Nhân sự kiện lạm phát xảy ra mới đây tại Venezuela khiến chính phủ nước này phải phát hành đồng tiền bolivar mới, tạp chí Listverse của Anh cuối tháng 8.2018 đã đề cập tới một số vụ lạm phát được xem là đen tối nhất trong lịch sử nhân loại.
Tổng quan về lạm phát
Theo Bách khoa thư mở, trong kinh tế vĩ mô, lạm phát là sự tăng mức giá chung của hàng hóa, dịch vụ và sự giảm giá trị tiền tệ của một quốc gia so với tiền tệ của quốc gia khác.
Lạm phát của một loại tiền tác động đến nền kinh tế sử dụng loại tiền đó. Ngược với lạm phát là giảm phát. Nếu chỉ số lạm phát bằng 0 hay một chỉ số dương nhỏ thì được gọi là sự “ổn định giá cả”.
Nguyên thủy, thuật ngữ inflation được dùng để chỉ các gia tăng trong số lượng tiền trong lưu thông theo cách mà một số nhà kinh tế vẫn sử dụng, nhưng thiên về gia tăng trong mức giá.
Sự gia tăng cung tiền có thể được gọi là lạm phát tiền tệ, để phân biệt với sự tăng giá cả, mà cũng có thể được gọi cho rõ ràng là “lạm phát giá cả” và về lâu dài, lạm phát là do tăng cung tiền.
Các khái niệm kinh tế khác liên quan đến lạm phát bao gồm: giảm phát – một sụt giảm trong mức giá chung; thiểu phát – giảm tỷ lệ lạm phát; siêu lạm phát – một vòng xoáy lạm phát ngoài tầm kiểm soát; tình trạng lạm phát – một sự kết hợp của lạm phát, tăng trưởng kinh tế chậm và thất nghiệp cao, và tái lạm phát – một nỗ lực nâng cao mức giá chung để chống lại áp lực giảm phát.
Phổ biến nhất, thuật ngữ inflation đề cập đến sự gia tăng chỉ số giá mở rộng đại diện cho mức giá tổng thể đối với hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá chi tiêu, tiêu dùng cá nhân (PCEPI) và số giảm phát GDP là một số ví dụ về các chỉ số giá mở rộng.
Tuy nhiên, lạm phát cũng có thể được sử dụng để mô tả một sự tăng mức giá trong một tập hợp hẹp của tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế, chẳng hạn như hàng hóa, tài sản hữu hình, tài sản tài chính (như cổ phiếu, trái phiếu), dịch vụ hoặc lao động.
- Xem thêm: Áp lực lạm phát có đáng lo?
Lạm phát cơ bản là một thước đo lạm phát cho một tập hợp con của giá tiêu dùng không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng và giảm hơn so với các giá cả khác trong ngắn hạn.
Bởi vậy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đặc biệt quan tâm đến tỷ lệ lạm phát cơ bản để có dự báo tổng thể về xu hướng lạm phát dài hạn trong tương lai một cách chính xác hơn.
Những vụ siêu lạm phát đen tối nhất trong lịch sử
1. La Mã cổ đại (năm 200)
Siêu lạm phát được xem là một trong những nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của đế chế La Mã cổ đại. Nó bắt đầu vào khoảng năm 200, khi dịch Antonine càn quét một phần lớn dân số La Mã, dẫn đến sự khan hiếm công nhân và tăng lương nhanh chóng.
Sự kiện này là ngòi nổ gia tăng giá hàng hóa, trong khi đó quân đội La Mã lại đang tiến hành những cuộc chinh phạt ở nhiều nơi, Rome cần tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng lãnh thổ mới chiếm được.
Chính phủ La Mã đã quyết định hạ thấp chất lượng đồng tiền bạc bằng cách trộn thêm tạp chất.
Điều này sẽ giúp in ra được nhiều tiền hơn, nhưng người dân lại nhanh chóng phát hiện ra những đồng tiền bạc mất đi sự thuần khiết, khiến hàng hóa tăng vọt để đền bù sự thâm hụt.
Cuộc chiến tiền tệ tiếp tục diễn ra dưới nhiều triều đại, làm cho lạm phát ngày thêm trầm trọng hơn. Từ năm 200 đến năm 300, tiền xu La Mã tăng vọt 15.000%.
Vào đỉnh điểm, Hoàng đế Diocletian (284-306) phải áp dụng cách cố định giá bằng cách đưa các thương gia đến chợ đen.
Các hoàng đế khác tiếp tục áp dụng cách làm này, đưa thêm nhiều thương gia vào thị trường chợ đen.
Vào thời điểm sụp đổ của đế chế La Mã, lạm phát nghiêm trọng đến mức chính phủ không còn khả năng trả lương cho quân đội, mặc dù thuế vẫn cao kỷ lục, quân đội nổi loạn dẫn đến sự sụp đổ của chế độ.
2. Ba Lan (năm 1923)
Ba Lan giành được độc lập một lần nữa vào năm 1918, nhưng vẫn không ổn định khi chiến tranh với Nga. Không có nguồn thu nhập khả thi, chính phủ bắt đầu in tiền để tài trợ cho chiến tranh nhưng do in quá nhiều khiến đồng tiền Ba Lan trở nên bất ổn, rơi vào lạm phát năm 1923.
Vụ lạm phát diễn ra vào cuối ngày 31 tháng 5 năm 1923, một đô la Mỹ đánh bay 52.875 đồng mark của Ba Lan. Đến cuối tháng 12 tăng vọt lên 6,4 triệu mark và đến đầu tháng giêng 1924 tăng tới 10,3 triệu mark.
