Triển lãm với tên gọi “Nhà Nguyễn” của họa sĩ Trần Minh Tâm đang diễn ra tại gallery Craig Thomas (27i Trần Nhật Duật, Q.1) và sẽ kéo dài đến đầu năm 2014 là một nét độc đáo trong sinh hoạt mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 2013.
Với 12 tác phẩm được trưng bày, triển lãm lần này – như tác giả bày tỏ mới chỉ là những nốt nhạc đầu tiên trong một bản tổng phổ mà anh mong muốn được viết nên về các nhân vật và sự kiện quan trọng thời nhà Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng tại Việt Nam. Triều Nguyễn kéo dài suốt 143 năm với mười ba đời vua, bắt đầu từ Gia Long và kết thúc với Bảo Đại, là một thời kỳ lịch sử đầy những biến động, và trong quãng thời gian đó đã xuất hiện nhiều nhân vật lịch sử quan trọng, nhiều tên tuổi kiệt xuất trong mọi lĩnh vực. Mê lịch sử từ tuổi thiếu niên, Trần Minh Tâm đã dành nhiều thời gian đọc và chiêm nghiệm những thăng trầm của triều Nguyễn mà cho tới nay vẫn còn không ít tranh cãi về nhiều nhân vật vua, quan.
Có thời gian anh mê mải tìm kiếm, sưu tập những đồ gỗ cũ không còn giá trị thương mại nhưng với anh đó cũng là những chứng nhân của một thời đại. Từng được đặt ở các vị trí trang trọng trong nhiều ngôi nhà, thậm chí từng là niềm tự hào của chủ nhân, những bức bình phong, những chiếc tủ, những bộ bàn ghế… qua bao tháng năm sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp và rồi bị loại bỏ như phế liệu. Trần Minh Tâm đã tìm thấy nét đẹp cũng như những giá trị bị khuất lấp sau vẻ ngoài tàn tạ của những đồ gỗ cũ ấy. Anh cứ lần hồi nhặt nhạnh chúng ở các tiệm bán đồ cũ, có khi ở các xe ve chai đồng nát, bày đầy trong xưởng vẽ của mình. Rồi đến một lúc anh nảy ý tưởng vẽ các chân dung thời nhà Nguyễn lên chính những đồ gỗ cũ mình đang có.
Trong loạt tranh đầu tiên của bộ tranh chân dung “Nhà Nguyễn” được vẽ bằng hai chất liệu sơn dầu và sơn mài, Trần Minh Tâm chọn những nhân vật mà anh đã tìm hiểu kỹ từ tính cách tới hình dong (qua tư liệu ảnh chụp, hình vẽ cũng như qua mô tả bằng văn bản) và cũng là những con người mà anh đặc biệt kính trọng, yêu mến. Đó là vua Duy Tân, vị hoàng đế lên ngôi khi mới tám tuổi nhưng sớm tỏ rõ nhân cách cao quý của một nhà ái quốc, không chịu đóng vai bù nhìn cho chế độ thuộc địa Pháp để rồi bị chúng lưu đày sang đảo Réunion cùng chính vua cha Thành Thái của ngài. Đó là Nam Phương hoàng hậu tài sắc mà hình ảnh của bà cho đến hôm nay vẫn nhận được sự trân trọng của nhiều người.Là các vị đại thần Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt trung lương mà số phận của họ thật nghiệt ngã. Điểm xuyết vào những bức chân dung nhân vật lịch sử, trong loạt tranh “Nhà Nguyễn” còn có các chân dung hư cấu như Kiều Nguyệt Nga trong truyện thơLục Vân Tiên của nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu hay các cô đào hát, diễn viên, vũ công cung đình nhà Nguyễn…
Trần Minh Tâm cho biết anh còn muốn vẽ các vị vua yêu nước như Hàm Nghi, Thành Thái, kể cả các vị vua thời kỳ đầu của triều Nguyễn là Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức; các học giả như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của cùng nhiều danh nhân văn hóa khác đã sống dưới thời nhà Nguyễn. Xa hơn nữa, anh mơ ước ngày nào đó có điều kiện sẽ tái hiện những trận đánh lớn trong lịch sử khi quân Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam như trận đánh Đà Nẵng (1858-1859), trận thành Gia định (1859), đồn Kỳ Hòa (1861)… mà cần đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc vì những bức tranh này đòi hỏi phải vẽ với kích thước rất lớn, với rất nhiều nhân vật, chi tiết trong tranh, “mỗi bức có khi phải vẽ cả năm hoặc lâu hơn nữa” như lời họa sĩ…
Trần Minh Tâm sinh năm 1974, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh năm 2004. Từ năm 2001 đến nay đã tham dự nhiều triển lãm nhóm trong nước và tại Singapore, Thụy Sĩ, Pháp, Mỹ. Triển lãm cá nhân “Hình thức” tại gallery Cactus năm 2012 là sự thể nghiệm những tìm tòi mới của anh trong quá trình khám phá “ngôn ngữ thị giác thuần túy” và đã gây được sự chú ý của giới chuyên môn.
- Ngã Văn