Mới nhìn thoáng qua, cảnh sắc hòn Heo cũng tương tự như các đảo khác của quần đảo Hải Tặc: Cũng con đường xi măng chạy dài theo khu chợ và một loạt hàng quán phía trước mặt, sau lưng là biển. Dân ở đây hầu hết sống bằng nghề biển, hoặc đánh bắt cá, ghẹ, hoặc nuôi cá mú, cá bóp trên bè. Một số có nghề lặn hàu đá, hàu bao, lặn biên mai lấy cồi… Đang đi dạo trên đảo, chúng tôi may mắn gặp ngay nhóm đánh bắt vừa kéo ghe về đang ngồi lựa cá. Vậy là cả nhóm có bữa trưa đầy ắp đồ biển với cá bằng chạng, cá hường chiên tươi, cá bóp nấu canh chua, cá hanh nướng muối ớt…
Đặc sản của vùng này là ốc biên mai (chỉ lấy cồi, bỏ thịt) và hàu, ghẹ. Buổi chiều khi đi tham quan Sơn Hải Tự và Miếu Bà, chúng tôi gặp ông Bảy Tam, cư dân cố cựu của đảo. Ông Bảy Tam cho biết xưa kia quần đảo này thuộc sở hữu của một người phụ nữ tên Lụa có chồng là người Pháp. Bà Lụa từng nuôi nhiều heo trên đảo này nên đảo mới có cái tên hòn Heo và quần đảo cũng được đặt theo tên của bà.
Sáng hôm sau, cả đoàn mướn ghe đánh cá ra khu du lịch Ba Hòn Đầm, nơi có ba hòn đảo chụm vào nhau theo hình tam giác tạo thành một khu vực nước cạn đến đầu gối ở giữa. Ba hòn ở đây là hòn Đước, hòn Giếng, hòn Dương hiện đều có chủ khai thác du lịch. Theo lời người địa phương, thời xưa, các viên quan Pháp thường đưa vợ ra đây tắm biển nên mới có cái tên Ba Hòn Đầm. Một giờ lênh đênh trên biển quả là tuyệt vời. Gió biển lồng lộng, nhìn đâu cũng thấy đảo tiếp đảo, chẳng trách có người gọi đây là Hạ Long của phương Nam. Ghe máy ghé vào khu du lịch hòn Đước trước. Sau khi tham quan một vòng, chúng tôi đặt bữa cơm trưa với cá đối nướng muối ớt rồi lội qua đầm Dương theo con đường dài vài trăm thước dưới phần biển cạn. Bãi tắm bên đầm Dương nhiều đá sỏi, nước có chỗ trong, chỗ đục vì rong tảo mọc đầy. Khu du lịch này là của chị Tăng Thị Tuyết Mai, cháu nội ông Tăng Tấn Lộc, một trong những tướng cướp nhóm Cánh Buồm Đen khét tiếng năm xưa. Nhìn chung, khu du lịch hòn Dương có vẻ phong phú hơn hòn Đước tuy hình thức thu hút khách cũng như nhau bao gồm tắm biển, bắt cá, ngủ lều, ăn uống hải sản tươi sống, thưởng thức gió biển.
Trở lại hòn Heo để kịp chuyến tàu cao tốc về đất liền lúc 2 giờ 30 trưa, mọi người còn tranh thủ tới nhà ông Trần Văn Tỷ, con trai nuôi của ông Tư Hạt, người được coi là vị chúa đảo hòn Heo để kiểm chứng một số giai thoại vùng này. Nghe rồi mới biết chuyện tướng cướp Cánh Buồm Đen cũng một thời lừng lẫy không thua gì những tướng cướp bên quần đảo Hải Tặc. Hay nhất là chuyện bà Lụa, nữ chúa của quần đảo hơn 40 hòn này. Theo ông Bảy Tam, di tích chuồng nuôi heo của bà Lụa vẫn còn lại một bức tường đá ngay giữa xã, mãi đến 1983 khi xây dựng xã Sơn Hải, người ta đã lấy đá chuồng heo đó làm nền. Tưởng câu chuyện chỉ tới đó. Vậy mà khi sắp xuống tàu, một cô bạn trong đoàn chạy về cho biết hai du khách nước ngoài mà chúng tôi mới gặp và chụp hình lúc nãy chính là cháu bà Lụa từ Pháp sang đây tìm mộ bà nội mà chưa được. Hóa ra nhân vật bà Lụa không chỉ là truyền thuyết. Và cái việc mấy người cháu từ nước Pháp xa xôi tìm về nguồn cội làm ai nấy đều xúc động!
Chi Lan