Do siêu lạm phát, các ngành công nghiệp phải đóng cửa, mọi người không thể mua được hàng hóa. Số ít cửa hàng vẫn hoạt động, nhưng buộc phải sa thải công nhân hoặc công nhân phải thay phiên làm việc.
Khi đạt tới đỉnh điểm lạm phát, chính phủ buộc phải phát hành đồng tiền mệnh giá 50 triệu mark, đồng 100 triệu mark cũng đã được lên kế hoạch phát hành nhưng sau phải ngưng lại.
3. Trung Quốc (1937-1949)
Lạm phát ở Trung Quốc diễn ra từ năm 1937 đến năm 1949 là kết quả của việc in tiền của chính phủ tài trợ cho các cuộc chiến. Đầu tiên là cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai và tiếp đến là cuộc nội chiến Trung Quốc.
Năm 1937, một đô la Mỹ bằng 3,41 nhân dân tệ (NDT). Năm 1945, tăng lên 1.222 NDT, và đến năm 1949, tăng vọt lên 23,3 triệu NDT. Trước khi lạm phát, các ngân hàng tư nhân nhân chịu trách nhiệm tự phát hành tiền.
Năm 1927, Quốc Dân đảng lên nắm quyền và bắt đầu tài trợ ngân sách bằng cách vay tiền từ các ngân hàng này.
Các ngân hàng sau đó đã từ chối cho chính phủ vay vì sợ không trả nợ được. Chính phủ đã phản ứng bằng cách tạo ra Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (CBC) để phát hành trái phiếu cho các ngân hàng này nhằm đổi lấy tiền.
Năm 1931, trái phiếu mất giá một nửa sau khi Nhật Bản sáp nhập Mãn Châu. Khi các ngân hàng từ chối mua thêm trái phiếu, chính phủ đã thông qua một đạo luật yêu cầu các ngân hàng mua trái phiếu mức 25% tiền gửi.
Các ngân hàng vẫn từ chối mua trái phiếu. Ngân hàng Trun Quốc (BoC) thậm chí còn bán cả trái phiếu của mình khi mất giá.
Điều này khiến cho lạm phát thêm trầm trọng, khiến chính phủ phải tiếp quản hai ngân hàng lớn nhất thời điểm đó là Ngân hàng Trung Quốc (BoC) và Ngân hàng Truyền thông (BC), và tất cả các ngân hàng khác còn lại.
Nhiều vấn đề phức tạp tiếp tục xảy ra sau khi Kho bạc Mỹ bắt đầu mua bạc của Trung Quốc. Một lượng lớn bạc của Trung Quốc đã được buôn lậu ra khỏi lãnh thổ để lên đường sang Mỹ; điều này làm cho đồng NDT sụt giá thảm hại.
- Xem thêm: Khi người Venezuela rời bỏ “thiên đường”
Khi tới đỉnh điểm, chính phủ Trung Quốc bắt đầu công bố tiêu chuẩn mới về bạc vào năm 1935.
Với tiêu chuẩn này, chính phủ đã kiểm soát toàn bộ ngân hàng và bắt đầu in tiền, in nhiều tiền đến nỗi máy móc phải làm việc hết công suất và phải nhờ Anh in hộ.
Siêu lạm phát là lý do khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc do Mao Trạch Đông đứng đầu được rất nhiều người ủng hộ.
Cuộc chiến kết thúc với những người theo Quốc Dân đảng chạy trốn sang Đài Loan, còn những người Cộng sản lên nắm quyền kiểm soát, đồng nhân dân tệ cũ được thay bằng đồng nhân dân tệ mới với tỷ lệ ba triệu NDT cũ ăn 1 NDT mới.
4. Mỹ
13 thuộc địa mà sau này tạo nên nước Mỹ đã tài trợ tiền giấy đô la lục địa (đồng tiền đầu tiên của nước Mỹ) cho cuộc chiến tranh cách mạng chống lại người Anh.
Số tiền này chính là lý do dẫn đến lạm phát bởi người dân không tin vào khả năng trả nợ của chính phủ. Lạm phát trầm trọng đến nỗi người dân Mỹ bán cả đồ tiếp tế cho người Anh.
Đơn giản người Anh thanh toán sòng phẳng bằng vàng và bạc, thực tế hơn cả lời hứa của Quốc hội Mỹ. Lạm phát trở nên tệ hơn bởi Anh nhúng tay in đô la lục địa giả và đưa vào Mỹ.
Đồng đô la lục địa của Mỹ có chất lượng thấp, chữ ký và số sê-ri được viết tay và hầu như không có biện pháp chống tiền giả. Tiền giả của Anh chất lượng hơn cả đồng đô la lục địacủa Mỹ nên lâu dần, người Mỹ mới phát hiện được tiền giả.
Người Anh đôi khi còn cấp cả tiền giả cho tù binh Mỹ trước khi đưa họ trở lại chính quốc, đồng thời quảng cáo trên báo chí, khuyến nghị mọi người phát hiện tiền giả, điều này làm cho kinh tế Mỹ càng thêm điêu đứng.
Trong khi đó, Quốc hội Mỹ lại tiếp tục in thêm tiền để tài trợ cho cuộc chiến. Lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn, khiến chính phủ rơi vào nợ nần sau khi cuộc chiến kết thúc và là mầm mống dẫn đến cuộc nổi loạn Shay và việc ra đời Hiến pháp Hoa Kỳ sau này.
Cuộc nổi loạn Shays là cuộc nổi dậy vũ trang ở Massachusetts, tập trung chủ yếu ở trong và xung quanh Springfield vào năm 1786 và năm 1787. Cựu binh cách mạng Mỹ Daniel Shays đã lãnh đạo 4.000 phiến quân trong một cuộc biểu tình chống lại những bất công về kinh tế và dân quyền.