Thoạt nghe sân khấu Kịch Hồng Vân dựng vở Làm đĩ dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng, có dự cảm sẽ là một vở nhiều yếu tố hấp dẫn về những cảnh nóng của một đề tài được coi là nhạy cảm. Nhưng bất ngờ vở lại mang đến cho người xem một cách dàn dựng chững chạc và độ sâu sắc của một vở diễn về sự bế tắc đầy u ám của xã hội phong kiến đang bắt đầu bị chủ nghĩa thực dân xâm nhập. Sự trụy lạc đã len lỏi vào những gia đình quan lại. Xã hội trở nên “nửa ông, nửa thằng”. Sự băng hoại của gia đình gia phong bề thế đã kéo theo sự bế tắc của lớp trẻ. Đắm sâu trong sự mục ruỗng ấy, khán giả lại bật lên tiếng cười chua cay, ẩn giấu sự phản kháng sâu sắc.
Tác giả Chu Thơm đã chuyển thể thành công tinh thần truyện của Vũ Trọng Phụng sang kịch. Cái hay nhất là trong quá trình xem, khán giả không thể đoán biết trước tiếp diễn câu chuyện sẽ phát triển theo hướng nào. Sự bất ngờ luôn là yếu tố hấp dẫn của vở. Vở diễn như một dấu ấn ngoạn mục của đạo diễn Hồng Vân khi chị vừa được phong nghệ sĩ nhân dân. Kịch tính được nâng lên rất rõ sau từng màn. Ở đó, người xem vừa được thấy sự chỉn chu và chăm chút từng chi tiết của kịch, vừa thấy được sự khoáng đạt, hoành tráng trong cách dàn dựng của một sân khấu lớn mang tính kinh điển. Chính vì thế mỗi một nhân vật đều được khắc họa đậm nét là mảnh đất để từng diễn viên nâng được tầm của nhân vật.
Một ông Phán (Minh Hoàng) vốn là một nhà quan tiếng tăm trong vùng, chính ông đã bị cô đầu hạ gục. Phía sau tiếng cười cho một gã quan mê gái là sự sụp đổ cả một gia phong gia đình truyền thống rất nề nếp. Cái đạo hạnh làm người bỗng đổ vỡ tan hoang kéo theo bao hệ lụy. Cô gái làng chơi – Xuân (Trịnh Kim Chi) bỗng thành bà chủ trong gia đình. Cô con gái đang tuổi mộng mơ học hành – Huyền (Thanh Vân) bị cuốn theo những cuốn tiểu thuyết tình ái đã lạc bước chân khi vào đời. Tham Kim (Xuân Trang) bị nhấn chìm trong cuộc sống sa đọa, khi muốn dừng chân làm lại cuộc đời thì đã quá muộn. Cái ác cũng như cái tàn của các nhân vật ông Phán, Xuân, Tham Kim là sự tất yếu bởi hệ quả của một xã hội thác loạn, đang xuống cấp về đạo đức. Nhân vật Huyền – cô con gái như một bông hoa trắng ngần, chưa kịp bước ra cuộc đời đã bị ảnh hưởng bởi những cuốn tiểu thuyết tình ái, nên sống như trong mộng. Cô đánh mất đời con gái mà cũng chẳng biết điều đó sẽ ra sao. Khi những bi kịch lớn của cuộc đời Huyền vỡ ra, cô không tìm thấy tình yêu và luôn bị bội phản. Người xem không thấy cô lớn lên về nhân cách mà chỉ thấy Huyền ngày càng bị đắm chìm, ngụp sâu vào sự sa đọa, cô không hề ý thức được bản thân. Đây là bất hạnh lớn nhất của Huyền và cũng là bi kịch xã hội khủng khiếp nhất mà tác giả và đạo diễn đã truyền được cho người xem. Huyền là vai diễn khó nhất của Thanh Vân từ trước đến nay. Từ một cô gái thơ ngây, đến thân phận một người vợ không ra vợ. Tham Kim chồng của Huyền vì đã sống một cuộc đời trác táng, nhiễm bệnh xã hội nặng. Gặp Huyền, anh yêu vẻ thơ ngây trong trắng của cô. Chính vì yêu, anh không muốn đổ bệnh cho Huyền. Tình yêu và cuộc sống của anh ta dành cho Huyền khác nào anh ta nuôi một con cá cảnh để ngắm. Kịch diễn ra một cách chi tiết đủ để lôi cuốn người xem từng biến cố và cũng đủ đất để diễn viên có được cách diễn đi sâu vào nội tâm của nhân vật. Với Thanh Vân, sự tròn vai diễn là điều dễ thấy, nhưng sẽ hay hơn nếu Thanh Vân để cho khán giả thấy rõ độ đau đời, sự khốn khổ bởi trống vắng tình yêu của Huyền trong trường đoạn này.
Ở đây đạo diễn Hồng Vân đã thể hiện sự cao tay trong cách dàn dựng. Đạo diễn gần như không mô tả sự nhớp nhúa sa đọa ở một ổ gái mại dâm như lẽ thường tình, mà chỉ để mình nhân vật chính bị chà đạp, bị đẩy xuống đường cùng. Sự xuất hiện của nhân vật Xuân nay trở thành bà chủ chứa càng cho khán giả thấy sự mục rữa, bế tắc đến cùng đường của con người trong xã hội phong kiến.
Vai diễn hay nhất trong vở có lẽ là Trịnh Kim Chi. Gần như Trịnh Kim Chi tìm được một lối diễn khá thoải mái trong vai Xuân. Một cô gái điếm tinh ranh, hiểu rõ thân phận mình, Xuân đủ khôn để tận dụng hoàn cảnh ngoi lên. Xuân không còn niềm tin ở xã hội cô đang sống cho dù sung sướng và quyền lực đã có lúc ở trong tay. Cô là người hiểu hơn ai hết về những giá trị cướp được của người khác sẽ không bền. Chính vì thế cô sống ngoa ngoắt, tráo trở với đời. Khi hại gia đình Huyền, cô cũng thương xót Huyền. Sự phức tạp trong nhân cách của Xuân được Kim Chi chuyển tải nhuần nhuyễn. Vai diễn của Kim Chi nhẹ nhàng khéo léo dẫn dắt khán giả vào bi kịch sâu hơn.
Nhân vật duyên dáng của vở chính là vai Sen, người hầu gái của Huyền. Sen là một cô gái trong sáng có phần ngây ngô. Cô cũng đại diện cho một loại người của xã hội “nửa ông, nửa thằng” mà Vũ Trọng Phụng miêu tả. Đây là một vai hài từ đầu đến cuối. Trong nhân dạng không ai còn có thể nhận ra Lan Phương quý tộc đài các, học thức trong những vở diễn trước đây, vai người hầu gái như một duyên hài hước độc đáo của Lan Phương. Vai Sen giành được nhiều tiếng cười của khán giả. Qua vai diễn một lần nữa chứng tỏ sự đa năng không lặp lại trong cách diễn xuất đầy sáng tạo của Lan Phương.
Vở diễn một lần nữa nâng tầm cho sân khấu Hồng Vân trong sở trường chuyển thể những tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Chính cách dàn dựng kỹ lưỡng, biết chắt chiu sáng tạo của cả một tập thể tạo ra sự thành công vững vàng cho vở diễn. Đây cũng là vở diễn ngay từ những đêm đầu tiên đã liên tục nhận được những tràng vỗ tay trân trọng kéo dài của khán giả ở những điểm mấu chốt hay những xung khắc hay của kịch tính. Điều đó cho thấy khán giả là người cảm nhận rất chính xác những sáng tạo của nghệ sĩ. Và cũng chính điều đó tạo nên sự phấn kích, đầy hưng phấn giữa người diễn và người xem. Vở diễn Làm đĩ một lần nữa khẳng định thị hiếu khán giả luôn đồng hành với sự chắt chiu nghệ thuật của nghệ sĩ. Khi nghệ sĩ sân khấu nâng cao tính nghệ thuật trong tác phẩm thì khán giả cũng đón nhận nồng nhiệt.
- Việt Nga