Như đã được cảnh báo từ nhiều năm nay, Quỹ Bảo hiểm xã hội của chúng ta có nguy cơ mất cân đối do mức hưởng quá cao trong khi mức đóng thấp và tình trạng bội chi đang tiếp tục xảy ra. Báo cáo của Cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) tại buổi họp báo giữa tuần qua cho thấy một bức tranh màu xám về tình hình này. Chỉ riêng việc chi trả cho bảo hiểm y tế trong sáu tháng đầu năm 2017, chi khám chữa bệnh đã lên đến hơn 41.000 tỉ đồng, vượt 6.500 tỉ đồng so với cùng thời gian năm trước, nhiều địa phương đến thời điểm này đã chi gần hết khoản tiền dự kiến cho cả năm. Cơ quan BHXH báo động nếu không có những biện pháp quyết liệt thì năm nay bội chi của Quỹ Bảo hiểm y tế có thể lên đến 10.000 tỉ đồng và sẽ tiêu hết khoản dự phòng 50.000 tỉ đồng vào năm 2020.
Những thông tin này làm đậm nét thêm khuyến nghị Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra hồi đầu năm nay theo đó Việt Nam cần mở rộng độ bao phủ BHXH để tăng lượng người tham gia, tránh nguy cơ mất cân đối dài hạn nguồn quỹ này. Theo tính toán của ILO nếu không có điều chỉnh về chính sách thì quỹ lương hưu và tử tuất ở Việt Nam sẽ mất cân đối vào năm 2034.
Thật ra thì chúng ta cũng đã có nhiều cố gắng trong việc tăng đáng kể diện bao phủ BHXH trong 10 năm qua, tuy vậy độ bao phủ này còn thấp trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lao động hợp đồng ngắn hạn, trong khi lao động phi chính thức, lao động nông thôn chưa tham gia BHXH mà chỉ tham gia Bảo hiểm y tế vì lợi ích trước mắt.
Từ năm 1995 đến nay, chính sách BHXH được mở rộng đối tượng trong các doanh nghiệp sử dụng 10 lao động trở lên, rồi tiếp tục mở rộng cho lao động hợp đồng ba tháng trở lên. Dự kiến đầu năm 2018, đối tượng tham gia BHXH tiếp tục mở rộng đến lao động hợp đồng từ một tháng trở lên, đồng thời tạo điều kiện để người nước ngoài tham gia BHXH tại Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2016, đã có trên 13 triệu người tham gia BHXH, chiếm 24% lao động trong độ tuổi. Hằng năm, khoảng 4,5 triệu người được hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn và khoảng 150.000 người hưởng các chế độ BHXH dài hạn. Nếu tính cả đối tượng hưởng trợ cấp xã hội dành cho người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có công thì có đến 50% người cao tuổi ở Việt Nam được hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng. Đây vừa là thành quả, vừa là áp lực đối với Quỹ BHXH nếu không mở rộng diện bao phủ.
Ban An sinh xã hội của ILO đề xuất nhiều phương án mở rộng diện bao phủ BHXH ở nước ta trong đó có giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu, cứ mỗi năm tăng một tuổi và thực hiện từ năm 2018 tới đây. Đây là một đề xuất hợp lý cần được nghiên cứu nhất là khi việc nghỉ hưu sớm trong tình hình dân số lão hóa, tuổi thọ trung bình ngày càng gia tăng tạo gánh nặng cho Quỹ BHXH. Có một thống kê minh họa cho tình trạng này: Tuổi thọ bình quân của người nghỉ hưu (tức kỳ vọng sống sau tuổi hưu) đối với nam là 79 và nữ là 80. Với quy định tuổi nghỉ hưu hiện nay (nam 60, nữ 55), thì trung bình thời gian hưởng lương hưu là 19 năm với nam và 25 năm với nữ, nhưng hiện nay tiền đóng bảo hiểm chỉ đủ chi trả trong 10 năm. Điều này giải thích tại sao cần thiết mở rộng độ bao phủ BHXH. Đây chính là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội Việt Nam nhằm tạo một sự tin tưởng để người lao động yên tâm cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Vì vậy, đơn giản hóa quy trình thụ hưởng chính sách, xóa bỏ ranh giới hành chính địa phương là những việc cần làm sớm nhất nếu muốn thuyết phục ngày càng nhiều người tham gia BHXH.
- Ngọc Anh
Xem thêm: