Nhiều nước đồng minh gần gũi của Israel bỏ phiếu trắng, trong đó có Đức, Anh, Hà Lan. Các nước châu Âu khác như Ý, Pháp, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Luxemburg, Na Uy và Đan Mạch bỏ phiếu ủng hộ.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice cho rằng kết quả bỏ phiếu là phản tác dụng, cản trở tiến trình hòa bình và nói thêm: “Chính phủ Mỹ yêu cầu Palestine và Israel nối lại đàm phán hòa bình mà không đưa ra những điều kiện tiên quyết”.
Phát ngôn viên chính phủ Israel Mark Regev nói rằng cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc là “kịch bản chính trị tiêu cực” sẽ “làm tổn hại hòa bình”.
Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định đây là “cơ hội cuối cùng để cứu một giải pháp hai nhà nước” với Israel.
Trên cương vị “nước quan sát viên”, chính quyền Palestine có quyền làm việc trong các ủy ban của Liên Hiệp Quốc nhưng không có quyền bỏ phiếu. Quy chế “nhà nước quan sát viên” chính là một bước đệm để Palestine trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc.
Phản ứng trước sự kiện này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã quyết định xây thêm 3.000 đơn vị nhà ở nữa ở Đông Jerusalem và Bờ Tây, một kế hoạch từng bị người Palestine phản đối mạnh mẽ với lý do điều này sẽ chia cắt Bờ Tây thành hai bộ phận, cản trở việc thành lập một nhà nước Palestine thống nhất.
Khoảng 500.000 người Do Thái hiện đang sống ở hơn 100 khu định cư được xây kể từ khi Bờ Tây và Đông Jerusalem bị chiếm đóng. Các khu định cư này được xây không tuân theo luật pháp quốc tế.
Các nhà đàm phán Palestine khẳng định việc xây dựng các khu định cư Do Thái trên vùng đất chiếm đóng phải dừng lại trước khi họ nhất trí nối lại đối thoại trực tiếp. Phía Israel tuyên bố không thể có điều kiện tiên quyết nào.
Thiên Nhật