Ngày 18-4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khẩn cấp kêu gọi các nước cần hành động ngay, như giảm nợ công, xây dựng vùng đệm chính sách,… để đối phó với những thách thức, nguy cơ khó tránh trong tương lai – suy thoái, kinh tế tăng trưởng chậm lại…
Ông Victor Gaspar, Giám đốc Vụ ngân sách IMF, cho biết tổng nợ của thế giới đã lên đến 164.000 tỉ USD, bằng 225% tổng sản phẩm toàn cầu, tăng 12% so với đỉnh nợ lịch sử năm 2009, khi kinh tế thế giới suy thoái, khởi đầu từ vụ Ngân hàng Lehman Brothers phá sản (năm 2008).
Những năm qua, các nước phải ra sức bơm tiền giải cứu các tổ chức tài chính gặp khó khăn để khôi phục kinh tế, các ngân hàng trung ương thì hạ lãi suất xuống mức thấp nhất có thể. Chính sách kích thích phục hồi kinh tế kéo dài càng làm cho chính quyền, công ty và cá nhân thêm nợ nần.
Victor Gaspar nhấn mạnh là hầu hết các khoản nợ đến từ các nước tiên tiến. Không nền kinh tế nào thoát gánh nặng nợ nần, chẳng hạn nợ tài chính Mỹ đã tăng 43% kể từ năm 2007. Giờ đây, khi môi trường kinh tế còn thuận lợi, các quốc gia cần hành động quyết liệt để nền kinh tế không bị suy thoái do nợ.
Nhiều tháng nay, Tổng giám đốc IMF, bà Christine Lagarde đã khuyến khích các nước tranh thủ chu kỳ tăng trưởng kinh tế hiện nay để chấn chỉnh, cải cách, sẵn sàng đối đầu với một cuộc khủng hoảng kế tiếp có thể xảy ra.
Nợ của các nước đang phát triển như ở châu Phi không còn ở mức đỉnh lịch sử, nhờ chính sách giãn nợ từ các nước chủ nợ. Tuy nhiên, 40% các nước thu nhập thấp đang có mức rủi ro cao do gánh nặng nợ nần chồng chất. Lãi suất lại đang tăng mạnh, đặc biệt là ở các nước có mức lạm phát cao. Lãi suất đã tăng gấp đôi trong mười năm qua.
Giá cả hàng hóa tăng mạnh khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ phải tăng lãi suất cao hơn mức dự kiến. Các nước đang phát triển càng thêm khó, bởi các khoản nợ đều quy ra USD.
– Theo Le Monde, Chicago Tribune