Những biến cố năm 1949 dẫn đến việc hình thành quốc đảo Đài Loan nhưng đến tận ngày nay, Đài Loan vẫn khiến thế giới chia rẽ bởi việc có hay không công nhận một quốc gia Đài Loan độc lập. Mang tâm thế đó, văn học Đài Loan từ lâu đã bứt ra khẳng định bản sắc riêng chứ không muốn hợp lưu với văn học Trung Quốc.
Năm 2018, khi cuốn tiểu thuyết Chiếc xe đạp mất cắp vào vòng sơ khảo giải The Man Booker International Prize, trên website chính thức của giải đã điền hai chữ “Đài Loan, Trung Quốc” vào ô quốc tịch của tác giả Wu Ming-Yi. Lập tức, nhà văn Wu Ming-Yi phản ứng yêu cầu sửa lại quốc tịch của ông là Đài Loan. Việc này dấy lên tranh cãi ngoài văn chương khiến ban tổ chức giải lúng túng. Kết quả, sách của Wu Ming-Yi bị tẩy chay ở Đại lục, năm đó Chiếc xe đạp mất cắp cũng chỉ dừng lại ở vòng sơ khảo.
Qua trường hợp của nhà văn Wu Ming-Yi, có thể thấy vấn đề xác định căn cước rất quan trọng trong văn học Đài Loan hôm nay.
Đối với người nước ngoài, nhất là phương Tây, thật khó để biên biệt được Hong Kong, Đài Loan hay Đại lục, bởi chữ viết, ngoại hình, khung cảnh, văn hóa đều cùng một gốc, có quá nhiều tương đồng hơn dị biệt. Nhưng đồng thời lịch sử và địa lý đã quyết định những đặc trưng riêng khó hòa lẫn và nhiệm vụ của nhà văn Đài Loan là khơi nó dậy, nói cho thế giới biết về sự tồn tại của một đất nước nhỏ bé nằm bên rìa đang vật lộn để khẳng định bản sắc riêng.
Nhà văn Đài Loan mà độc giả Việt Nam quen thuộc nhất có lẽ là Quỳnh Dao. Vốn người Tứ Xuyên, Trung Quốc, năm 1949, cũng giống như nhiều người Trung Quốc khác, gia đình Quỳnh Dao di cư đến Đài Loan. Từ thập niên 1960, văn chương Quỳnh Dao phổ biến khắp hang cùng ngỏ hẻm, cùng với đó là những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của bà phủ sóng ở nhiều quốc gia.
Các tiểu thuyết nổi tiếng nhất của bà chủ yếu lấy bối cảnh thời Dân Quốc với những gia đình cự tộc trong buổi giao thời giữa phong kiến và hiện đại. Tài năng của Quỳnh Dao là khai thác khoảng cách xã hội, những xung đột với truyền thống để làm nền cho những chuyện tình lâm li đẫm lệ. Trong số những người kế tục “ngôn tình tị tổ” Từ Chẩm Á, Quỳnh Dao là một hậu duệ nổi trội.
Tụy vậy, văn chương Quỳnh Dao vẫn chỉ là thứ văn chương lấy nước mắt để giải trí là chính. Đài Loan trên văn bản của bà là một bức ảnh chìm.
Sinh sau Quỳnh Dao vài thập niên, Wu Ming-Yi hay đọc theo âm Hán-Việt là Ngô Minh Ích lại là trường hợp hoàn toàn khác. Đến Wu Ming-Yi, Đài Loan hiện ra với đầy đủ các tao đoạn lịch sử, những đặc trưng văn hóa con người. Tiểu thuyết Chiếc xe đạp mất cắp là một biên niên sử, thông qua chiếc xe đạp quen gọi là “ngựa sắt”, nhà văn tái dựng lịch sử của Đài Loan ngót nghét trăm năm được khởi sự bằng năm 1901 với sự kiện “cây cầu Meiji đầu tiên được xây xong” và kết thúc ở năm 2002, “Cầu Meiji bị phá hủy”, như một vòng tròn khép kín, cầu xây rồi cầu hủy, từ hư không trở về hư không. Như lịch sự, như thời gian, như vòng quay xe đạp cứ xoay vòng, cuốn tất cả dưới bánh xe.
Trong lịch sử đó lại tồn tại những số phận nhỏ bé. Trên đảo quốc lại phân mảnh như trường hợp đảo Kim Môn. Nằm rất gần Đại lục, nơi đây trong một thời gian dài chính là chiến trường chính trong những cuộc khủng hoảng, xung đột quân sự giữa Đài Loan và Đại lục.
Dù thuộc Đài Loan nhưng đối với nhiều người dân trên đảo Kim Môn, họ thấy mình ít có mối liên hệ với phần còn lại của Đài Loan. Được xem là nhà văn của Kim Môn, Trần Trường Khánh, sinh năm 1946 tại Kim Môn, thông qua các truyện ngắn của mình đã cho thấy được lịch sử riêng biệt của đảo quốc này đồng thời hé mở cho người đọc những xung đột ngấm ngầm, những biến cố đau thương trên vùng đất kẹt giữa cuộc tương tranh nhưng bị lãng quên này.
Tuyển tập truyện ngắn Trần Trường Khánh (NXB Văn Hóa – Văn Nghệ, 2019) với các truyện như Xe khách công cộng nhân dân, Tạm biệt đảo Hải Nam, Tướng quân và Gạo Bồng Lai, Tôn Rỗ đã cho thấy đời sống con người trong một thế giới nhỏ bé nhưng lay hoay với những câu hỏi về căn cước và số phận.
Không phải ngẫu nhiên khi Bá Dương viết Người Trung Quốc xấu xí dù ông bấy giờ đang sinh sống ở Đài Loan. Vậy thì khi nhắc đến người Trung Quốc, Bá Dương có bao gồm trong đó người Đài Loan và phải chăng ông muốn khẳng định rằng người Đài Loan về sâu xa vẫn mang các tính cách Trung Hoa điển hình, vì thế trên con đường tiến đến hiện đại, phải thoát ra, tự khẳng định mình thì nhất quyết phải thay đổi những điều xấu xí ấy đi.
Thuộc dòng chính luận xuất sắc còn phải kể đến nữ sĩ Long Ứng Đài – tác giả của tuyển tập tiểu luận đã dịch sang tiếng Việt, Ngọn lửa hoang dã (Domino Books và NXB Hội Nhà Văn, 2019). Trong tác phẩm này, bà phơi bày những mặt trái của sự phát triển ở Đài Loan, các vấn đề môi trường, văn hóa, hội nhập… Long Ứng Đài muốn nói rằng muốn phát triển, Đài Loan không thể tự bứt phá ra khỏi cái nhỏ hẹp của một hòn đảo, phải vươn ra thế giới, nhưng cũng không vì thế đánh mất đi những điều tốt đẹp của truyền thông, bởi Đài Loan đối với bà là nước có văn hóa riêng, bản sắc riêng và đáng tự hào về điều đó.
Long Ứng Đài, Bá Dương hay Ngô Minh Ích, Trần Trường Khánh, bằng chính luận hay bằng hư cấu văn học, họ đã đưa dần Đài Loan dạt ra xa những ý kiến cố gắng gộp vào một Đại lục rộng lớn. Bằng ngòi bút của mình, họ cho thế giới thấy rằng đang tồn tại một vùng đất Đài Loan với đầy đủ lịch sử, văn hóa và sức mạnh nội tại để đứng độc lập cùng bất kỳ vùng đất nào.