Có những tượng, những công trình điêu khắc ta nhìn và quên ngay sau đó, nhưng cũng có những tác phẩm ghi khắc lâu dài trong trí nhớ của ta như nhắc ta tìm hiểu ý nghĩa sâu xa mà tác giả muốn thể hiện, khiến ta đặt những câu hỏi về những gì xảy ra trên thế giới, về những điều thiết yếu của cuộc sống.
Thủy triều dâng (London)
4 con ngựa, với 4 người cưỡi, được đặt bên bờ sông Thames. Khi nước sông dâng, tượng hoàn toàn chìm dưới nước nên ta chỉ có thể nhìn thấy các tượng ấy 2 lần mỗi ngày. Nơi đặt tượng được chọn không hề do sai lầm, mà do chủ ý của tác giả Jason deCaires Taylor (Anh), thực hiện vào năm 2015.
Hai trong số kỵ mã là người trưởng thành mặc trang phục chỉnh tề, một tượng trưng cho tầng lớp chính khách thích giữ thái độ thụ động, im tiếng thay vì đề ra những biện pháp chống lại sự nóng lên của khí hậu và nước biển dâng; người còn lại tượng trưng cho giới chủ ngành công nghiệp chỉ biết đến lợi nhuận, chẳng quan tâm gì đến sự rối loạn của khí hậu, mà phần lớn do hoạt động của họ.
Hai con ngựa còn lại, mà người cưỡi là 2 đứa trẻ, biểu tượng của thế hệ tương lai, sẽ là nạn nhân của 2 kỵ mã người lớn. Một chi tiết đáng nói khác: đầu 2 con ngựa do 2 trẻ cưỡi, đầu ngựa được thay thế bằng các bơm dầu. Không thể phủ nhận chính tác động của năng lượng hóa thạch là điểm ngắm mà tác giả nhắm đến.
Cây cam treo (Tel-Aviv)
Suspended Orange Tree được trưng bày ở Jaffa, thành phố cổ thuộc Tel-Aviv. Cam là thứ quả đặc biệt của Israel. Năm 1948, vào thời kỳ lập quốc, xuất khẩu cam giúp duy trì nền kinh tế của quốc gia thoát khỏi khó khăn. Vơi cây cam treo, cây được trồng trong một cái bầu đất sét và được treo giữa các ngôi nhà bằng dây cáp.
Theo giải thích của nhà điêu khắc Ran Morin, tác phẩm thể hiện loài người đã để bị cuốn đi bởi công nghiệp hóa và những tiến bộ công nghệ, rốt cuộc bị tách khỏi cộêi rễ và cắt đứt mối liên hệ với thiên nhiên. Cũng có một cách diễn giải khác cho cây treo này: một cây không đất tượng trưng cho sự lưu lạc của dân tộc Israel và cuộc sống khó khăn của người nhập cư.
- Xem thêm: Bí mật của những pho tượng nổi tiếng
Ngôi sao thương tích, Barcelona
Tác phẩm này gồm 4 khối vuông vặn vẹo bằng sắt han rỉ và thủy tinh, cao 10m, được dựng trên bãi biển Sant Miquel, thuộc khu phố La Barceloneta. Cái tên “La Estrella Herida” (Ngôi sao thương tích) không phải được đặt một cách ngẫu nhiên , mà là sự tưởng nhớ của tác giả dành cho những gì đã mất đi, những ước mơ không bao giờ thành hiện thực, những nơi mà cuộc sống từng diễn ra nhộn nhịp giờ đây chỉ là cảnh hoang phế. Trên hết là khúc tưởng niệm dành cho tuổi trẻ qua đi quá nhanh.
Vị trí ấy được chọn cũng không phải ngẫu nhiên : một nơi gần biển, từng là khu ổ chuột và là nơi ăn chốn ở của ngư dân, những cư dân nghèo túng nhất thành phố. Những gia đình đông người sống chen chúc trong những căn lều chật hẹp trên bãi biển. Rồi những quán ăn nhỏ và quán giải khát mọc lên, rồi lại bị phá hủy để xây dựng những công trình phục vụ Thế vận hội 1992, tước đi một phần bản sắc của thành phố. “Ngôi sao thương tích” rơi xuống đây vào năm 1992, tác giả là nghệ sĩ Đức Rebecca Horn.
Nghệ sĩ mang bầu (London)
4 bệ nằm ở 4 góc của Trafalgar Square, trên mỗi bệ là những pho tượng truyền thống, trừ bệ thứ tư được dành luân phiên đón những tác phẩm nghệ thuật đương đại. Trên bệ này từng xuất hiện một tàu chiến của Anh đăêt trong một cái chai, một gà trống màu xanh dương to lớn và ngón cái giơ lên, tượng trưng cho like nổi tiếng của mạng xã hội.
