Phong trào leo núi ban đầu phần lớn là môn thể thao của nam giới, nhưng những phụ nữ như Elizabeth Le Blond và Annie Smith Peck vẫn chinh phục được những đỉnh núi cao hàng đầu thế giới.
Những nhà leo núi đầu tiên
Lịch sử của những nữ vận động viên leo núi đã xuất hiện từ vài thế kỷ trở lại đây và những thành tích của họ đã được ghi nhận. Một trong những phụ nữ leo núi đầu tiên là cô Parminter. Cô đã trèo lên ngọn núi Alps ở Savoy, miền Đông Nam nước Pháp vào năm 1799. Một đội leo núi gồm mẹ và con gái là bà và cô Campbell đã vượt qua đèo Alpine hiểm trở ở núi Col du Geant thuộc rặng Mont Blanc vào năm 1822.
Năm 1808, một bà mẹ đơn thân tên Maria Paradis đã trở thành người phụ nữ đầu tiên leo núi Mont Blanc, ngọn núi cao nhất trong dãy Alps, nhằm phát động một số phong trào cho trà thất của bà ở thành phố Chamonix. Tuy bà đã lên tới đỉnh núi và đạt được mục tiêu thu hút sự chú ý, Paradis đã phải nhờ đến sự trợ giúp đáng kể mới có thể lên đến được đỉnh núi.
Từ chiếc váy nặng nề cho đến chiếc quần tây
Cô Henriette d’Angeville, người Pháp, đã trở thành người phụ nữ leo núi đầu tiên chinh phục ngọn Mont Blanc không cần ai trợ giúp ở tuổi 45 vào năm 1838. Cô đã tạo được thành tích này với trang bị gồm bộ váy len cồng kềnh, đôi giày ống có những chiếc đinh bắt vào đế giày để tăng độ bám, đồng thời mang theo những sợi dây thừng bằng sợi gai dầu. những lớp lụa, một mặt nạ nhung màu đen, và một khăn quàng lông đen. D’Angeville ước tính quần áo và đồ trang điểm cô mang theo nặng khoảng 9,5kg.
Những chiếc váy dài là một trở ngại khó khăn đối với những nhà leo núi phái nữ đầu tiên, nhưng họ vẫn yêu cầu phải chưng diện chỉnh tề, mặc cho những thử thách và nguy hiểm khi mặc chúng. Ngọn núi Matterhorn Coal Felicité cao 4.478m thuộc dãy núi Alps, đã được đặt tên theo Félicité Carrel, người phụ nữ mang chiếc váy phồng đã chinh phục đỉnh núi cùng với cha của cô vào năm 1867.
Một số nữ vận động viên leo núi đã cố gắng thích nghi bằng cách bỏ lại chiếc váy dài ở khách sạn, sau đó mặc vào chiếc quần dài để tiện việc leo núi. Elizabeth Le Blond, nữ vận động viên leo núi nổi tiếng trong từ năm 1880 đến năm 1890 đã gây scandal cho xã hội thời đó bằng cách mặc quần dài bên trong và mặc váy trùm qua bên ngoài.
Chế độ ăn uống chỉ gồm bánh bông lan và rượu champagne
Marguerite “Meta” Brevoort và Lucy Walker là hai phụ nữ khác đã bắt đầu leo núi vào những năm 1880. Brevoot nổi tiếng vì mặc quần dài khi leo núi; trong 11 năm bà đã chinh phục 30 đỉnh núi và 36 ngọn đèo. Walker trở thành người phụ nữ đầu tiên chinh phục ngọn núi Matterhorn vào năm 1871. Bà cũng là người thứ tư leo lên đỉnh ngọn Eiger (thuộc dãy núi Alps) và là người phụ nữ đầu tiên chinh phục ngọn núi này trong cùng năm. Trong thời gian này, được biết bà đã “sống bằng cách ăn bánh bông lan, uống rượu champagne và rượu Asti Spumante (của Ý) trong quá trình leo núi”.
Những sự kiện này xảy ra vào thời điểm khi các bác sĩ còn khuyên nữ giới phải tránh tập thể dục tích cực để bảo vệ những nét đẹp trên ngoại hình của người phụ nữ và khi leo núi phải mặc váy dài tới mắt cá chân dù điều này trên thực tế rất nguy hiểm đối với những vận động viên leo núi. Walker không chỉ hài lòng khi chinh phục được đỉnh núi đầu tiên; sau đó, bà còn tiếp tục leo lên ngọn Matterhorn và hoàn tất cuộc chinh phục những đoạn đường tắt xuyên qua dãy Alps.
Anni Smith Peck (1850-1935)
Anni Smith Peck là một nữ vận động viên leo núi tiền phong vào thời của bà. Bà đã chinh phục ngọn núi Orizaba ở Mexico vào năm 1897, lập kỷ lục chiến thắng độ cao của nữ giới vào thời đó. Khi bà leo lên đỉnh ngọn núi Huascarán ở Peru năm 1908, bà đã lập kỷ lục leo lên ngọn núi cao nhất ở Tây bán cầu ở tuổi 58. Peck trở thành thành viên sáng lập ra Câu lạc bộ leo núi Alps của Hoa Kỳ và còn tiếp tục leo núi mãi đến năm 82 tuổi. Năm 1911, lúc 61 tuổi, bà đã giương cao ngọn cờ đề dòng chữ “những lá phiếu cho phụ nữ” trên đỉnh núi Coropuna ở Peru để tranh đấu cho quyền bầu cử của phụ nữ.
