại không công bằng tồi tệ nhất. Chúng tôi đang nói chuyện với họ, nhưng họ vẫn còn gắn bó với những hành vi thương mại như thế”, Navarro nhấn mạnh. Cuộc chiến có vẻ như mới chỉ mới bắt đầu với “người điên” Navarro.