Thêm một thảm kịch về cuồng sát diễn ra tại Mỹ làm ít nhất 14 người chết trong đó có một người Việt Nam và 17 người khác bị thương hôm 3-12 khi ba người xông vào một trung tâm đào tạo người khuyết tật ở thành phố San Bernardino, bang California và bắt đầu xả súng. Nạn nhân Việt tử vong là Nguyễn Thị Thanh Tín, 31 tuổi nhân viên làm việc tại trung tâm này.
Vài giờ sau, cảnh sát bắn chết hai nghi can trong khu dân cư Redlands, California gần đó, khi phát hiện một chiếc xe thể thao đa dụng (SUV) mà những tay súng dùng làm phương tiện tẩu thoát. Một sĩ quan cảnh sát bị thương không nguy hiểm tới tính mạng.
Cảnh sát trưởng San Bernardino Jarrod Burguan nói rằng hai nghi can tử vong là một người đàn ông và một người phụ nữ mặc trang phục kiểu tấn công và trang bị súng trường và súng ngắn. Cuộc điều tra sau đó xác minh đó là đôi vợ chồng tên Syed Farook (28 tuổi) và Tashfeen Malik (27 tuổi) đều là tín đồ Hồi giáo từng tuyên thệ trung thành với tổ chức IS trên Facebook.
Nghi phạm thứ ba bị bắt khi đang tìm cách bỏ chạy khỏi vụ đấu súng ở chiếc xe SUV.
San Bernardino cách thành phố Los Angeles khoảng một giờ lái xe. Cảnh sát trưởng Jarrod Burguan cho báo chí biết những tay súng tới nơi với tâm thế sẵn sàng giết người.
Cơ sở nơi vụ nổ súng diễn ra, Trung tâm Khu vực Nội địa, được thành lập hơn 40 năm trước để giúp đỡ những người khuyết tật trong quá trình phát triển.
Phát biểu trên đài truyền hình CBS, Tổng thống Barack Obama nói mức độ xảy ra những vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ là không có nơi nào khác trên thế giới sánh bằng.
Ông nói thêm rằng nhà chức trách ở mọi cấp chính quyền nên hợp sức trên cơ sở lưỡng đảng để biến những vụ nổ súng trở thành điều hiếm hoi thay vì điều bình thường.
Mỗi khi phải phát biểu trước truyền thông sau những vụ thảm sát bằng súng ở Mỹ, ông Obama luôn chỉ trích các cuộc vận động hành lang về luật sở hữu súng khi không thể bắt Quốc hội thông qua điều luật kiểm soát việc sở hữu súng đạn. Và ông lại tiếp tục kêu gọi và kêu gọi nước Mỹ phải hành động, hết lần này đến lần khác.
Ông nói rằng: “Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới có những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần hay muốn hãm hại cộng đồng. Nhưng chúng ta là quốc gia duy nhất trên trái đất này phải chứng kiến các vụ xả súng xảy ra hằng tháng”.
Vụ nổ súng hôm 3-12 xảy ra chưa đầy một tuần sau khi một tay súng giết chết ba người và làm bị thương chín người khác trong một vụ xả súng tại một cơ sở y tế của tổ chức Planned Parenthood ở thành phố Colorado Springs, bang Colorado. Trước đó, vào đầu tháng 10, một tay súng giết chết chín người tại một trường đại học ở bang Oregon và hồi tháng 6 một tay súng người da trắng bắn chết chín giáo dân người da đen trong một nhà thờở bang South Carolina.
Những con số biết nói
Như mọi khi, vụ xả súng lần này lại một lần nữa thổi bùng trở lại những tranh cãi xung quanh câu chuyện kiểm soát súng tại Mỹ.
Kể từ đầu năm đến nay, nước Mỹ đã phải chứng kiến tổng cộng 295 vụ bạo lực liên quan đến súng đạn. Theo Everytown for Gun Safety, một hiệp hội đấu tranh để gia tăng kiểm soát súng ghi nhận, mỗi ngày trung bình có 88 người Mỹ chết vì súng.