Peck đã chinh phục tất cả những ngọn núi chính ở châu Âu, rồi sau đó tiếp tục tới Nam Mỹ, chứng tỏ rằng phụ nữ không chỉ biết làm bếp. Bà cũng viết một số quyển sách. Bà là người phản đối việc ép buộc phụ nữ lúc nào cũng phải mặc váy dài vào thời kỳ này. Peck thích sử dụng biểu tượng với hai ngón tay đưa lên thành hình chữ V (victory: chiến thắng).
Cùng chồng leo núi hoặc leo núi không cần nam giới
Một số đội có cả vợ lẫn chồng cùng leo núi chung với nhau, chẳng hạn như cặp A.F. và Mary Mummery vào thế kỷ 19. Nhà thám hiểm kiêm nữ vận động viên leo núi Fanny Bullock Workman đã leo núi và đi xe đạp xuyên qua dãy Alps và Himalayacùng với chồng bà là bác sĩ William Hunter Workman.
Fanny Bullock Workman là người cổ động quyền bầu cử cho nữ giới, là vận động viên leo núi, vận động viên xe đạp xuyên quốc gia. Bà đã thực hiện các kỳ tích đó trong trang phục váy. Người ta quan niệm rằng nếu một người vượt qua được những thử thách cam go trong chiếc váy mặc cồng kềnh, mọi người sẽ không thể nói rằng những gì người đó đã làm được là chuyện dễ dàng.
Bà đã chạy xe đạp khắp Tây Ban Nha và Bắc Phi, leo lên rặng núi Alps và Himalaya vào giai đoạn không có sẵn bản đồ thích hợp. Bullock đã sử dụng ảnh hưởng của bà để tranh đấu cho nữ quyền. Những chuyến du lịch và thám hiểm của bà đều được bà viết thành sách.
Vào những năm 1920, leo núi đã trở thành một sự kiện xã hội phổ biến hơn. Một đôi vợ chồng vận động viên leo núi nổi tiếng khác là Miriam O’Brien Underhill và Robert Underhill. Qua việc leo núi cùng với chồng, bà O’Brien đã trở thành một trong những nữ vận động viên leo núi hàng đầu của Hoa Kỳ trong các thập niên 1920 và 1930. Bà đã truyền bá phương pháp leo núi không cần người hướng dẫn và leo núi đồng đội với những phụ nữ khác.
Cùng với Alice Damesme, bà Miriam O’Brien Underhill đã tạo nên thuật ngữ “leo núi không cần nam giới”. Vào thời đó, khi leo núi vẫn còn là một môn thể thao hàng đầu của tầng lớp đặc quyền ở châu Âu và leo núi không có người hướng đạo vẫn được xem là rất độc đáo.
Bà đã leo lên tất cả những đỉnh cao khác ở dãy núi Alps, các rặng núi Mission và Beaverhead ở Montana cũng như các rặng Tetons và Wind River ở Wyoming cùng với những nữ vận động viên đồng hành và thường là với người chồng dũng cảm không kém, ông Robert.
Qua các thập niên, phụ nữ cũng thành lập những hội leo núi của riêng họ. Một số các câu lac bộ ở Pháp, Đức, Áo, và Ý đã được mở ra cho các bà các cô, chỉ trừ Câu lạc bộ núi Alps của Anh. Kết quả là phụ nữ Anh đã thành lập những câu lạc bộ của họ để cổ vũ phong trào leo núi và tạo những kết nối. Các câu lạc bộ (CLB) đã được thành lập gồm CLB Núi Alps của Quý Bà (1907), CLB Quý bà Scotland (1908) và CLB Đỉnh Cao (1921).
Đàn bà dễ có mấy tay
Không chỉ những tên tuổi kể trên đã làm vinh danh cho nữ giới trong lãnh vực chinh phục những ngọn núi cao chớm chở vốn xưa nay vẫn được xem là thú mạo hiểm độc quyền của phái mạnh. Sẽ là thiếu sót lớn nếu không kể thêm những khuôn mặt nổi tiếng sau đây:
Gwen Moffat
Gwen Moffat, người Anh, sinh năm 1924. Bà là một nhà văn và là nữ vận động viên leo núi “bụi đời” (dirtbag) trong những năm 1940 trước khi người ta hiểu được “dirtbag” là thế nào. Bà đã rời khỏi quân đội để cống hiến tất cả cho leo núi, ngủ trong những chuồng bò, ngựa và dưới những hàng rào; bà lập luận: “Tại sao lại ngủ trong nhà hay lập gia đình trong khi người ta có thể leo núi được?”.
Bà đã viết như thế trong bức ảnh bà leo núi với hai bàn chân trần. Moffat đã trở thành nữ hướng đạo leo núi đầu tiên vào năm 1953. Bà hợp tác với Dịch vụ Cứu hộ vùng núi của Không quân Hoàng gia Anh, đồng thời giúp huấn luyện nhiều phi công trẻ. Bà đã viết về cuộc đời mình trong quyển tự truyện Không gian dưới bàn chân tôi. Sau đó, bà trở thành một nhà văn viết truyện trinh thám.
Junko Tabei
Junko Tabei sinh năm 1939 ở Fukuchima, Nhật Bản. Bà là người phụ nữ đầu tiên chinh phục đỉnh Everest vào năm 1975.
Ngày 28.6.1992, sau khi chinh phục đỉnh Puncak Jaya ở Indonesia, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên leo lên 7 đỉnh núi (đều là những đỉnh núi cao nhất của các lục địa). Tabei hiện là giám đốc của Niềm tin Mạo hiểm Himalaya ở Nhật, tổ chức bảo vệ môi trường núi toàn cầu.