Nuôi giun đất trong bếp để làm thực phẩm giàu chất dinh dưỡng tưởng như là chuyện hão huyền, nhưng có hai cô gái trẻ đã thực hiện được nhờ một công cụ đơn giản tự sáng chế, tạo ra chất đạm hữu cơ bền vững. Công cụ này được thiết kế thanh tú, màu trắng ngà, có hình dáng một cái hộp nhiều ngăn, mỗi tuần nuôi được 500 gram giun đất, có thể sử dụng để ăn ngay hoặc tán thành bột dùng lâu dài.
“Ấu trùng được đưa vào ngăn trên cùng, nuôi dưỡng, khi đạt tới kích thước 3cm giun đất tự lọt xuống ngăn kéo bên dưới cho thu hoạch. Nhưng phải đưa vào ngăn đông lạnh, sau đó mới dùng như thịt động vật – xào, nướng, chiên… làm nước xốt” – Katharina Ùnger, 25 tuổi, từ tốn giảng giải. Cùng với Julia Jaisinger 28 tuổi, hai phụ nữ trẻ này đầu tư 150 ngàn euro lập xưởng chế tạo và đã có đơn đặt hàng 200 chiếc với giá 450 euro/chiếc. Cũng là nhờ có sự bảo trợ tối đa từ Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO). Tổ chức này coi sáng chế của hai cô gái Áo là một đóng góp tích cực cho an ninh thực phẩm trên hành tinh.
Hiện nay, hai tỉ người châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh hằng ngày ăn côn trùng. Châu Âu ngày xưa, người Ý, Hy Lạp đã coi côn trùng là một nguồn thực phẩm thiết yếu. Hiện tại, thực phẩm côn trùng đã trở lại vị trí vốn có ở châu Âu, Bắc Mỹ – với những cửa hàng, cửa hiệu bán khô giun đất, châu chấu rang, bò cạp chiên giòn… Nhưng Katharina Ungerv vẫn than vãn chẳng mấy ai chịu nuôi tại nhà giun đất ăn được: “Tôi sinh ra và lớn lên ở quê sản xuất thực phẩm thông thường. Lên phố, tôi cứ băn khoăn sao không sản xuất thực phẩm bổ dưỡng và an toàn. Nuôi côn trùng không những làm ra thực phẩm thân thiện với môi trường mà còn làm giảm rác hữu cơ trong nhà nữa. Nuôi bò tốn 1/4 lương thực, chiếm 10% đất canh tác. Giun đất không tốn kém gì, cũng tạo ra chừng ấy đạm, lại nhiều sinh tố B12 hơn trứng, nhiều chất xơ hơn cải bông xanh”.
Trong báo cáo năm 2013, FAO nhấn mạnh côn trùng không chỉ là nguồn đạm tiềm năng cho con người mà cho cả gia súc nữa.
Lê Lành theo The local (DNSGCT)