Thực tế, số công dân Mỹ thiệt mạng trong các vụ nổ súng bạo lực còn cao hơn so với con số tử vong trong các cuộc tấn công khủng bố.
Thậm chí, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng chỉ ra một sự thật rằng nước Mỹ sẵn sàng chi hàng nghìn tỉ USD để ngăn chặn các hoạt động khủng bố nhưng lại chưa siết chặt các biện pháp an toàn súng đạn mà có thể cứu được mạng sống của nhiều người.
Những con số thống kê thực tế của chính phủ Mỹ về sử dụng súng tại nước này sẽ khiến không ít người phải giật mình.
Bạo lực do súng đạn:
– Từ đầu năm 2015 đến nay đã có tới 249 vụ xả súng tại Mỹ.
– 30 người chết liên quan tới súng đạn mỗi ngày.
– Tỷ lệ tự sát bằng súng tại Mỹ cao nhất thế giới: 29,7 trường hợp/1 triệu dân.
– Trong một cuộc khảo sát, 71,4% số người được hỏi từng bị dọa giết bởi những kẻ cầm súng.
– 13 Tổng thống Mỹ từng bị tấn công bằng súng và bốn người đã thiệt mạng.
Tình trạng sở hữu súng:
– Mỹ chỉ chiếm 4,43% dân số thế giới nhưng lại chiếm tới 42% lượng súng do dân thường sở hữu.
– Khoảng 310 triệu khẩu súng đang lưu hành tại Mỹ.
– Trung bình cứ 100 người Mỹ sở hữu tới 89 khẩu súng.
– 52% người dân Mỹủng hộ việc sở hữu súng.
Mua súng:
– 32/50 bang không yêu cầu kiểm tra lý lịch khi mua súng đối với khách lẻ.
– 40% lượng súng bán ra từ các cửa hàng không được cấp phép.
– Doanh thu bán súng đạn mỗi năm đạt khoảng 3,5 tỉ USD.
Điều đáng nói, chỉ hai ngày sau vụ xả súng đẫm máu ở bang Oregon hồi tháng 10 vừa qua, Hội chợ súng Quốc gia (Nation’s Gun Show) ở Mỹ vẫn diễn ra nhộn nhịp và đông vui tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Dulles, Chantilly, bang Virginia.
Tại đây, đủ các loại súng ngắn được bày bán la liệt với hàng ngàn khách hàng cùng nhiều đại lý cùng nhau tập trung ở sự kiện thường niên này.
Khách hàng có thể thoải mái lựa chọn hàng loạt các loại súng như súng trường, súng ngắn, súng săn… Khoảng 100.000 khẩu súng của 270 nhà sản xuất hiện diện ở hội chợ.
Những tranh cãi gay gắt
Các vụ thảm sát cũng làm dấy lên nhiều tranh luận quyết liệt giữa các ứng cử viên chạy đua vào chức tổng thống Mỹ.
Về phía đảng Cộng hòa, không có bất cứ ứng viên nào ủng hộ luật kiểm soát chặt chẽ hơn việc sử dụng vũ khí. Ứng cử viên Carly Fiorina chỉ trích chính phủ Obama đã không đốc thúc việc tuân thủ luật pháp hiện hành về kiểm soát lý lịch tư pháp của những người mua súng. Đối với ứng viên Jeb Bush, đảng Cộng hòa, việc hạn chế vũ khí không phải là giải pháp cho phép ngăn chặn các vụ thảm sát. Ứng cử viên Donald Trump lên án tình trạng người bệnh tâm thần dễ dàng có điều kiện tự trang bị vũ khí.