Một trong những tác phẩm đặc sắc và gây nhiều tranh cãi hẳn là tượng của tác giả Marc Quinn, thể hiện nữ nghệ sĩ khuyết tật Alison Lapper mang bầu. Alison ra đời không có tay và chân ngắn. Cô bé bị cha mẹ bỏ rơi và lớn lên trong cô nhi viện. Dù vậy, Alison học vẽ bằng cách ngậm cọ giữa răng, có môt cuộc sống trọn vẹn và hạ sinh một đứa con. Tượng này thể hiện nét đẹp và bản năng mạnh mẽ khó tin nơi một số người. Năm 2012, tượng được chọn là biểu tượng của Paraolympic London.
Vicissitudes (Cancun)
26 guơng mặt trẻ em này là một trong những sáng tạo độc đáo của bảo tàng dưới biển nằm ở bờ Tây Grenada, trong vùng biển Caribê, tác giả là nghệ sĩ người Anh Jason deCaires Taylor. Mục tiêu chính của bảo tàng này là phục hồi hệ thực vật và hệ động vật biển mà sự sống đang bị đe dọa.
Các tượng này trở thành chỗ trú nhân tạo cho san hô và thực vật dưới nước, hoàn tất vào năm 2007. Cấu trúc này nặng 15 tấn, có sức chịu đựng các dòng hải lưu mạnh và thủy triều. Vòng tròn trẻ em này tượng trưng cho chu kỳ sống và trách nhiệm về môi trường mà con người phải gánh nhận trước các thế hệ tương lai.
She Lies (Oslo)
Tác phẩm hoành tráng này của Monica Bonvicini cao, với kích cỡ 12 x 17 x 16m, được làm bằng thép không rỉ và tấm thủy tinh, nằm trong cảng Oslo, trước Nhà hát Opera Oslo, Na Uy. Tác phẩm được khánh thành vào năm 2010, nổi trên nước nhờ được dựng trên một đế bê tông và quay quanh một trục tùy theo thủy triều và gió, nhắc nhở thời gian thay đổi không ngừng.
She Lies trông như một băng sơn do nước phản chiếu trên các mặt thủy tinh. Núi băng nhân tạo này tượng trưng cho sức mạnh và sự huy hoàng của phương Bắc. Tính linh hoạt của tác phẩm hàm ý ưu thế của thiên nhiên trên con người, thiên nhiên mạnh hơn con người có khả năng kìm hãm và đẩy lùi mọi nỗ lực của con người.
Tác phẩm điêu khắc này của Bonvicini là sự thể hiện 3 chiều bức tranh The Sea of Ice (1824) của họa sĩ Caspar David Friedric (Đức).
Untimely contemporaries (Leipzig)
Tác phẩm này là tập hợp 5 nhân vật: một giáo viên, một bác sĩ, một kỹ sư, một chuyên thiết kế đô thị và một lý thuyết gia về nghệ thuật. Tất cả đều khỏa thân, dứng trên một cái đà, cố giữ thăng bằng. Một số yếu tố có sắc vàng ánh thu hút cái nhìn của người qua lại (cưa, vòng nguyệt quế, ống nghe…). Đà bằng đồng, được khắc dòng chữ: “Nhân danh một nguyên tắc, người ta có thể hy sinh cuộc sống, nhưng không phải cuộc sống của bản thân”.
Những nhân vật này đại diện cho những người đưa ra nhũng quyết định nhằm tạo sự năng động trong hoạt động của nhà thờ – đại học Saint-Paul trên Quảng trường Auguste, ngôi đền gotic duy nhất tồn tại sau chiến tranh và trở nên nổi tiếng vì là nơi mà các nhạc sĩ thiên tài Bach và Mendelssohn đã diễn tấu các tác phẩm của họ.
- Xem thêm: Nghề chạm khắc xương ở Lucknow
Biểu tượng tri thức và tinh thần này bị phá hủy vào năm 1968, theo lệnh của chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức, vì được xem là không phù hợp với với dự án sửa đổi quảng trường. Nghệ sĩ điêu khắc Bernd Goebel tặng tượng trên cho thành phố Leipzig, vào năm 1989, qua đó muốn truyền đi thông điệp sau: hành vi của một nhóm người thiển cận có thể để lại những hệ quả không thể cứu vãn.
Thư viện chìm (Berlin)
Bebelplatz là một quảng trường ở Berlin (Đức), từng là địa điểm đốt sách vào ngày 10.5.1933, theo lời kêu gọi của Bộ trưởng phụ trách tuyên truyền Joseph Goebbels. Vào ngày ấy, các sinh viên ủng hộ chế độ Quốc xã đã đốt 20.000 quyển sách tịch thu từ thư viện và hiệu sách.
