Những đô thị lớn nào có tầm ảnh hưởng toàn cầu về mặt mỹ thuật trong năm 2015 sắp qua đi? Căn cứ vào nhiều yếu tố như số lượng bảo tàng mỹ thuật và gallery đang hoạt động; các sự kiện, hội chợ mỹ thuật được tổ chức thường niên; mức độ giao dịch của thị trường tác phẩm mỹ thuật…; tạp chí Artsy đã bình chọn 15 thành phố được coi là những “thủ đô mỹ thuật thế giới” năm 2015.
Không khó để các chuyên gia, các biên tập viên của Artsy chọn khá nhiều các đô thị lớn ở Mỹ trong danh sách mà đứng đầu hiển nhiên là New York, nhưng đã có sự xuất hiện của những gương mặt mới là São Paulo, Singapore và Istanbul.
New York
Với hơn 1.000 gallery và hơn 75 bảo tàng nghệ thuật mở cửa đón khách thường xuyên, đại đô thị New York cho thấy sức mạnh và uy lực của mình trong lĩnh vực này hơn bất kỳ thành phố lớn nào trên thế giới. Về mặt thị trường tác phẩm mỹ thuật thì New York cũng không có đối thủ cạnh tranh: các tác phẩm mỹ thuật được đấu giá với mức giá trên 1 triệu USD chiếm đến 2/3 số lượng toàn cầu, trong đó có toàn bộ 10 tác phẩm có giá cao nhất trong năm 2015 được đưa lên hai sàn Christie’s và Sotheby’s của New York.
Đó là chưa kể có tới trên 30 hội chợ, triển lãm mỹ thuật tầm vóc quốc tế được tổ chức trong năm 2015, trong đó Armory Show và Independent diễn ra trong tháng Ba, Frieze New York trong tháng Năm đã thu hút số lượng lớn các gallery và nhà sưu tập quốc tế. Chưa hết, các nghệ sĩ tạo hình có thu nhập cao ngất tiếp tục chọn New York làm nơi sống và sáng tác với hàng loạt studio và các không gian nghệ thuật được mở tại đây.
London
Không so được với New Yok nhưng trong một thập niên qua, thủ đô của nước Anh đã in đậm dấu ấn của mỹ thuật đương đại toàn thế giới. Thành phố sương mù cho thấy khả năng thu hút được tầng lớp tinh hoa của mỹ thuật toàn cầu về đây, đơn cử như những gallery quốc tế lừng danh là David Zwirner, Pace, Gagosian và Marian Goodman bên cạnh những thương hiệu bản xứ cũng làm rạng danh London như Lisson, Sadie Coles HQ và White Cube. Đó là những “đại gia” trong tổng số khoảng 500 gallery đang hoạt động sôi nổi ở London. Còn về bảo tàng mỹ thuật thì những tên tuổi nổi bật như Tate và Tate Modern, Royal Academy of Arts, Whitechapel (trong tổng số 60 bảo tàng và thiết chế mỹ thuật ở London) cũng chẳng kém cạnh là bao so với những MoMA, Metropolitan, Guggenheim của New York.
Mười sự kiện mỹ thuật quốc tế lớn được tổ chức tại London năm 2015, trong đó có Frieze London diễn ra vào tháng Mười với bề dày 13 năm và là một trong những hội chợ nghệ thuật lớn nhất thế giới.
Miami
Ở thủ phủ vùng biển Florida của nước Mỹ, thật đáng nể khi có tới 20 hội chợ và triển lãm mỹ thuật quốc tế trong năm 2015, nổi bật là Art Basel diễn ra tại bãi biển Miami hằng năm từ 14 năm qua, lôi cuốn biết bao anh tài khắp thế giới. Miami còn được biết đến với những bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật tư nhân có giá trị lớn, điển hình như Don – Mera Rubell và Ella Fontanals – Cisneros. Đóng góp vào mặt bằng nghệ thuật tạo hình giàu có của Miami còn là một chục thiết chế mỹ thuật đang ngày càng được biết đến rộng rãi như Bảo tàng Pérez và trên 75 gallery.
Miami ngày nay được coi là đầu cầu nối thế giới nghệ thuật tại Mỹ và quốc tế với châu Mỹ Latinh và vùng Nam Mỹ.
Venice
Thủ đô nghệ thuật của nước Ý đã tổ chức Venice Biennale lần thứ 56 vào tháng 5-2015 với chủ đề “Toàn bộ tương lai thế giới”, một sự kiện đình đám tiếp tục làm rạng danh Triển lãm lưỡng niên đã có 120 năm tuổi thọ nhưng vẫn thật thanh xuân. Nếu vào năm 1909, nhà thơ Filippo Tommaso Marinetti đã công bố “Tuyên ngôn vị lai” (Futurist Manifesto) tại đây, gợi cảm hứng cho sự ra đời của một số trào lưu mỹ thuật quan trọng của thế kỷ XX, thì năm nay nghệ sĩ tạo hình Thụy Sĩ Christoph Büchel đã gây chấn động khi biến nhà thờ Công giáo Santa Maria della Misericordia thành một thánh đường Hồi giáo, một cách biểu đạt nghệ thuật về sự đan xen văn hóa, tín ngưỡng phức tạp của thế kỷ XXI.