Về phía đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đặt câu hỏi: tại sao người Mỹ lại bất lực trước hiệp hội NRA (National Rifle Association) hùng mạnh và các nhà sản xuất vũ khí mà hiệp hội này đại diện? Phát biểu của bà Clinton nhắm vào không chỉ đảng Cộng hòa, mà cả đối thủ Bernie Sanders, thượng nghị sĩ Vermont, một tiểu bang nơi súng săn rất thịnh hành. Ứng cử viên Sanders vốn có lập trường không triệt để trong vấn đề này.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Obama đã có nhiều động thái tích cực để thi hành chính sách kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn bằng các đạo luật. Tuy nhiên, khi chỉ còn chưa đầy một tháng nắm quyền nữa, ông Obama giãi bày rằng việc vận động thông qua luật kiểm soát súng đạn vẫn là điều khiến ông bó tay và thừa nhận đây là thất bại lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông.
Theo AFP, Tổng thống Barack Obama khẳng định tuy có rất ít quyền lực trong việc siết chặt luật kiểm soát súng đạn, song ông cam kết sẽ tiếp tục đưa vấn đề này ra thảo luận, biến nó thành một vấn đề chính trị quan trọng. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng kêu gọi các nghị sĩ ủng hộ việc thúc đẩy luật bảo đảm an toàn súng đạn vốn đang bị bế tắc tại Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Theo nhiều nhà quan sát, văn hóa dùng súng đã bắt rễ quá sâu sắc tại Hoa Kỳ. Trả lời AFP, Joan Burbick, nữ tác giả cuốn Gun Show nation về ám ảnh súng ống của người Mỹ, nhận định: “Mỗi vụ thảm sát bằng súng càng củng cố niềm tin của người Mỹ thế giới này là nguy hiểm và vì vậy việc sở hữu vũ khí cho phép họ tự vệ”.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người Mỹ tin vào sự thay đổi. Ông Gregg Carter, một chuyên gia về vấn đề vũ khí tại Hoa Kỳ, hy vọng điều này sẽ đến khi tiếng nói của hàng triệu dân nhập cư hợp pháp từ châu Mỹ Latinh và châu Á, vốn không có văn hóa sử dụng súng cá nhân, có trọng lượng hơn trong xã hội Mỹ.
Cho đến nay, Quốc hội Mỹ chưa ra được bất cứ đạo luật nào nhằm siết chặt các quy định về mua bán, sở hữu và sử dụng súng, khi gần như hộ gia đình nào ở nước này cũng cất súng trong nhà để phòng thân.
Theo quy định, những người mua súng ở Mỹ đều phải điền vào tờ khai do Cục Quản lý rượu, thuốc lá, súng và chất nổ Mỹ (ATF) phát hành, sau đó những thông tin họ khai sẽ được gửi tới FBI xác minh. Toàn bộ quá trình này chỉ diễn ra trong vòng vài phút, và nhiều khi chỉ mang tính thủ tục, bởi rất nhiều đối tượng có tiền án tiền sự vẫn dễ dàng lọt qua khâu xác minh này.
CNN cho biết tỷ lệ người mua súng không vượt qua được khâu xác minh này chưa đến 1%, và trong 10 năm qua, chỉ có khoảng 700.000 người bị từ chối trong tổng số hơn 100 triệu người đăng ký mua súng.
Trong một phát biểu sau thảm sát Oregon, Tổng thống Obama cho biết: “Kể từ sau vụ 11-9 cách đây 14 năm, số người Mỹ bị bọn khủng bố giết hại tính đến nay chưa đầy 100, nhưng có đến hàng chục ngàn người Mỹ bị giết trong các vụ bạo lực súng đạn cũng trong thời gian đó. Việc không giải quyết được vấn đề này là điều khiến tôi rất phiền muộn. Mỗi lần vụ việc như vậy xảy ra, tôi đều phải lặp lại những điều mà chúng ta cần làm. Và chúng ta cần phải thay đổi luật lệ của mình. Đây là một sự lựa chọn chính trị mà chúng ta cần phải làm. Chúng ta cần phải có câu trả lời cho những gia đình đã mất đi người thân sau những vụ việc đáng tiếc này”.
Không khó để dự đoán, đây chẳng phải là lần cuối cùng tổng thống Mỹ nói lên thực trạng đau lòng như thế trong thời gian còn lại làm tổng thống.
- Tổng hợp