Sinh viên xếp hàng để nám sách vào lửa trong tiếng hò reo tán thưởng, trong lúc một sinh viên dọc tên những tác giả sách liên quan. Sau Karl Marx và Karl Kautsky là tên 19 nhà văn, trong số đó có Bertolt Brecht, Alfred Doblin, Lion Feuchtwanger, Sigmund Freud, Erich Kastner, Heinrich Mann, Carl von Ossietzky, Erich Maria Remarque, Kurt Tucholsky, Franz Werfel, Arnold Zweig và Stefan Zweig.
Hiện nay, Thư viện chìm của nghệ sĩ Mischa Ullmann nhắc nhở biến cố trên. Dưới một nắp kính đặt trên mặt đất, khách bộ hành có thể nhìn thấy một thư viện với những ngăn trống. Một câu thơ của Heine đã được khắc ở đây: “Ở đâu sách bị đốt, rốt cuộc con người cũng bị thiêu”.
Mỗi năm, các sinh viên thuộc Đại học Humboldt tổ chức bán sách tại quảng trường để nhắc nhở biến cố trên.
Cá voi nhựa (Bruges)
Nhân dịp Liên hoan nghệ thuật đương đại diễn ra tại thành phố Bruges (Bỉ) vào năm 2018, Phòng kiến trúc STUDIOKCA, trụ sở ở New York, trưng bày một cá voi khổng lồ được chế tạo từ 5 tấn chất thải nhựa, gom nhặt từ đáy biển và đại dương trong suốt 4 tháng. Tác phẩm ấn tượng này cao hơn 12m, trong tư thế sẵn sàng lao vào bờ, được đặt trong một hồ giữa trung tâm thành phố.
Các tác giả muốn đánh động công luận về sự ô nhiễm rác nhựa đại dương. Các nhà khoa học ước lượng hiện tại khoảng 150 triệu tấn nhựa trôi lình bình trong các đại dương và khoảng 8 triệu tấn được ném thêm vào mỗi năm. Con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2050, nhiều hơn cả số cá trong nước.
Nguyên do: việc sử dụng nhựa tăng gấp 20 lần trong hậu bán thế kỷ 20, và ước lượng tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới. Thế nhưng việc sử dụng vật dụng plastic (ly, chai, túi…) rất ngắn ngủi, đa số chỉ được dùng một lần. Các nghệ sĩ tác giả hy vọng cá voi nhựa của họ, chứng cứ hùng hồn về tầm quan trọng của vấn đề, khiến chúng ta phải suy nghĩ về cách sử dụng nhựa trong thế giới hiện đại.
Bàn tay che chở (Glaris)
Bàn tay nhô ra khỏi đất và dịu dàng che chắn một cái cây, truyền đi một thông điệp về trách nhiệm về bảo vệ sinh thái và môi trường. Tác phẩm được đặt trong một vùng diện tích nhỏ nhưng cảnh sắc xanh tươi tuyệt đẹp của Thụy Sĩ, hạt Glaris, khiến ta phải suy nghĩ về cách giữ gìn vẻ đẹp ấy. Tác giả là Eva Oertli và Beat Huber.
Ghost Girl (London)
Đây là tác phẩm của nghệ sĩ điêu khắc Kevin Francis Gray (Anh), thể hiện một phụ nữ trẻ, gương mặt ẩn sau tấm mạng gồm những sợi rất dài xỏ những viên kim cương. Khách tham quan tò mò vén mạng sẽ giật mình vì một sọ người ở đằng sau mạng.
Bàn tay của cô gái chi chít sẹo. Tác giả muốn mô tả một người không muốn nhìn nhận thực tại. Tượng Ghost Girl trở thành biểu tượng của những người sống khép kín và cho thấy bi kịch về sự cô đơn của họ.
- Xem thêm: Mùa xanh muôn một của Lê Bá Đảng
Chuyện tình (Kiev)
Tác phẩm tôn vinh tình yêu sâu sắc giữa Luigi Pedutto (Ý) và Mokryna Yurzuk (Ukraina), một tình yêu bất chấp thời gian và khoảng cách. Họ gặp nhau năm 1943 trong một trại tập trung dành cho tù nhân chiến tranh ở Áo. Nhưng khi trại được giải phóng vào năm 1945, Yurzuk bị trả về Ukraina. Pedutto không được phép đi theo. Rồi mỗi người có gia đình riêng, nhưng vẫn không quên nhau.
60 năm sau, vào năm 2004, họ gặp lại nhờ một kênh truyền hình Nga. Lúc này họ đã 80 tuổi. Luigi cầu hôn Mokryna, nhưng bà không chấp nhận dù cả hai đều góa bụa. Tuy vậy, Luigi vẫn không ngừng nuôi hy vọng. Bức tượng về họ trở thành biểu tượng của tình yêu bất diệt. Một bản sao pho tượng ở Kiev được đặt ở thành phố quê hương của Luigi, Castel San Lorenzo (Ý).