Venice thơ mộng với những dòng kênh và những chiếc gondola còn có 10 bảo tàng mỹ thuật nổi tiếng và 40 gallery.
Paris
“Kinh đô ánh sáng” Paris, cố hương văn hóa lâu đời của cả châu Âu có trên 60 bảo tàng mỹ thuật lớn, từ Louvre, Trung tâm Pompidou đến Orsay, Musée du quai Branly cũng như hàng loạt bảo tàng dành riêng cho các bậc thầy như Picasso, Rodin… Có khoảng 500 gallery hoạt động thường xuyên, với những tên tuổi được thế giới biết đến như Thaddaeus Ropac và Emmanuel Perrotin.
Năm 2015 không có nhiều sự kiện nghệ thuật quốc tế diễn ra ở Paris nhưng chỉ cần FIAC (Foire Internationale d’Art Contemporain – Hội chợ nghệ thuật đương đại) đã đủ tạo danh giá cho thủ đô nước Pháp trong lĩnh vực này. Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1974, FIAC là một trong ba hội chợ nghệ thuật đương đại lớn nhất thế giới với hàng ngàn nghệ sĩ từ nhiều nước tham dự.
Hongkong
Được coi là một trung tâm kinh tế – tài chính của châu Á, Hongkong còn là một trung tâm nghệ thuật quan trọng bậc nhất, một “giao điểm” của các nhà đấu giá hàng đầu thế giới, nơi Christie’s mở một gallery vào năm 2010 và sau đó là Sotheby’s năm 2012. Các tên tuổi lớn trong lĩnh vực gallery như Gagosian, Simon Lee, Lehmann Maupin cũng đã mở chi nhánh tại đây, hòa vào sinh hoạt của trên 50 gallery tại Hongkong. Sau năm bảo tàng mỹ thuật đã có, người dân Hongkong và du khách năm châu đang chờ đợi gallery M+ sẽ khai trương trong tương lai không xa.
Hongkong còn là nơi diễn ra bốn hội chợ nghệ thuật quốc tế, trong đó Art Basel Hongkong được nhà tổ chức ở Thụy Sĩ coi là một thủ đô mỹ thuật chính của toàn thế giới. Có thể nói, vùng đất chật chội này là một trong những đô thị nghệ thuật sôi động nhất hành tinh.
São Paulo
Triển lãm lưỡng niên São Paulo Biennial đã được tổ chức lần thứ 32 (năm 2015) tại đô thị hàng đầu về mỹ thuật ở Nam Mỹ, cũng là trung tâm tài chính của đất nước Brazil. Trong số hơn 40 gallery đang hoạt động ở São Paulo, có những tên tuổi đã ở tầm quốc tế như Mendes Wood DM, Galeria Nara Roesler, Galeria Jaqueline Martins và Galeria Fortes Vilaça. Song song đó là 10 bảo tàng cũng rất nổi tiếng trong khu vực.
Sự phát triển kinh tế vượt bực của Brazil trong một thập niên vừa qua kéo theo sở thích sưu tập tác phẩm mỹ thuật tại São Paulo đã, từ đó giới kinh doanh nghệ thuật và các nghệ sĩ bản xứ có được một vị trí đáng kể trên bản đồ mỹ thuật toàn cầu.
Singapore
Không lấy gì làm ngạc nhiên khi một thành phố có sự phát triển kinh tế thần kỳ như Singapore trở thành một khung cảnh nghệ thuật đầy quyền lực, không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà cả châu Á và tiến tới tầm thế giới. Đảo quốc Sư tử đã đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng văn hóa trong những năm gần đây, điển hình là phức hợp nghệ thuật Gillman Barracks được xây dựng trên khu đất rộng tới 6,4 ha, với 11 gallery quốc tế như ARNDT, Pearl Lam, Sundaram Tagore, ShanghART và Trung tâm nghệ thuật đương đại thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU CCA Singapore). Bên cạnh 40 gallery, có bốn bảo tàng nghệ thuật tại Singapore và vào tháng 11-2015 vừa qua, Bảo tàng quốc gia Singapore đã được khánh thành trên cơ sở hợp nhất hai khối nhà từng là Tòa thị chính và Tòa án tối cao. Chỉ trong vòng hai tuần sau khi mở cửa, bảo tàng này đã đón tới 140.000 khách tham quan.
Thành phố Singapore còn là nơi diễn ra hội chợ mỹ thuật lớn nhất khu vực Art Stage Singapore và Triển lãm lưỡng niên Singapore Biennale rất có uy tín.
Trong danh sách của Artsy còn có các thành phố Berlin, Basel + Zurich, Los Angeles, Detroit, Bắc Kinh, Brussels và Istanbul.
- Lê Bản